Huyện Thọ Xuân: Xây dựng xã, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm

Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm (ATTP) vừa là giải pháp quản lý chất lượng thực phẩm từ nơi sản xuất; vừa góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP của chính quyền cấp xã.

Mô hình cửa hàng thực phẩm an toàn là một nội dung trong xây dựng xã, thị trấn an toàn thực phẩm ở Thọ Xuân.

Xác định được tính chất quan trọng của vấn đề, thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã và đang khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai thực hiện Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND, ngày 12-11-2018 của UBND tỉnh về Quy định tiêu chí, trình tự thủ tục, hồ sơ công nhận, công khai xã, phường, thị trấn ATTP.

Xã Bắc Lương là địa phương được chọn thí điểm mô hình xã đạt tiêu chí ATTP của huyện Thọ Xuân. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết 51-NQ/ĐU về lãnh đạo công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn xã; kiện toàn tổ chức, bộ máy và tăng cường nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP. Đồng thời, đã tổ chức hội nghị phân công các nhóm tiêu chí, các chuỗi giá trị thực phẩm an toàn... đến từng đoàn thể, cán bộ, công chức, làng văn hóa, bí thư chi bộ, trưởng thôn, ban quản lý chợ, các tổ giám sát cộng đồng thôn và triển khai xuống người dân để thực hiện. Cùng với việc rà soát và tổ chức ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP đối với trên 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ban chỉ đạo vệ sinh ATTP xã còn thành lập tổ giám sát, định kỳ lấy mẫu thực phẩm (giò, chả, thịt, cá, rau...) để kiểm tra các loại chất cấm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, mô hình lò giết mổ tập trung, mô hình chợ thực phẩm an toàn, mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, mô hình bếp ăn tập thể an toàn cũng được địa phương chú trọng.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội, cuối năm 2018, xã Bắc Lương đã hoàn thành 4/4 tiêu chí ATTP. Bao gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; thông tin, tuyên truyền, tập huấn; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định; kiểm tra, xử lý vi phạm. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xây dựng xã ATTP không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân; mà còn tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng bảo đảm ATTP. Sau khi hoàn thành các tiêu chí xã ATTP, nhiệm vụ đặt ra cho địa phương lúc này là duy trì và phát huy các kết quả đạt được. Theo đó, cũng có không ít khó khăn trong công tác này, ví như vấn đề kinh phí để duy trì ban nông nghiệp và các tổ giám sát sau thí điểm; tiến độ xây dựng và phát triển các mô hình ATTP còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP chưa được thực hiện thường xuyên... Tất cả đều cần sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và mỗi người dân trên địa bàn xã.

Từ mô hình xã ATTP Bắc Lương, đến nay huyện Thọ Xuân đã có 19 xã được tỉnh thẩm định đạt tiêu chí ATTP; 6 xã đang chờ tỉnh thẩm định và 14 xã đã được huyện thẩm định các tiêu chí ATTP. Để có được kết quả này, địa phương đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình ATTP. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ xã đạt tiêu chí ATTP, với mức 50 triệu đồng/xã. Riêng đối với xã thí điểm Bắc Lương, tổng mức hỗ trợ của huyện lên đến trên 300 triệu đồng, bao gồm kinh phí xây dựng 1 cửa hàng ATTP, 1 chuỗi sản xuất – cung ứng thực phẩm an toàn, 1 bếp ăn tập thể an toàn và hỗ trợ sau khi hoàn thành các tiêu chí. Trong công tác ATTP, thanh tra, kiểm tra, giám sát là khâu quan trọng. Theo đó, sự phối hợp giữa các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, công thương trong thực hiện nhiệm vụ là khá nhịp nhàng, rõ ràng và hạn chế chồng chéo. Cùng với các đợt kiểm tra định kỳ (tết, trung thu) của các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện; thì đối với cấp xã, việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cũng được tiến hành thường xuyên. Việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi trên thực phẩm cũng được huyện triển khai tương đối bài bản. Khi phát hiện thực phẩm có nguy cơ mất an toàn, sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm để xác định tính chất, mức độ nhằm cảnh báo người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Cấp ủy, chính quyền cơ sở được xem là nhân tố đầu tiên, hay một nhân tố có tính quyết định đến hiệu quả kiểm soát chất lượng thực phẩm từ khâu đầu vào. Do đó, chỉ khi thực hiện quyết liệt từ cơ sở, thì khi ấy, vấn đề bảo đảm ATTP mới có được kết quả mong muốn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Khương Thị Tịnh, Chánh Văn phòng Điều phối ATTP huyện, cho biết: Bước đầu, việc triển khai xây dựng xã, thị trấn ATTP trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn. Một phần do nội dung tiêu chí đề ra khá phức tạp, một phần do thời điểm triển khai (đầu năm 2019) các xã đang tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc sáp nhập thôn và hoạt động của các thôn sau sáp nhập cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc xây dựng xã, thị trấn ATTP... Huyện Thọ Xuân đã xác định, công tác ATTP muốn làm tốt được phải bắt đầu từ cơ sở, đặc biệt là phải đi sâu phát huy vai trò giám sát của người dân. Chỉ khi người dân có ý thức giám sát và tự giám sát, thì khi ấy, công tác bảo đảm ATTP mới có được chuyển biến tích cực. Cũng theo bà Tịnh, để công tác ATTP đạt hiệu quả, thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống xã phải thường xuyên, liên tục, không dừng. Đồng thời, quan tâm đến hoạt động và nâng cao trách nhiệm của các ban nông nghiệp và tổ giám sát cộng đồng. Song song với đó là đầu tư kinh phí xây dựng các mô hình ATTP và các tổ giám sát. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP; cũng như khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng...

Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/huyen-tho-xuan-xay-dung-xa-thi-tran-dat-tieu-chi-an-toan-thuc-pham/109594.htm