Huyền thoại điền kinh Bùi Lương ra đi trên hành trình vạn dặm

Làng điền kinh Việt Nam nghẹn ngào nghe tin huyền thoại đường chạy Bùi Lương qua đời ngày 30-6 sau một thời gian ngắn chống chọi với bệnh tật.

Mới thoáng thấy Bùi Lương có mặt tại Lai Châu nhân sự kiện Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong 2024 hồi tháng 3, chẳng ai nghĩ không lâu sau đó ông phải lên giường bệnh vì căn bệnh ung thư để rồi ra đi mãi mãi.

HLV Bùi Lương và Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến tại Điện Biên tháng 5-2024

HLV Bùi Lương và Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến tại Điện Biên tháng 5-2024

Giới điền kinh Việt Nam không ai không biết đến ông khi cái tên Bùi Lương được nhắc đến như một huyền thoại, một tượng đài trên đường chạy cự ly dài với vô số thành tích để đời cùng rất nhiều câu chuyện đã trở thành giai thoại. Hơn 60 năm gắn bó cùng bộ môn, trong đó có 20 năm (1957-1977) là VĐV, 40 năm (1980-2020) trong vai trò huấn luyện và những năm cuối đời luôn có mặt tại mọi điểm nóng của điền kinh, việc ông ra đi để lại nhiều tiếc thương cho cả cộng đồng chạy bộ Việt Nam.

Kỳ tích trên đường chạy marathon quốc gia

Sinh năm 1939 tại Sài Gòn, Bùi Lương được gia đình đưa ra Hải Phòng sinh sống khi lên 16 tuổi. Ở quê mới, chàng trai trẻ Bùi Lương thường xuyên chạy bộ để duy trì sức khỏe như thói quen từ khi còn nhỏ.

Những năm sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, phong trào TDTT trong nhà trường phát triển rất mạnh. Ban đầu chỉ cùng vài người bạn chạy hằng ngày cho khỏe người, năm 1957, Bùi Lương xếp hạng 3 cự ly 5 km Giải Điền kinh học sinh toàn Hải Phòng.

Bùi Lương và hành trình chạy đã trở thành huyền thoại

Bùi Lương và hành trình chạy đã trở thành huyền thoại

Năm 1958, Bùi Lương dự Giải Việt dã Báo Tiền Phong lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội và giành HCB trong màu áo đơn vị Hải Phòng. Năm 1961, ông giành HCV marathon đầu tiên. Sau một thời gian làm công nhân, Bùi Lương xin vào bộ đội và được bố trí về đơn vị pháo phòng không đóng quân ngay ở địa bàn Hải Phòng để bảo vệ thành phố.

Hằng ngày ông dậy từ mờ sáng chạy bộ 10km, khi đơn vị thức dậy và bắt đầu bài tập lúc 5 giờ, ông lại tiếp tục tập luyện cùng đơn vị. Sau 3 năm, Bùi Lương xuất ngũ về thi đấu lại cho thể thao Hải Phòng từ năm 1962 và giành nhiều thành tích nên được gọi lên tập trung đội tuyển điền kinh quốc gia năm 1965.

HLV Bùi Lương trả lời báo chí tại Giải Vô địch leo núi Bà Rá 2013

HLV Bùi Lương trả lời báo chí tại Giải Vô địch leo núi Bà Rá 2013

Hai mươi năm gắn bó với đường chạy, Bùi Lương sở hữu bảng thành tích đáng nể: Chín lần vô địch Giải Việt dã Báo Tiền Phong, trong đó có 8 năm liên tiếp về nhất; liên tục thiết lập kỷ lục mới các cự ly đường trường 5.000 m, 10.000 m và marathon mà phải hàng chục năm sau, những thành tích này mới bị xô đổ bởi chính các học trò của ông. Ông cũng vinh dự được khoác áo đội tuyển quốc gia tham dự nhiều giải quốc tế, nhiều lần được bình chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc và sau này còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Kháng chiến. Ông được trao danh hiệu "Thành tựu cống hiến trọn đời" của thể thao Việt Nam năm 2017.

Thầy của nhiều nhà vô địch

Nhớ về những năm tháng gian khổ nhưng đáng nhớ ấy, Bùi Lương bộc bạch: "Những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, chỉ có tình yêu với thể thao mới giúp chúng tôi trưởng thành. Không có kỷ luật tập luyện nào nghiêm khắc bằng kỷ luật do chính mình đặt ra, cứ tâm niệm như thế, bản thân tôi đã đạt được nhiều thành tích khi thi đấu".

Tượng đài của điền kinh Việt Nam

Tượng đài của điền kinh Việt Nam

Khi tuổi đã cao, năm 1977, ông theo học Đại học TDTT Từ Sơn nhằm tích lũy thêm kiến thức chuyên môn, chuẩn bị cho chặng đường mới trong cuộc đời thể thao. Chuyển sang làm HLV cho đội điền kinh Hà Nội, Bùi Lương phát hiện và đào tạo nhiều VĐV tiêu biểu như Đặng Thị Tèo (vô địch quốc gia các cự ly trung bình và dài, 6 lần vô địch việt dã, kỷ lục gia marathon toàn quốc), Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Hòa, Lưu Văn Hùng, Nguyễn Chí Đông... Tại SEA Games 2003, 2 học trò của ông đều giành huy chương là Đoàn Nữ Trúc Vân (HCV 10.000 m, HCĐ 5.000 m) và Nguyễn Thị Hòa (HCB marathon). Đến SEA Games 2009, đến lượt các VĐV Phạm Thị Hiên, Bùi Thị Hiền tỏa sáng trên đường chạy dài cùng với những tấm HCB, HCĐ của Bùi Thị Hiền tại Asian Indoor Games 2009.

Sau khi chia tay đội tuyển quốc gia đầu năm 2010, Bùi Lương về huấn luyện cho điền kinh Biên phòng và một năm sau, ông vào Nam làm việc với Bình Phước. Không phải là địa phương có thế mạnh truyền thống, chỉ lèo tèo vài VĐV theo tập luyện nhưng chỉ trong vài tháng, điền kinh Bình Phước gần như lột xác hoàn toàn dưới bàn tay của HLV Bùi Lương.

Cộng đồng chạy bộ trao tặng giải thưởng "Đam mê cống hiến trọn đời" cho ông tháng 6-2024

Cộng đồng chạy bộ trao tặng giải thưởng "Đam mê cống hiến trọn đời" cho ông tháng 6-2024

Gần mười năm, dàn VĐV điền kinh Bình Phước thực sự trưởng thành với dáng vóc một thế lực mới không chỉ ở bộ môn leo núi mà còn ở các cự ly đường trường. Trần Văn Lợi 2 năm liên tiếp đoạt chức "Vua leo núi Bà Rá" rồi vô địch marathon toàn quốc 2013; Hoàng Nguyên Thanh nhiều năm liên tiếp chinh phục đỉnh Bà Rá, HCB marathon toàn quốc 2015, HCĐ marathon SEA Games 2015; HCV marathon SEA Games 31…

Đến chết mới thôi chạy

Nổi tiếng trong giới thể thao với phát biểu: "Đến chết mới thôi chạy, thôi không làm điền kinh", Bùi Lương ở tuổi ngoài 80 mà sức khỏe vẫn tráng kiện, dẻo dai nhờ duy trì nếp sinh hoạt thường ngày bình dị như khi còn trẻ. Điều độ trong ăn uống, nghỉ ngơi, không uống rượu, hút thuốc lá cũng chẳng thức khuya, ông dậy từ tờ mờ sáng hằng ngày, chạy đều đặn gần chục cây số và mỗi tối còn đi bộ khoảng 2 giờ. Lịch sinh hoạt ấy như cỗ máy được lập trình sẵn, chạy trơn tru suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Lão VĐV Bùi Lương và các nhóm chạy phong trào ở Hà Nội cuối năm 2023

Lão VĐV Bùi Lương và các nhóm chạy phong trào ở Hà Nội cuối năm 2023

Bùi Lương nhiều lần tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp: "Thể thao chưa từng mang lại sự giàu có nhưng thể thao giúp tôi có được sức khỏe, sự thanh thản và hạnh phúc trong cuộc sống, được chia sẻ, đóng góp trở lại cho thể thao. Bùi Lương chỉ cần như thế!".

Ở tuổi nào, HLV Bùi Lương cũng duy trì thói quen dậy sớm và chạy. Vì thế trong suốt cuộc đời 85 năm, ông Bùi Lương hầu như không cần dùng đến thuốc, không bị bệnh. Nếp sinh hoạt của HLV Bùi Lương vẫn không thay đổi cho đến những tháng ngày cuối đời và ông chỉ chịu đầu hàng căn bệnh ung thư ập đến khá nhanh.

Khi phong trào marathon Việt Nam phát triển, dù đã ở độ tuổi ngoài 80, ông vẫn tự tập luyện hàng ngày bên cạnh việc huấn luyện miễn phí cho nhiều CLB marathon ở Hà Nội. Sự nghiệp lẫy lừng, lối sống kỷ luật, giản dị của HLV Bùi Lương là tấm gương cho nhiều thế hệ học trò cũng như những người đam mê chạy bộ.

Sự ra đi của huyền thoại Bùi Lương để lại nỗi tiếc thương với gia đình và cộng đồng yêu điền kinh Việt Nam.

Đào Tùng - Ảnh: Đông Linh, FBNV

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huyen-thoai-dien-kinh-bui-luong-ra-di-tren-hanh-trinh-van-dam-196240701100931274.htm