Huyện Thiệu Hóa chú trọng phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, huyện Thiệu Hóa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định thương hiệu các loại nông sản trên thị trường.

Diện tích trồng rau màu của gia đình bà Phùng Thị Huân, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) cho thu nhập cao.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Thiệu Hóa đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên cây, chuyên con hiệu quả kinh tế cao. Như: Xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với tổng diện tích 6.500 ha/năm; 9 vùng chuyên canh sản xuất rau màu, diện tích hơn 27 ha; vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu diện tích gần 2 ha tại xã Thiệu Lý; vùng chuyên canh trồng dâu tằm gần 127 ha và hơn 250 trang trại, gia trại có quy mô từ 1 ha trở lên... Thông qua việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và hình thành nhiều sản phẩm đặc trưng đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, như: Rau an toàn (thị trấn Thiệu Hóa), dưa chuột an toàn (thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Toán), Kiệu (xã Thiệu Toán); nấm, mộc nhĩ, thỏ thương phẩm (xã Tân Châu), thanh long ruột đỏ (xã Thiệu Vũ), cá thương phẩm an toàn (xã Thiệu Long), cá giống (xã Minh Tâm)...

Tại vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn thị trấn Thiệu Hóa, bà Phùng Thị Huân, tiểu khu 6, thị trấn Thiệu Hóa, cho biết: Với 2 sào ruộng, gia đình thực hiện luân canh nhiều loại cây trồng trong năm, như: Rau xà lách, cà chua, súp lơ... Nằm trong vùng chuyên canh sản xuất rau màu của địa phương, nên cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thuận lợi, năng suất, sản lượng nhờ đó tăng đáng kể, việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Doanh thu của gia đình có thể đạt tới 40-45 triệu đồng/năm/2 sào chuyên canh sản xuất rau màu. Hiện toàn vùng chuyên canh rau an toàn của thị trấn Thiệu Hóa có gần 100 hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu bình quân đạt 420-450 triệu đồng/ha. Bà Phạm Thị Thanh Nga, giám đốc HTX rau, củ, quả an toàn thị trấn Thiệu Hóa, khẳng định: Việc xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau màu tại địa phương đã hình thành tư duy sản xuất quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật thâm canh, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: UBND huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia sản xuất nông nghiệp quy mô lớn để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành một số chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ hiệu quả, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn thuê đất sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ với diện tích 330 ha tại thị trấn Thiệu Hóa, các xã Thiệu Thành, Thiệu Duy, Thiệu Tiến, Thiệu Công..., hiệu quả kinh tế tăng từ 20% đến 30% so với sản xuất thông thường; mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng cây ngô ngọt diện tích hơn 80 ha tại các xã: Thiệu Ngọc, Thiệu Vũ, Thiệu Thành, Thiệu Tiến; khoai tây (vụ đông muộn, xuân sớm) diện tích gần 50 ha tại các xã Thiệu Thành, Thiệu Vũ, Minh Tâm, Tân Châu; cây đậu tương rau 15 ha tại các xã Thiệu Thành và Minh Tâm; cây lúa gần 400 ha (sản xuất giống lúa thuần, giống lúa lai..., lúa gạo hàng hóa) tại các xã Thiệu Tiến, Thiệu Thành, Thiệu Công, Thiệu Vận...

Để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, UBND huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn giữ ổn định diện tích 9 vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chú trọng nghiên cứu thị trường để đưa vào sản xuất những giống cây, con được thị trường ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích các HTX, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại, công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông sản trên địa bàn.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-thieu-hoa-chu-trong-phat-trien-vung-chuyen-canh-san-xuat-nong-nghiep/111763.htm