Huyện Thạch Thất: Khắc phục, ứng phó khẩn trương với mưa bão

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, tính đến ngày 31-7, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; kịp thời ứng phó với tình trạng mưa lũ, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Với tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, công tác ứng phó với cơn bão số 2, huyện Thạch Thất đã đạt hiệu quả khả quan. Hệ thống đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi ổn định, giảm thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Công an huyện, xã Bình Yên đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng tại chỗ hỗ trợ 20 hộ dân di dời đến khu vực an toàn và vận chuyển tài sản, vật nuôi. Ảnh: Công an xã Bình Yên

Công an huyện, xã Bình Yên đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng tại chỗ hỗ trợ 20 hộ dân di dời đến khu vực an toàn và vận chuyển tài sản, vật nuôi. Ảnh: Công an xã Bình Yên

Giảm tối đa thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, tính đến ngày 31-7, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; kịp thời ứng phó với tình trạng mưa lũ, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Do mực nước sông Tích lên cao gây ngập úng cục bộ ở một số khu vực ven sông Tích như: Xóm Trại thôn Phú Đa 2 (xã Cần Kiệm), xóm Sông thôn Ngoại Thôn (xã Phú Kim), chủ yếu ngập đường ngõ xóm, một số hộ ngập sân, chưa phải di dời.

Đến ngày 31-7, tổng diện tích bị ngập úng là 158ha (gồm 107,9ha lúa, 41,1ha rau màu và 9,0ha cây ăn quả), trong đó: Diện tích ngập trắng không có khả năng phục hồi là 131,4ha: Lúa 91,6ha, rau màu 30,8ha, cây ăn quả 09ha; ngập sâu 26,6ha: Lúa 16,3ha, rau màu 10,3ha…

Ngoài ra, trên địa bàn huyện xảy ra sạt lở tại xã Cần Kiệm (2 hộ phải di chuyển chỗ ở về nơi an toàn), Thạch Xá (vị trí sạt lở ảnh hưởng đến 2 hộ nhưng chưa phải di chuyển chỗ ở); một số điểm có nguy cơ sạt lở nhỏ ở các xã vùng đồi núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Các điểm sạt lở không thiệt hại về người, tài sản.

Công an xã Bình Yên hỗ trợ di chuyển tài sản cho người dân. Ảnh: Công an xã Bình Yên

Công an xã Bình Yên hỗ trợ di chuyển tài sản cho người dân. Ảnh: Công an xã Bình Yên

Trước đó, nhiều tuyến đường, khu dân cư của xã Bình Yên cũng xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến tài sản, hoa màu và việc đi lại của nhân dân.

Để chống lũ, bảo đảm đời sống nhân dân, Công an xã Bình Yên đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng tại chỗ đến các vùng ngập úng để hỗ trợ 20 hộ dân di dời đến khu vực an toàn, hỗ trợ vận chuyển hoa màu, tài sản, vật nuôi. Đồng thời, lực lượng công an cắm biển cảnh báo và phân công, bố trí lực lượng chốt chặn, canh phòng tại các khu vực nguy hiểm, không để người dân, nhất là học sinh và các loại phương tiện lưu thông qua; bảo đảm an ninh, trật tự và giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Lực lượng chức năng hỗ trợ di chuyển đất cho các hộ dân trên địa bàn xã Yên Bình. Ảnh: Đoàn Thịnh

Lực lượng chức năng hỗ trợ di chuyển đất cho các hộ dân trên địa bàn xã Yên Bình. Ảnh: Đoàn Thịnh

Còn theo Chủ tịch UBND xã Yên Bình Đoàn Thị Thịnh, do ảnh hưởng mưa lớn, trên địa bàn xã có một số điểm sạt lở nhỏ và hơn 200m tường bao bị đổ, ngô bị đổ 30-50% diện tích… Lực lượng chức năng của xã đã hỗ trợ người dân dọn dẹp, xúc đất vận chuyển đi nơi khác…

Về xử lý úng ngập khu dân cư, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn, do đặc thù vị trí thôn dân cư xóm Trại (xã Cần Kiệm) và xóm Sông thôn Ngoại Thôn (xã Phú Kim) nằm sát sông, không có bờ bao ngăn cách nên phụ thuộc hoàn toàn mực nước sông Tích. Do mực nước sông Tích lên cao, nước tràn vào đường xóm, sân của một số hộ gia đình, chưa phải di dời. UBND huyện thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo xã Cần Kiệm, Phú Kim kiểm tra, quan tâm đời sống nhân dân khu vực bị ảnh hưởng. Hiện tại xóm Sông thôn Ngoại Thôn (xã Phú Kim) nước đã rút, sinh hoạt của nhân dân bình thường; xóm Trại (xã Cần Kiệm) chỉ còn ngập đường ngõ xóm, nhân dân vẫn sinh hoạt ổn định…

Về ngập úng nội đồng, mặc dù đã bơm tiêu rất tích cực nhưng hiện nay vẫn còn 26,6ha lúa và hoa màu của các xã: Cẩm Yên, Hương Ngải, Chàng Sơn, Cần Kiệm, Kim Quan bị ngập sâu, tiếp tục bơm tiêu…

Tiếp tục chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống

Để chủ động ứng phó với mưa lớn và các tình huống thiên tai có nguy cơ tiếp tục xảy ra, theo Bí thư Đảng ủy xã Cần Kiệm Nguyễn Hữu Hải, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn; thông tin kịp thời đến người dân chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện và trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời ứng phó với mọi tình huống xảy ra, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng nhân dân, các công trình công cộng trên địa bàn.

Hợp tác xã nông nghiệp thường xuyên kiểm tra các công trình tiêu thoát nước, kịp thời báo cáo tình huống xảy ra; đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể, thôn tuyên truyền nhân dân chuẩn bị giống, vật tư bảo đảm phục hồi sản xuất đối với các diện tích lúa, hoa màu bị ngập…

Các đoạn tường bị đổ tại xã Yên Bình được xây dựng trở lại. Ảnh: Đoàn Thịnh

Các đoạn tường bị đổ tại xã Yên Bình được xây dựng trở lại. Ảnh: Đoàn Thịnh

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn cho biết, huyện tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo để người dân chủ động, cảnh giác và kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai; tiếp tục chỉ đạo vận hành các trạm bơm tiêu đầu mối và cục bộ để tiêu úng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho diện tích lúa mùa mới cấy, diện tích hoa màu, cây ăn quả và diện tích thủy sản trên địa bàn.

Sau khi nước rút, huyện chỉ đạo các xã thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc diện tích lúa, hoa màu sau ngập úng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Huyện chỉ đạo các xã vùng đồi núi: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân, Cần Kiệm, Thạch Xá, Kim Quan, Thạch Hòa tiếp tục rà soát các hộ gia đình sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất để chủ động di dời, bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân khi có mưa lớn xảy ra.

Các tuyến đường trên địa bàn huyện Thạch Thất đã thông thoáng, đi lại bình thường. Ảnh: Vũ Cường.

Các tuyến đường trên địa bàn huyện Thạch Thất đã thông thoáng, đi lại bình thường. Ảnh: Vũ Cường.

Các xã ven sông Tích, gồm: Cẩm Yên, Lại Thượng, Phú Kim, thị trấn Liên Quan, Kim Quan, Cần Kiệm, Thạch Xá, Đồng Trúc, Tân Xã, Hạ Bằng thường xuyên kiểm tra đê điều, công trình thủy lợi để phát hiện sự cố, chủ động ứng phó ngay từ giờ đầu, hạn chế tối đa thiệt hại.

Xí nghiệp thủy lợi huyện bố trí công nhân trực 24/24h để vận hành các trạm bơm tiêu úng. Sau đợt bơm tiêu úng, rà soát các thiết bị điện, máy bơm để sửa chữa, bảo dưỡng, bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa bão năm 2024.

Công ty điện lực Thạch Thất bố trí công nhân trực để sẵn sàng xử lý sự cố, bảo đảm nguồn điện cho công tác phòng, chống thiên tai, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Huyện tiếp tục rà soát hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, có diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão số 2 và mưa lớn gây ra, kịp thời hỗ trợ ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất theo quy định.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huyen-thach-that-khac-phuc-ung-pho-khan-truong-voi-mua-bao-673580.html