Huyện Thạch Thành phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch, nhưng năm 2020, kinh tế của huyện Thạch Thành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất tăng 16,7%, cao hơn so với bình quân chung của tỉnh; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 10,5%; công nghiệp, xây dựng tăng 19,6%; thương mại, dịch vụ tăng 14,9%; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,9 triệu đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Nông dân xã Thành Tâm chăm sóc cây ổi.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Thạch Thành phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 đạt hơn 1.564 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 23,9% năm 2016 xuống còn 16,9% năm 2020. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 83,1 triệu đồng/ha năm 2016 lên 110 triệu đồng/ha năm 2020. Để thực hiện có hiệu quả cơ cấu nông nghiệp, huyện phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam quy hoạch vùng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng diện tích hơn 1.317 ha; tiến hành phục tráng và nhân giống cây đầu dòng, xây dựng nhà lưới làm vườn ươm cây giống; triển khai xây dựng dự án xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du (đã được cấp văn bằng bảo hộ)... Đã có 15 doanh nghiệp thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, với diện tích 477 ha; trong đó, có 8 doanh nghiệp lớn với diện tích 357 ha và một số chủ trang trại đầu tư thuê đất, tích tụ đất để phát triển cây ăn quả có múi (cam, bưởi), áp dụng công nghệ cao như hệ thống tưới tiết kiệm, phân hữu cơ, tưới phân tự động... Tổng diện tích cây ăn quả có múi trên 536 ha, trong đó diện tích trồng tập trung ứng dụng công nghệ cao trên 200 ha (102 ha cây ăn quả được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP), sản lượng cây ăn quả có múi đạt 4.000 tấn quả/năm; hiệu quả kinh tế bình quân vùng cây ăn quả công nghệ cao đạt 400 đến 600 triệu đồng/ha; doanh thu ước đạt hơn 60 tỷ đồng/năm. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện hơn 2.510 ha; trong đó, diện tích trồng tập trung 1.388 ha, sản lượng đạt 38.260 tấn, tổng giá trị sản xuất cây ăn quả 351,5 tỷ đồng. Ngoài ra, để phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế, huyện thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống cây, con có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng 30 cánh đồng lớn áp dụng khoa học - kỹ thuật ở cả 2 vụ với diện tích 2.452 ha tại các xã trọng điểm, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 53,4 tạ/ha, tăng 8,7 tạ/ha so với năm 2016; tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 55.974 tấn. Thực tế cho thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Thạch Thành bảo đảm hợp lý, giảm diện tích đất trồng lúa không chủ động nước, đất một vụ lúa năng suất thấp sang trồng mía, cây dược liệu, cây thức ăn phục vụ chăn nuôi. Chuyển đổi diện tích mía sang trồng các loại cây ăn quả, trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao và đến nay đã thực hiện chuyển đổi hơn 942 ha đất lúa năng suất thấp, hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng khác. Thực hiện sản xuất mía nguyên liệu trên diện tích 4.391,6 ha; trong đó, diện tích cánh đồng lớn thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ là 820 ha, năng suất bình quân trên cánh đồng lớn đạt hơn 100 tấn/ha (cá biệt một số xã năng suất đạt 120-130 tấn/ha), đưa năng suất mía nguyên liệu bình quân toàn huyện lên 68 tấn/ha, tăng 8 tấn/ha so với năm 2016. Đi đôi với đó, huyện Thạch Thành tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu đàn vật nuôi; phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, đến nay toàn huyện có 46 trang trại theo quy định tại Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi lợn tập trung, quy mô công nghiệp tại các xã Thạch Lâm, Thạch Tượng. Xây dựng phương án và thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC đối với sản phẩm lợi thế là cây gỗ rừng trồng (tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất cây giống, trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và đến nay đã được cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích hơn 3.361 ha cho 1.852 hộ tham gia). Chỉ đạo thực hiện chuyển đổi đất mía trên 15 độ dốc sang trồng rừng sản xuất; toàn huyện đã chuyển đổi 450 ha mía sang trồng rừng sản xuất tại xã Thạch Cẩm, Thạch Tượng, Thành Minh, Ngọc Trạo, Thành Long. Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Thạch Thành chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và trong năm 2020 đã hoàn thành xây dựng 1 xã NTM, 1 xã NTM nâng cao, 2 thôn NTM kiểu mẫu, 15 thôn NTM. Đến nay toàn huyện có 8/23 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 34,7%, 1 xã NTM nâng cao, 4 thôn NTM kiểu mẫu, 135 thôn NTM, bình quân toàn huyện đạt 16,43 tiêu chí. Các đơn vị đăng ký sản phẩm tham gia sản phẩm OCOP và thẩm định hồ sơ đánh giá 2 sản phẩm đề nghị tỉnh công nhận sản phẩm OCOP.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thạch Thành cho biết: Năm 2021, huyện phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất đạt 15,3%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,7 triệu đồng/năm. Diện tích đất được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 385 ha. Có 2 xã, 7 thôn đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt NTM nâng cao, 1 thôn đạt NTM kiểu mẫu. Để đạt kế hoạch, mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp. Huyện khuyến khích các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết 12-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng NTM. Tiếp tục thu hút, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch an toàn. Tiếp tục rà soát, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía, ngô và các loại cây màu. Thực hiện cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất mía bình quân toàn huyện đạt 70 tấn/ha trở lên. Tiếp tục phát triển vùng cây ăn quả theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hoàn thành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du; phát triển sản phẩm OCOP. Rà soát, cải tạo lại diện tích rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn; khuyến khích mở rộng diện tích trồng rừng và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các hộ gia đình; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Khuyến khích việc chuyển từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm môi trường. Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn, không để dịch bùng phát; giám sát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh với nguồn đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp để đầu tư các công trình hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, đẩy mạnh phong trào xây dựng các khu dân cư, các tuyến đường giao thông nông thôn xanh, sạch đẹp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Xuân Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-thach-thanh-phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-ntm/130587.htm