Huyện Tân Lạc: Công tác hòa giải góp phần hạn chế vi phạm pháp luật

Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Tân Lạc có nhiều chuyển biến tích cực; tổ hòa giải các thôn, xóm, khu dân cư được kiện toàn, củng cố, hoạt động đi vào nề nếp, có hiệu quả. Qua đó, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; hạn chế vi phạm pháp luật ở cơ sở.

Xã Phong Phú (Tân Lạc) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua họp khu dân cư.

Xã Phong Phú (Tân Lạc) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua họp khu dân cư.

Thị trấn Mãn Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Quy Hậu, xã Mãn Đức và thị trấn Mường Khến. Sau khi sáp nhập, các tổ hòa giải được thành lập mới với 27 tổ, 180 hòa giải viên.

Về khu 7, thị trấn Mãn Đức, được trò chuyện với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở, mới thấu hiểu những vất vả của công việc mà xưa nay thường gọi "vác tù và hàng tổng”. Khu 7 có 159 hộ, 800 nhân khẩu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ. Tình hình ANTT trên địa bàn cơ bản ổn định. Song, vẫn có những mâu thuẫn nhỏ phát sinh giữa vợ chồng, hàng xóm. Với sự vào cuộc của tổ hòa giải, nhiều vụ việc được giải quyết ổn thỏa, hợp tình, hợp lý. Bên cạnh đó, tổ hòa giải khu 7 thường xuyên mời cán bộ tư pháp thị trấn về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân tại cuộc họp khu dân cư. Đối với mỗi vụ việc hòa giải, các hòa giải viên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vụ việc, ý kiến của mọi người, nguyện vọng của các bên mâu thuẫn, văn bản pháp luật để có phương án hòa giải phù hợp. Nhờ làm tốt công tác này, nhiều năm qua, khu dân cư số 7, thị trấn Mãn Đức không có vụ việc lớn xảy ra.

Để công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả thiết thực, cán bộ tư pháp phối hợp MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể thị trấn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các tổ hòa giải; theo dõi, thống kê các vụ việc để tổ chức hòa giải; kịp thời biểu dương các tổ, hòa giải viên có cách làm hay để nhân rộng. Khi có vụ việc xảy ra, các tổ hòa giải họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất; hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết với nhau, không để mâu thuẫn phát sinh, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội; phát huy vai trò của những cá nhân có uy tín, chuyên môn, nhiều kinh nghiệm tham gia hòa giải...

Bám sát phương châm "giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Lạc đã góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân - gia đình, đất đai, hành chính...; đồng thời, hạn chế đơn, thư, khiếu nại vượt cấp. Đến nay, huyện đã kiện toàn được 159 tổ hòa giải, với 1.074 hòa giải viên, có 743 hòa giải viên đã được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 7- 15 thành viên, hầu hết hòa giải viên là người có uy tín, hiểu biết pháp luật. Hàng năm, số vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở khu dân cư được hòa giải thành chiếm hơn 80%.

Đồng chí Bùi Đăng Quyên, Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: Nhờ phát huy tốt vai trò của các tổ hòa giải, nên các vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp ở cơ sở ít xảy ra. Hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật. Thời gian tới, Phòng Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở thông qua nhiều hình thức, phù hợp từng đối tượng, nhằm đưa luật vào cuộc sống, xây dựng ý thức "Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong Nhân dân, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/148367/huyen-tan-lac-cong-tac-hoa-giai-gop-phan-han-che-vi-pham-phap-luat.htm