Huyện Thanh Bình định hướng phát triển ngành hàng ớt theo hướng bền vững

Với quy mô sản xuất hàng năm trên 1.300ha, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 18.400 tấn ớt tươi, huyện Thanh Bình được xem là 'vựa ớt' lớn nhất của tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh những mặt thuận lợi, ngành hàng này cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi phụ thuộc khá lớn vào thị trường xuất khẩu. Do đó, để giúp nông dân sản xuất ổn định, nâng cao thu nhập từ canh tác ớt, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Thanh Bình thực hiện nhiều giải pháp giúp ngành hàng ớt phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn.

Hiện tại, toàn huyện Thanh Bình có 199ha diện tích canh tác ớt được cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu

Hiện tại, toàn huyện Thanh Bình có 199ha diện tích canh tác ớt được cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu

Tại huyện Thanh Bình, ớt được trồng phổ biến ở khu vực các xã Cù lao Tây và một số xã vùng ven như: An Phong, Tân Thạnh... Theo đánh giá của nông dân trồng ớt, so với những cây trồng khác tại địa phương, cây ớt cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần cây lúa và gấp đôi so với những cây màu khác. Đây chính là nguyên nhân khiến cho diện tích canh tác ớt không ngừng nhân rộng tại địa phương.

Song song với việc phát triển mạnh diện tích canh tác cây ớt, những năm qua, nhiều ngành nghề, dịch vụ liên quan đến chuỗi ngành hàng ớt cũng phát triển mạnh tại địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, toàn huyện có 10 doanh nghiệp (DN) thu mua và xuất khẩu ớt tươi... Bên cạnh đó, những năm gần đây, hoạt động chế biến các sản phẩm từ ớt cũng được các DN địa phương đẩy mạnh. Hiện tại, huyện Thanh Bình có một số sản phẩm được chế biến từ ớt như: bột ớt, tương ớt, ớt khô, muối ớt... Trong đó, sản phẩm muối sấy Ngọc Yến của Cơ sở chế biến - sản xuất Muối sấy Ngọc Yến là một trong những sản phẩm chất lượng tạo được dấu ấn nhất định trên thị trường. Nhiều năm liền, sản phẩm muối sấy Ngọc Yến vinh dự được bình chọn là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biêu cấp khu vực, cấp Quốc gia và nhiều năm liền đạt chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh.

Xác định việc chuẩn hóa vùng trồng nhằm phục vụ xuất khẩu và chế biến là nền tảng quan trọng giúp cho ngành hàng ớt tại địa phương phát triển bền vững, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Thanh Bình thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: hướng dẫn người dân sản xuất ớt theo hướng an toàn, hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ DN thu mua ớt trên địa bàn được cấp mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu... Với sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương, những năm qua, có nhiều DN đến huyện Thanh Bình đầu tư, mở vựa thu mua và chế biến ớt. Đáng chú ý, cuối năm 2022, huyện Thanh Bình có 3 DN: Công ty TNHH Cẩm Long Đồng Tháp, Công ty TNHH vựa ớt Quốc Việt, Công ty TNHH Dũng Ớt được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số đăng ký xuất khẩu ớt tươi chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là tin vui và cũng là nền tảng quan trọng giúp cho việc tiêu thụ, xuất khẩu ớt tại địa phương được thuận lợi và ổn định hơn.

Anh Văng Thành Việt - Giám đốc Công ty TNHH vựa ớt Quốc Việt, huyện Thanh Bình, cho biết: “Trung Quốc là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của DN, trung bình hàng năm, Công ty TNHH vựa ớt Quốc Việt xuất khẩu từ 10 ngàn - 20 ngàn tấn ớt tươi sang thị trường “tỉ dân” này. Tuy nhiên, những năm gần đây, với những thay đổi về chính sách nhập khẩu hàng hóa nông sản tại thị trường Trung Quốc gây nhiều khó khăn cho các DN xuất khẩu. Do đó, để tiếp tục xuất khẩu nông sản sang thị trường này, bản thân DN và sản phẩm nông sản xuất khẩu phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe của đối tác Trung Quốc”.

Từ đầu năm đến nay, thị trường Trung Quốc “mở cửa” trở lại đối với sản phẩm ớt của Việt Nam giúp giá nông sản này ổn định hơn, cũng vì thế mà lợi nhuận từ canh tác ớt của nông dân cao hơn so với cùng kỳ những năm trước. Trước vấn đề tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu của đối tác Trung Quốc, nhiều nông dân trồng ớt ở huyện Thanh Bình bày tỏ mong muốn với sự hỗ trợ và hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương để nông dân sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn của các DN thu mua ớt xuất khẩu.

Ông Lê Đức Hiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, cho biết: Đối với huyện Thanh Bình, ớt được chọn là ngành hàng chủ lực trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương xuyên suốt trong những năm qua. Tuy nhiên, để giúp cho ngành hàng ớt khai thác hết những tiềm năng và lợi thế vốn có cần phải thực hiện nhiều việc. Trong đó xây dựng vùng trồng đạt chuẩn, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, nông sản được sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ là định hướng mà ngành nông nghiệp huyện Thanh Bình đang đẩy mạnh.

Hiện tại, trên địa bàn huyện được cấp tổng số 77 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Mỹ, Nga... với diện tích 5.117ha. Trong đó, cây ớt được cấp 15 mã số vùng trồng, với diện tích 199ha. Kế hoạch những vụ mùa tiếp theo, ngành nông nghiệp huyện sẽ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn 100% diện tích trồng ớt đều được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đối với cây ớt nói riêng, các loại cây trồng nói chung, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, sản xuất an toàn, VietGAP... là nền tảng để phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, để xuất khẩu được bài bản và ổn định, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn để tất cả các công ty, DN xuất khẩu ớt trên địa bàn huyện Thanh Bình được cấp mã số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch...

MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/huyen-thanh-binh-dinh-huong-phat-trien-nganh-hang-ot-theo-huong-ben-vung-113167.aspx