Huyền thoại 'đồ gỗ Phan Văn Nhị'

Xuất thân từ một vùng quê nghèo, chỉ với hai bàn tay trắng và không được học hành, ông Phan Văn Nhị đã tạo dựng được một thương hiệu sản xuất đồ gỗ có tiếng ở Sài Gòn, có chất lượng và tính mỹ thuật cao trong gần 30 năm.

Từ đầu những năm 2000 tại Sài Gòn, rất nhiều người trong giới trang trí nội thất và chơi đồ gỗ xưa cất công săn lùng một dòng đồ gỗ có từ đầu thập niên 1950. Họ đến các điểm bán đồ gỗ cũ trên đường Lê Công Kiều, đường Pasteur gần chùa Ấn, dưới chân cầu chữ Y hoặc đi xa hơn là đường Bùi Thị Xuân ở quận Tân Bình… để tìm cho được dòng đồ gỗ của hiệu “Phan Văn Nhị”. Chúng được nhận dạng nhờ kiểu dáng thanh thoát thể hiện ở cái tủ búp phê, bộ salon, tủ chén… Nếu may mắn, có thể tìm được món đồ gắn marque bằng đồng có hàng chữ màu vàng “Phan Văn Nhị” trên nền màu đỏ.

Phan Văn Nhị là ai?

Trước 1975, trên con đường Hồng Thập Tự tập trung nhiều tiệm đồ gỗ lớn. Trong hai tiệm nổi tiếng nhất ở đó, lâu đời hơn là tiệm Vụ Bản sản xuất đồ gỗ theo mẫu mã cổ điển. Còn tiệm Phan Văn Nhị, mở ra từ thập niên 1950, chiếm mặt tiền rộng 20m với năm căn liên tiếp, cao ba tầng… Tầng trệt bày bán các loại bàn, ghế, salon, tủ chén, tủ búp phê do xưởng sản xuất với mẫu mã mới, đa số bằng gỗ gõ đỏ, lớp vernis bóng nhẹ phủ vân gỗ sang trọng, chi tiết các món đồ thanh thoát, kiểu dáng hiện đại nên được ưa chuộng khắp miền Nam. Nhật báo Tiếng Chuông đã sớm quảng cáo dòng đồ gỗ này từ đầu thập niên 1960, nhất là trên các giai phẩm Xuân mấy năm liên tiếp.

Chân dung ông Phan Văn Nhị (*)

Chân dung ông Phan Văn Nhị (*)

Khách đến xem đồ gỗ thỉnh thoảng có thể thấy được ông chủ đứng trước cửa tiệm này, chính là ông Phan Văn Nhị, một người đàn ông có chiều cao tới hơn 1,8m, da trắng, trán cao và được xem là đẹp trai thời đó.

Từ đâu ông Nhị có thể tạo nên thương hiệu đồ gỗ gần như “huyền thoại” này?

Không ai có thể ngờ ông chủ của cơ ngơi gồm các xưởng chế biến gỗ, xưởng mộc và tiệm trưng bày đồ gỗ này lại là người… không biết chữ. Nhưng điều đó không ngăn cản ông tạo dựng nên cơ nghiệp, chưa kể ông còn thành công trong ngành địa ốc ở Sài Gòn trước năm 1975, bằng cá tính độc đáo, sự kiên trì, nhẫn nại, kết hợp với tài hoa bẩm sinh.

Ông Phan Văn Nhị là con thứ tư trong gia đình làm nghề đánh cá trên sông. Ông sinh khoảng 1911 (Tân Hợi). Lúc còn nhỏ, vùng cù lao Ông Chưởng, Long Xuyên đang có chiến tranh nên giấy tờ của ông bị thất lạc, không thể lục lại để biết chính xác năm sinh.

Khoảng năm 15 tuổi, Nhị được cha cho theo học nghề mộc với một người thợ ở Rạch Giá. Cảm thấy quý mến cậu thanh niên siêng năng và khéo léo, ông thợ mộc gả luôn con gái cho Nhị. Hai vợ chồng sinh được ba người con gái, một trai.

Sau khi thành nghề, tại thị xã Rạch Giá, Phan Văn Nhị lập ra một xưởng mộc đóng bàn ghế. Do có tay nghề khéo léo, tiệm nhanh chóng nổi tiếng, có lúc cả trăm thợ làm việc. Xưởng đặt tại góc ngã tư đường Nguyễn Trung Trực - Cô Giang, thời đó người dân gọi là “ngã tư Phan Văn Nhị”. Sau ông Nhị có thêm người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Khoa sinh năm 1916, con một ông hội đồng ở Định Tường. Ông bà có với nhau năm con gồm ba trai, hai gái. Bà Khoa là người sát cánh bên ông tạo dựng cơ ngơi sau này.

Ông bà Phan Văn Nhị - Nguyễn Thị Khoa cùng các con.

Ông bà Phan Văn Nhị - Nguyễn Thị Khoa cùng các con.

Kháng chiến bùng nổ, ông Nhị không thể đứng ngoài cuộc nên tham gia hoạt động chống Pháp. Ban ngày điều hành xưởng mộc, buổi tối ông bí mật thực hiện nhiệm vụ được giao là “trưởng ban cung ná”, lo sản xuất vũ khí cung ná để đánh giặc thay cho súng đạn rất quý hiếm thời đó. Tuy nhiên, quân Pháp tìm cách săn lùng những người kháng chiến và đã giết nhiều người.

Năm 1948, thấy nguy hiểm kề cận, bà Khoa khuyên ông trốn lên Sài Gòn. Ông bà lập tức ra đi, phần xưởng mộc ở Rạch Giá để lại cho bà vợ đầu và các con làm chủ.

Khởi nghiệp ở đất Sài Gòn từ tay trắng

Lên tới Sài Gòn, ban đầu vợ chồng ông tạm ngụ trong ngôi nhà dưới chân dốc cầu Ba Cẳng ở Chợ Lớn. Ra đi với bàn tay trắng, ông muốn khôi phục lại nghề nhưng không có vốn liếng. Ông bà phải đi mót gỗ cũ từ các hầm tránh đạn để làm bàn ghế bán sống tạm. Cuộc sống ổn định dần, ông trở lại nghề, lập một xưởng nhỏ sản xuất và bán đồ mộc trên đường Trần Hưng Đạo. Dần dà tích lũy được vốn, ông mở tiệm đồ mộc lớn tại số nhà 105 đường Minh Mạng (nay là Ngô Gia Tự).

Tuy đường Minh Mạng đang là khu bán đồ gỗ sầm uất, đến năm 1955, ông Nhị quyết định mở tiệm bán đồ gỗ ở số 71-73C Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Đường Hồng Thập Tự là con đường phồn thịnh, đã có một số tiệm bán đồ gỗ. Có người cho là ông Nhị sẽ không trụ nổi, chỉ vài tháng là bị “bóp mũi”. Thật ra lý do chính của quyết định dời về đây là để tiện việc học của con trai là Phan Văn Nhơn, đang học trường Jean-Jacques Rousseau (nay là trường Lê Quý Đôn).

Tiệm bán đồ gỗ 71-73C Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) đã có từ năm 1955.

Tiệm bán đồ gỗ 71-73C Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) đã có từ năm 1955.

Sau năm 1954, Sài Gòn mở rộng diện tích, nhu cầu xây dựng phát triển mạnh mẽ, nhất là giai đoạn người Mỹ vào miền Nam giữa thập niên 1960. Sản phẩm đồ gỗ dùng trong nội thất của ông bền, đẹp, phong cách hiện đại đã đáp ứng nhu cầu này. Việc di dời về đây là quyết định đúng, mang đến nhiều may mắn. Chính trên con đường này, tiệm đồ gỗ Phan Văn Nhị trở thành thương hiệu đóng đồ gỗ danh tiếng lan tỏa khắp miền Nam.

Tổ chức của hãng bao gồm: phần rọc cây do trại cưa trên đường Nguyễn Văn Học ở Gia Định đảm nhận. Xưởng sản xuất bàn ghế tủ thành phẩm có đủ máy móc hiện đại đặt ở số 105 đường Minh Mạng, Chợ Lớn. Tiệm bán thành phẩm đặt tại số 73 Hồng Thập Tự. Số lượng nhân viên và công nhân cả ba cơ sở là 200 người. Các loại đồ gỗ Phan Văn Nhị như tủ búp phê, salon thùng, salon thẻ có chân bọc đồng, tủ quần áo… hình dáng thon gọn, giản dị kiểu hiện đại không chạm trổ rườm rà, gỗ tốt thường dùng là gõ đỏ, chỉ cần đánh lại vernis là hiện ra ngay vẻ đẹp chân phương nhưng sang trọng.

Cho đến 1975 vẫn còn đủ ba cơ sở này.

Chất lượng và… mắc tiền!

Ông Nhị với tính cầu toàn đã làm ra các sản phẩm nội thất có tính thẩm mỹ cao, chất lượng gỗ tốt nhất. Ông đặt ra các tiêu chuẩn cho sản phẩm: một là chất lượng tốt nhất, bảo đảm sử dụng suốt đời; hai là phải thể hiện là món đồ cao cấp và… mắc tiền. Điều này khiến vợ chồng ông có lúc bất đồng vì bà muốn quảng cáo trên báo Tiếng Chuông: “Đồ gỗ Phan Văn Nhị bảo đảm sử dụng suốt đời và giá rẻ”. Ông quan niệm đồ bán ra giá cao chính là sự cam kết chất lượng phải tương xứng và ông quyết giữ cam kết này.

Ô quảng cáo đồ gỗ Phan Văn Nhị trên báo chí Sài Gòn trước 1975.

Ô quảng cáo đồ gỗ Phan Văn Nhị trên báo chí Sài Gòn trước 1975.

Ông xác định hướng đi lâu dài là làm ăn độc lập, không hùn hạp với ai, có sức gan lì chịu đựng để vượt qua mọi khó khăn. Đã có tuổi, thỉnh thoảng lại bị chứng sốt rét hành hạ, ông Nhị thường xuyên vào nằm nhà thương nhưng nhờ có các cộng sự viên đắc lực; nhất là có vợ ông, một người mạnh mẽ, quyết đoán và có khi... dám liều nên việc kinh doanh vẫn phát triển.

Khi sản xuất mẫu mã mới, ông hướng dẫn thợ rất tỉ mỉ cho đến khi rành rẽ ý tưởng của ông. Anh Nhơn - con trai đầu của ông sau này sang Pháp học kiến trúc sư - nhớ khi còn nhỏ, anh thường được cha dẫn theo lúc phát lương cho thợ. Đến xưởng, cha anh xem xét kỹ lưỡng và thử ngồi từng chiếc ghế. Ông chú trọng cảm giác của người ngồi trên ghế, xem có êm không, thoải mái không và sau đó sẽ thẳng thắn góp ý từng người. Tuy yêu cầu cao trong việc sản xuất kinh doanh, ông được quý mến không chỉ nhờ sự tài hoa, thông minh mà còn do tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ thợ thầy trong xưởng.

Ông Nhị hiểu thời thế thay đổi thì “gu” thẩm mỹ cũng thay đổi nên liên tục cho ra mẫu mã mới trên cơ sở kế thừa các mẫu mã cổ điển vốn được ưa chuộng. Trong số thợ của ông có “ông Cả”, một thợ lớn tuổi giỏi nghề đã cùng ông nghiên cứu kiểu dáng mới theo hướng “nửa cựu, nửa tân”, trong đó có một bộ salon rất được ưa chuộng do ông Nhị chỉnh đổi bộ chân cong của ghế bấy lâu thành bộ chân thẳng khá đẹp và hiện đại. Bộ này được chuộng đến mức khách phải đặt trước cả năm trời mới có. Ông còn vẽ kiểu để sản xuất bàn trang điểm cho phụ nữ, bán khá chạy vì lúc đó ít có nơi sản xuất và bán loại bàn này.

Xe tải giao đồ gỗ của tiệm.

Xe tải giao đồ gỗ của tiệm.

Thập niên 1960, đồ nội thất bằng gỗ dán formica bắt đầu được ưa chuộng vì nhẹ, kiểu dáng thanh thoát, màu sắc hiện đại. Tiệm Phan Văn Nhị vẫn sản xuất loại đồ này đáp ứng thị hiếu của khách nhưng ông Nhị với cá tính riêng không thích chạy theo các mẫu mã phổ thông. Lúc đó đang trên giường bệnh ông vẫn ra mẫu đồ formica theo kiểu riêng của “Phan Văn Nhị”. Trong đó, bộ bàn ghế “Con Cò” được xem là kiệt tác bán chạy với hai cánh tay bằng gõ đỏ tạo hình cánh cò, ghép thêm formica vào cho mới lạ. Dần dà, các sản phẩm của tiệm ngày càng đa dạng.

Trên báo Tiếng Chuông số 63 ra ngày 4.10.1968, quảng cáo của tiệm như sau: “Muốn nhà đẹp và mỹ thuật chỉ có bàn ghế ở hãng Phan Văn Nhị. Nệm nằm ngồi êm như của ngoại quốc. Làm bằng máy móc tối tân, mau lẹ, bền chắc và bảo đảm. Có nhiều bàn ghế đắt tiền và bàn ghế bằng sắt để văn phòng đủ loại, chưng bày tại số 73A Hồng Thập Tự, Sài Gòn. ĐT: 20743...”.

Đồ gỗ Phan Văn Nhị đẹp và độc đáo không lẫn vào đâu được nên khách hàng sành điệu rất ưa thích, nhiều nhân vật tai mắt trong chính phủ thích sắm để dùng trong tư thất. Khi đã ổn định và khá giả, ông bà mở rộng sang kinh doanh địa ốc, mua đất cất nhà cho thuê. Việc này chủ yếu do vợ ông đảm nhiệm. Trong mấy năm trước 1975, toàn bộ các con của ông bà lần lượt sang Pháp du học và bà Khoa thường xuyên qua lại chăm sóc các con. Sau năm 1975, đang bên Pháp, bà mở nhà hàng cơm Việt “Nhị Khoa” - lấy tên hai vợ chồng ghép lại.

Nhà hàng cơm Việt “Nhị Khoa” lấy tên hai vợ chồng ghép lại do ông bà mở sau năm 1975 cho đến 1981 tại Montrouge gần Paris.

Nhà hàng cơm Việt “Nhị Khoa” lấy tên hai vợ chồng ghép lại do ông bà mở sau năm 1975 cho đến 1981 tại Montrouge gần Paris.

Năm 1976, ông Nhị sang Pháp sum họp gia đình, cùng sinh sống tại thị trấn Montrouge gần Paris. Vẫn còn yêu thích nghề mộc, ở xứ người ông ấp ủ ý định xây dựng lại thương hiệu đồ gỗ Phan Văn Nhị. Lúc đó, anh Nhơn con trai ông đang có một hãng thầu xây nhà. Thỉnh thoảng ông lên chơi tại công trường và rất được thợ Pháp ở đó quý mến dù ông không nói được tiếng Pháp. Có lúc ông đã tính chuyện lập xưởng mới. Tuy nhiên, do tuổi tác đã cao, các con đang đi học và muốn có hướng đi riêng lại không muốn ông lao tâm khổ tứ nên việc này bất thành.

Ông Phan Văn Nhị mất năm 2000, thọ 90 tuổi. Bà Khoa đã mất trước đó, vào năm 1980.

Xuất thân từ một vùng quê nghèo, chỉ với hai bàn tay trắng và không được học hành, ông Phan Văn Nhị đã tạo dựng được một thương hiệu sản xuất đồ gỗ có tiếng ở Sài Gòn, có chất lượng và tính mỹ thuật cao trong gần 30 năm. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, sự nghiệp sản xuất kinh doanh đồ gỗ thương hiệu “Phan Văn Nhị” một thời trên đất Sài Gòn thật đáng trân trọng và nể phục.

Phạm Công Luận

______________

(*) Ảnh trong bài là tư liệu gia đình ông Phan Văn Nhị.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/huyen-thoai-do-go-phan-van-nhi-47662.html