Huyện Thọ Xuân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Những năm qua, huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn;...

Khu trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại đồng Ngâu xã Nam Giang.

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, phát triển bền vững đã mang lại hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện Thọ Xuân đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, như: hỗ trợ máy sấy lúa cho các HTX liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư hệ thống điện cho các khu trang trại tổng hợp có diện tích từ 20 ha trở lên;... Để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, huyện Thọ Xuân đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX thực hiện tích tụ, tập trung hơn 1.498 ha đất. Từ đó, căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, huyện đã định hướng cho các xã, thị trấn hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây trồng, như: vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 6.500 ha; vùng sản xuất lúa giống 500 ha/1 vụ; vùng mía nguyên liệu với diện tích 1.500 - 2.000 ha, vùng trồng cây ăn quả với diện tích 217 ha;... Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, như: bưởi Luận Văn, bưởi Bắc Lương, cam Xuân Thành... Đồng thời, thực hiện chuyển đổi hơn 2.700 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao, như: ngô, mía, rau màu các loại, cây ăn quả,... Hiệu quả kinh tế của các cây trồng sau chuyển đổi tăng gấp 2 đến 3 lần trồng lúa. Những năm gần đây, xác định khoa học - kỹ thuật là khâu then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, huyện đã đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh được đưa vào sản xuất thay thế dần các giống cũ. Cùng với đó, tích cực ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước trong sản xuất cây ăn quả, mía,... Xây dựng 9 mô hình nhà màng, nhà lưới nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ kết hợp tưới nước tiết kiệm với diện tích trên 65.000m2, lợi nhuận 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, toàn huyện đã thu hút được 92 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện các dự án lớn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của châu Âu, Israel và các nước phát triển... Một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đã và đang hình thành, phát triển bền vững, như: cây mía nguyên liệu; giống lúa thuần chất lượng cao; ngô dày, cỏ làm thức ăn chăn nuôi; các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ớt, ngô ngọt, khoai tây, bí,...

Trong chăn nuôi, huyện Thọ Xuân khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô vừa và lớn, ứng dụng công nghệ cao, trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế, như: lợn hướng nạc, gà lông màu,... Ứng dụng công nghệ truyền tinh nhân tạo, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao như bò sind, Brahman, Drughtmaster, BBB, bò Úc, trâu Mura,... áp dụng công nghệ chuồng kín, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, bước đầu đã hình thành liên kết chuỗi chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH bò sữa Vinamilk; sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi của Công ty CP Nông sản Phú Gia.

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả về sản xuất nông nghiệp, huyện Thọ Xuân đã dần khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều sản phẩm đã gắn kết được thị trường. Qua đó, đặt nền móng quan trọng để huyện đẩy nhanh tiến trình xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị kinh tế. Hiện, giá trị sản xuất trên 1 ha diện tích canh tác đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới, từ những kết quả đạt được, huyện sẽ tiếp tục chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Nâng cao chất lượng và phát triển số lượng các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn, trọng tâm mở rộng quy mô, chất lượng hoạt động của HTX; liên kết với các doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho người dân trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ trên thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. Từng bước hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học về giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Đầu tư sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, hệ thống tưới tiêu tự động, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ và xây dựng. Phấn đấu trong thời gian tới có 95% trang trại thực hiện quy trình truyền tinh nhân tạo cho gia súc, trên 90% trang trại sử dụng công nghệ tiên tiến, như: máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học...

Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-tho-xuan-phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-ben-vung/128306.htm