Huyện Tháp Mười đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số

ĐTO - Thời gian qua, huyện Tháp Mười tuyên truyền các chủ trương của tỉnh, huyện về chuyển đổi số (CĐS), nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của CĐS. Đồng thời tập trung các giải pháp phát triển 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và thực hiện tốt Nghị quyết số 04 ngày 31/12/2024 của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Đồng Tháp.

Thành viên Tổ thanh niên chuyển đổi số thị trấn Mỹ An (bên trái) hướng dẫn tiểu thương tại chợ Tháp Mười sử dụng mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán

Thành viên Tổ thanh niên chuyển đổi số thị trấn Mỹ An (bên trái) hướng dẫn tiểu thương tại chợ Tháp Mười sử dụng mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán

Để thực hiện tốt công tác CĐS, UBND huyện Tháp Mười xây dựng kế hoạch thực hiện CĐS huyện Tháp Mười giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS huyện. Các xã thành lập 13 Tổ CĐS, 13 Tổ thanh niên CĐS; các khóm, ấp thành lập 62 Tổ công nghệ số cộng đồng. Các cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là trong công tác cải cách hành chính, sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng trong thực hiện thủ tục hành chính, giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành (iDesk) được huyện triển khai đến 41 đơn vị trên địa bàn; có 97,7% văn bản được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật) theo quy định. UBND xã, thị trấn bố trí đoàn viên, thanh niên trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, phát triển kinh tế số, xã hội số, UBND huyện phối hợp Viettel Tháp Mười triển khai chi trả tiền qua thẻ cho đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp các đơn vị liên quan triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ Tháp Mười; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử. Huyện tập trung CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế. Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện sử dụng tốt các ứng dụng, phần mềm như: báo cáo và tổng hợp số liệu tình hình sâu bệnh hại cây trồng PPDMS 2.0; phần mềm số hóa OCOP... Huyện Tháp Mười duy trì, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả của địa phương trong CĐS như: hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến tại UBND xã, thị trấn; mô hình canh tác lúa lý tưởng; phòng họp không giấy eCabinet... Ở các xã, thị trấn, các Tổ CĐS tích cực tuyên truyền cho người dân kiến thức, kỹ năng số cơ bản và hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh đăng ký cài đặt các tài khoản thanh toán điện tử.

Tại thị trấn Mỹ An, thực hiện CĐS, UBND thị trấn duy trì 1 Tổ thanh niên CĐS thị trấn và 4 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 4 khóm. Các Tổ CĐS tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng E-Dong Thap, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại nhà thông qua ứng dụng VNeID. Triển khai chi trả tiền qua thẻ cho đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Đặc biệt là mô hình chợ 4.0 tại chợ Tháp Mười thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích, thu hút nhiều hộ tiểu thương tham gia, góp phần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh.

Ông Ngô Duy Phú - Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, cho biết: “Qua triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn, từng bước nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp về CĐS và tích cực ứng dụng CĐS trong các lĩnh vực của đời sống. UBND thị trấn sẽ tiếp tục nâng chất lượng các Tổ CĐS; hướng dẫn người dân, tiểu thương tích cực sử dụng các ứng dụng số trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tham gia các sàn thương mại điện tử, góp phần lan tỏa công nghệ số trong cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.

Việc thực hiện CĐS trên địa bàn huyện Tháp Mười đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực. Địa phương đạt và vượt 12/17 chỉ tiêu 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Đồng Tháp; thanh toán phí, lệ phí trực tuyến ngày càng tăng; 100% sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử; có 5/11 doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử... Thời gian tới, huyện Tháp Mười tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và Nhân dân về CĐS; tập trung thực hiện tốt 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trọng tâm là phát triển chính quyền số dẫn dắt kinh tế số, xã hội số cùng phát triển; chỉ đạo các ngành huyện, UBND xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ CĐS để đạt kế hoạch đã đề ra.

MỸ XUYÊN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chuyen-doi-so/huyen-thap-muoi-day-manh-thuc-hien-chuyen-doi-so-125751.aspx