Huyền thoại Gerd Muller thay đổi bóng đá Đức

Khi Gerd Muller trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 75, cả thế giới bóng đá thương tiếc ông, chứ không riêng gì cổ động viên của Bayern hay tuyển Đức.

Để tưởng nhớ Gerd, Đài Phát thanh và Truyền hình Bayerischer Rundfunk đã thay đổi chương trình và dành 30 phút để phát phóng sự về cuộc đời ông. Trong một cuộc họp sau đó trên tư cách Chủ tịch Bayern Munich Franz Beckenbauer đã gọi Gerd là “cầu thủ quan trọng nhất trong lịch sử CLB”.

Sự vĩ đại của "Vua dội bom"

Mùa hè 1973, lúc vừa chuyển tới Barcelona theo bản hợp đồng kỷ lục thế giới, Johan Cruyff đã đề đạt với ban lãnh đạo đội bóng là cần chiêu mộ ngay Gerd Muller. Vào thời điểm ấy, Pele đã xa rời bóng đá đỉnh cao, và Cruyff cùng với Muller được xem là 2 tiền đạo hay nhất thế giới đương đại.

Trước đó vài tháng, Gerd kết thúc năm 1972 với phong độ khủng khiếp khi ghi tổng cộng 85 bàn thắng trong 60 trận đấu, kỷ lục kéo dài tới 40 năm và cần có một cầu thủ xuất sắc như Lionel Messi mới phá nổi. Để thuyết phục Gerd, Barcelona đưa ra mức lương khổng lồ lên tới 600.000 mark (đơn vị tiền tệ của Đức thời đó) mỗi năm.

 Gerd Muller ghi bàn quyết định giúp tuyển Tây Đức vô địch World Cup 1974. Ảnh: Getty.

Gerd Muller ghi bàn quyết định giúp tuyển Tây Đức vô địch World Cup 1974. Ảnh: Getty.

Song Gerd đã từ chối. Ông nói với đại diện của CLB Tây Ban Nha: “Tôi đâu thể ăn quá một miếng schnitzel trong một ngày được”. Gerd đã lựa chọn quốc gia của mình và được đền đáp ngay sau đó. Tháng 7/1974, ông ghi bàn thắng quyết định để giúp đội tuyển Tây Đức đánh bại Hà Lan của Cruyff trong trận chung kết World Cup.

Cùng với Beckenbauer, Gerd được xem là một trong những nhân vật làm thay đổi nền bóng đá Đức. Nhưng nếu như “Hoàng đế” không chỉ sử dụng tài năng mà còn cả kỹ thuật quản trị của mình, ông dùng những bàn thắng.

Những bàn thắng của Gerd đã đưa Bayern từ đội bóng hàng tỉnh trở thành nhà vô địch châu Âu 3 năm liên tiếp. Những bàn thắng của Gerd cũng đưa đội tuyển Đức đạt tới đỉnh cao bóng đá trong nửa đầu thập niên 1970 với 1 World Cup, 1 Euro và 1 lần á quân Euro. Và những bàn thắng của Gerd đã giúp ông trở thành cầu thủ người Đức đầu tiên trong lịch sử giành được giải thưởng Quả bóng Vàng châu Âu.

Sự nghiệp thay đổi vận mệnh bóng đá Đức của Gerd bắt đầu từ câu chuyện đầy tính bi hài. Hồi còn nhỏ, Gerd là cổ động viên của Nuremberg và ao ước được gia nhập đội bóng ấy. Nhưng CLB này đã từ chối một trong những chân sút vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới không thể cục súc hơn: “Muller hả? Thôi, đội tôi có tới 2 thằng nhóc họ này rồi. Không cần nhiều đến mức thêm một thằng Muller thứ 3 nữa đâu”.

Nhưng hai “tay Muller” của Nuremberg tên đầy đủ là gì và có thành tích ra sao thì bây giờ, chẳng còn ai nhớ đến. Câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Vài năm sau, tài năng của Gerd đã bắt đầu được biết đến. Hai CLB của thành phố Munich “đánh hơi” được và cùng cử đại diện tới gặp gia đình ông trong cùng một ngày.

Số phận đã đặt Gerd vào tay Bayern. Đại diện của TSV 1860 bị trễ giờ tàu và đến muộn. Trông khi đó, đại diện của Bayern đã tới trước và kịp thuyết phục gia đình Muller. Gerd gia nhập đội trẻ Bayern và ở đó, ông đã gặp người đồng đội chí cốt của mình, Franz Beckenbauer.

Trong hồi ký “Einer wie ich” của “Hoàng đế”, Gerd xuất hiện một cách bình dị. Hôm ấy, hai người cùng các đồng đội khác ở Bayern đang ngồi ăn trưa, thì một con ruồi xuất hiện. Cả bàn nhốn nháo cả lên và ai nấy khó chịu ra mặt. Chỉ có Gerd vẫn điềm nhiên ăn súp như thường. Ông nói: “Kệ nó đi, mấy cậu”.

Bỗng chàng tiền đạo trẻ im bặt rồi bất ngờ vung tay. Khi ông xòe tay ra, con ruồi đã chết cứng. Nó cho thấy phản xạ của Gerd vượt rất xa những người bình thường. Chỉ có điều, lúc ông ra mắt ở trên sân tập, thì mọi thứ thật tồi tệ.

HLV Zlatko Cajkovski nhìn Gerd rồi than thở: “Tại sao người ta lại giúi cho tôi một gã vừa lùn tịt, vừa béo ú thế này? Đá đấm sao nổi đây trời”. Ông giật ngay bát súp thứ 2 trên tay Gerd vào bữa trưa và bắt cậu học trò ăn theo chế độ. Chỉ 3 tuần sau, Gerd sụt cân và bắt đầu ghi bàn.

Tài năng của Gerd đã khiến ông trở thành hiện tượng của thời bấy giờ. Không ai có thể hiểu tại sao cầu thủ với vẻ ngoài tầm thường lại có thể ghi bàn với hiệu suất khủng khiếp đến thế. Nếu như Cruyff và Beckenbauer có vóc dáng cao to đầy oai vệ, Gerd lại khá lùn, chưa kể còn thêm đôi chân vòng kiềng.

Nhưng ông đã khắc phục bằng cách sử dụng sở trường lớn nhất của mình để thi đấu, đó là tốc độ. Beckenbauer đã nói thế này về tốc độ của Gerd: “Anh ấy rất nhanh. Ở trên sân tập, tôi phải đối đầu với anh ấy, và tôi chẳng có một chút cơ hội nào cả”.

Gerd là hiện thân của bóng đá Đức và tinh thần Đức. Ông đi lên từ cậu bé ở đội bóng địa phương trước khi trở thành tay săn bàn hay nhất thế giới ở thập niên 1970. Ông đã ghi hơn 700 bàn thắng trong sự nghiệp của mình theo phong cách rất Đức, đơn giản và chính xác.

 Gerd Muller và Franz Beckenbauer là những người bạn thân thiết. Ảnh: Getty.

Gerd Muller và Franz Beckenbauer là những người bạn thân thiết. Ảnh: Getty.

Biểu tượng của tính cách Đức

Song không chỉ có thế, cuộc đời của ông còn là hiện thân của một tính cách Đức. Từ đỉnh vinh quang, ông trượt dài sau đó và rồi một lần nữa gượng dậy để trở lại. Sự trở lại của ông đã trở thành câu chuyện đầy cảm động về tình cảm giữa những người bạn và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của người Đức.

Sau khi từ giã sân cỏ, Gerd cùng gia đình định cư ở Mỹ. Tại đây, ông bắt đầu gặp phải những vấn đề với cuộc sống không bóng đá và với xã hội đang phát triển chóng mặt. Khác với Beckenbauer và Hoeness, những người đồng đội có kỹ năng mềm xuất chúng, Gerd chỉ là người đàn ông vụng về và trầm lặng.

Ông xa lánh công chúng và giới truyền thông, giấu mình sau những bức tường của ngôi nhà ở Fort Lauderdale. Và ông dần trở nên nghiện rượu. Ông không thiết làm gì, chỉ suốt ngày làm bạn với ma men. Tài sản trong gia đình ông cứ thế đội nón ra đi. Vợ ông, bà Ursula, chỉ biết khóc và tính đến đường ly dị. Đó là quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời của Gerd.

Đúng lúc ấy, Beckenbauer xuất hiện. “Hoàng đế” và những đồng đội cũ với Gerd đã cùng nhau góp tiền để đưa ông đi cai nghiện rượu. Với sự động viên của gia đình và bạn bè, cùng ý chí phi thường, Gerd mất 4 tuần để thoát khỏi chứng nghiện rượu.

Ông đã gọi đó là “thành tựu vĩ đại nhất của cuộc đời tôi”. Nhưng khó khăn đã nảy sinh, Gerd hoàn toàn trắng tay. Một lần nữa, cuộc đời ông lại được bạn bè cứu giúp. Beckenbauer và Hoeness đã kéo ông trở lại Bayern để làm trợ lý ở đội trẻ.

 Gerd Muller có công lớn trong việc đào tạo nên Thomas Muller, Philipp Lahm hay Bastian Schweinsteiger. Ảnh: Getty.

Gerd Muller có công lớn trong việc đào tạo nên Thomas Muller, Philipp Lahm hay Bastian Schweinsteiger. Ảnh: Getty.

Khi trở thành Chủ tịch của CLB, Franz đã triệu tập ban giám đốc và công bố mức lương mới của Gerd: “Anh ấy sẽ nhận 150.000 mark mỗi năm”. Một ý kiến trong cuộc họp vang lên phản đối: “Đó sẽ là mức lương cao nhất thế giới dành cho trợ lý HLV ở mội đội trẻ”. “Hoàng đế” mặt lạnh như tiền đáp ngay: “Phải như thế, chúng ta đang ngồi đây, trong dinh thự lớn ở Sabener Strasse. Nhưng nếu không có Gerd, đây sẽ chỉ là túp lều bằng gỗ thôi”.

Kể từ đó cho đến khi phải nghỉ hưu vì tuổi tác, Gerd đã luôn ở Bayern và chính ông góp phần đào tạo nên thế hệ cầu thủ xuất sắc cho CLB như Philipp Lahm, Holger Badstuber, Thomas Muller và Bastian Schweinsteiger.

Sau hơn 20 năm công tác ở đội trẻ Bayern, sức khỏe của Gerd yếu dần. Tháng 2/2015, ông được đưa vào trong trung tâm chuyên biệt để chống lại căn bệnh Alzheimer. Một ngày trước sinh nhật lần thứ 75 của ông, tháng 11/2020, bà Ursula đã nói với báo giới: “Gerd đang ngủ và sẽ ngủ cho đến cuối đời. Ông ấy đang dần quên lãng”. Đó là cuộc chia tay lặng lẽ của Gerd với thế giới mà cho đến tận hôm nay, nó mới trở thành chính thức.

Gerd có thể quên hết thế giới, nhưng thế giới và nhất là người Đức chẳng bao giờ có thể quên ông. Vào ngày ông tròn 70 tuổi, HLV Joachim Low nói về ông: “Gerd có lẽ là tiền đạo vĩ đại nhất mà chúng tôi từng có, một tiền đạo mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nữa”.

Trang web và logo của Bayern đã chuyển thành hai màu đen trắng để tưởng nhớ tới Gerd. Schweinsteiger, cậu học trò nhỏ của Gerd năm xưa, viết: “Nếu không có người đàn ông này, Bayern sẽ không có những gì như hôm nay và hầu hết sự nghiệp của chúng tôi có lẽ không thể trở thành hiện thực”.

Gerd là hiện thân của Bayern, bóng đá Đức và tính cách và con người Đức. Hơn thế nữa, tài năng và phẩm chất của ông đã vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia.

Trong một bài báo của mình, nhà tư vấn bóng đá Jacques Vendroux đã viết: “Cũng giống như Pele, Gerd là huyền thoại và tiền đạo hoàn hảo. Chúng ta đều từng là Gerd, từng mơ ước được trở thành Gerd trên sân cỏ. Bóng đá có được như hôm nay là nhờ vào những con người vĩ đại như thế, những người như Zico, Platini và Gerd Muller”.

Kỹ năng săn bàn của huyền thoại Gerd Muller Huyền thoại bóng đá Đức qua đời ở tuổi 75. Khi còn thi đấu, ông từng làm khổ những hàng thủ tại Bundesliga với kỹ năng ghi bàn đa dạng.

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/huyen-thoai-gerd-muller-thay-doi-bong-da-duc-post1251453.html