Huyện Tân Lạc mở rộng diện tích cây trồng đặc trưng các xã vùng cao

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, huyện Tân Lạc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đặc biệt, tại các xã vùng cao khí hậu quanh năm mát mẻ, huyện đã định hướng phát triển những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của vùng như rau su su và các loại rau ôn đới, diện tích khoảng 120 ha.

Xã Quyết Chiến (Tân Lạc) mở rộng diện tích trồng rau su su theo tiêu chuẩn VietGAP.

Xã Quyết Chiến (Tân Lạc) mở rộng diện tích trồng rau su su theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tháng 4/2018, HTX rau an toàn Quyết Chiến, xã Quyết Chiến đi vào hoạt động đã giải quyết cơ bản vấn đề tiêu thụ 60 ha rau su su của xã. Từng có thời điểm, tiêu thụ rau su su gặp khó khăn, sụt giá, khó tiếp cận với thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc bởi chưa được biết đến như một thương hiệu. Sau nhiều nỗ lực, tháng 8/2016, su su Tân Lạc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, mở ra cơ hội mới cho cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của người dân vùng cao Tân Lạc. Diện tích 17 ha rau sau su của các hộ thành viên HTX được chứng nhận VietGAP là chìa khóa vàng để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường trong nước.

Chị Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX chia sẻ: "Điều người tiêu dùng cần là sản phẩm sạch, có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Với 7 tháng thu hái trong năm, rau su su VietGAP cho sản lượng 63 tấn/ha, thu nhập bình quân khoảng 400 triệu đồng/ha. Hiện, sản phẩm rau su su của HTX có đầy đủ tem nhãn, bao bì, đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng rau sạch ở Thủ đô Hà Nội, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích rau VietGAP, tham gia các hội chợ để kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu, tạo niềm tin để nông dân yên tâm sản xuất và có thu nhập ổn định".

Rau su su bén duyên với các xã vùng cao Tân Lạc từ năm 2008 nhằm mục tiêu phát triển sản xuất bền vững và thay thế các loại cây trồng truyền thống kém hiệu quả. Từ năm 2013, huyện Tân Lạc chủ trương phát triển diện tích rau su su ở các xã vùng cao, hiện nay, tổng diện tích sản xuất rau su su toàn huyện là 64 ha, trong đó xã Quyết Chiến trên 60 ha, xã Vân Sơn có trên 4 ha. Với đặc điểm trồng 1 lần cho thu hoạch từ 2 - 3 năm, lợi nhuận bình quân đã trừ chi phí năm thứ nhất đạt 80 triệu đồng/ha, năm thứ hai từ 100-120 triệu đồng/ha.

Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của tổ chức GNI, một số loại rau nguồn gốc ôn đới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, đảm bảo liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường như: củ cải Hàn Quốc, hành Hàn Quốc, cải thảo, cà chua, xà lách xoăn, cải bắp… đã được trồng thử nghiệm tại xã Quyết Chiến và Vân Sơn với diện tích ban đầu hơn 600 m2, sau tăng lên gần 3,5 ha. Các loại rau được trồng vào vụ xuân và xuân hè nhằm tạo nguồn cung cấp rau ôn đới trái vụ. Mặc dù trong giai đoạn thử nghiệm nhưng năng suất, sản lượng các loại rau ôn đới đạt yêu cầu, chất lượng rau tốt. Sản phẩm chủ yếu bán tại cửa hàng, siêu thị cho người Hàn Quốc sinh sống tại Hà Nội.

Tuy nhiên, do giao thông khó khăn, chi phí vận chuyển cao trong khi phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác nên giá trị thu về của sản phẩm chưa cao; địa phương chưa chủ động được nguồn nước tưới, phần lớn dựa vào nước mưa tự nhiên; nhãn hiệu hàng hóa tập thể su su Tân Lạc đã được đăng ký chứng nhận, nhưng quảng bá sản phẩm còn hạn chế, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao…

Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện Tân Lạc tích cực chuyển giao KHKT theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; lồng ghép các nguồn vốn, tạo điều kiện để hộ trồng rau phát triển sản xuất, tập trung vào nâng cấp hạ tầng khu vực sản xuất tập trung; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm rau su su và các loại rau ôn đới; hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; kết hợp hài hòa giữa du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với phát triển sản xuất rau vùng cao. Đặc biệt, huyện sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất rau su su khoảng 100 ha tại xã Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông. Mở rộng diện tích trồng rau ôn đới dự kiến 20 ha với sự tài trợ của tổ chức GNI thông qua Dự án phát triển nông thôn huyện Tân Lạc gắn với phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hải Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/138290/huyen-tan-lac-mo-rong-dien-tich-cay-trong-dac-trung-cac-xa-vung-cao.htm