Huyện tân lạc: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Tân Lạc đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Tân Lạc đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Huyện Tân Lạc có 5 xã đặc biệt khó khăn, 26 xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực I, dân tộc Mường chiếm 85%. Đồng chí Bùi Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: "Trong những năm qua, việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín được các cấp, ngành của huyện quan tâm, chú trọng. Toàn huyện hiện có 159 người có uy tín là bí thư chi bộ, trưởng xóm, khu dân cư, cán bộ nghỉ hưu, già làng, doanh nhân, người sản xuất, thầy mo, thầy cúng... Với vai trò của mình, họ đã, đang góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tiêu biểu trong số người có uy tín là chị Quách Thị Thanh, sinh năm 1979, người dân tộc Mường ở xóm Bào, xã Thanh Hối. Chị Thanh chia sẻ: "Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng được bà con trong xóm tin tưởng, quý mến bình bầu tôi là người có uy tín, tôi rất vui nhưng cũng không khỏi lo lắng. Bằng nỗ lực và sự nhiệt tình, tôi luôn gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, không quản ngại khó khăn đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, xây dựng thôn xóm đoàn kết, bình yên, phát triển”.
Chị Quách Thị Thanh không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chị còn cùng các thành viên trong tổ hòa giải xóm thường xuyên tổ chức các buổi họp, trò chuyện, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân; tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không để người thân trong gia đình vi phạm pháp luật.
Ông Bùi Văn Liển, xóm Bào tâm sự: "Bản thân tôi trước đây do uống rượu không làm chủ được bản thân, thường xuyên gây ra xích mích, không tập trung làm ăn phát triển kinh tế. Được người có uy tín trong xóm và tổ hòa giải xóm đến động viên, giải thích, tôi đã hiểu rõ cái đúng cái sai, từ đó nhận ra lỗi lầm của mình, hăng hái tham gia phát triển kinh tế, gia đình mới có cuộc sống ổn định như hiện nay”.
Đối với gia đình bà Bùi Thị Ái, thực hiện phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mới đầu bà còn ái ngại, đất rộng bám đường bê tông nhiều bà sợ mất hết đất, nhưng được người có uy tín đến vận động, giải thích ý nghĩa việc hiến đất mở rộng đường, bà đã hiểu và đồng tình hưởng ứng.
Nhờ chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín, những năm qua, huyện Tân Lạc được đánh giá là địa phương có tình hình an ninh, trật tự xã hội ổn định, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, những hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện, nâng cao, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, chung sức xây dựng quê hương ngày một ấm no, phát triển.
Mai Chinh
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)