Huyền thoại giữa đời thường
Chúng tôi tìm đến nhà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu trong con ngõ nhỏ trên phố Tây Sơn (quận Ðống Ða, Hà Nội) vào giữa những ngày thu. Thật mừng khi thấy ở tuổi 89, 'huyền thoại' đánh Pháp trong lòng bao thế hệ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Ông vui vẻ tiếp chuyện với nụ cười dung dị, thân thiện và giọng nói hiền hòa mang đậm âm điệu núi rừng của quê hương Cao Bằng.
Rót chén nước chè đặc sánh cho chúng tôi, ông cười thật hiền và dí dỏm nói: "Mới 89 tuổi thôi mà, so với các cụ vẫn còn trẻ lắm". Vị anh hùng trận mạc năm nào trông thật bình dị, gần gũi.
Ông kể: "Năm 16 tuổi tôi xung phong nhập ngũ, nhưng bị từ chối vì lúc đó thiếu mất hai tuổi, người quá nhẹ cân, cho nên sau đó tôi khai tăng lên hai tuổi để được nhập ngũ. Ngày 20-9-1948 tôi cùng anh em ở trung đội được lệnh thuyên chuyển và bổ sung cho đơn vị chiến đấu".
Trong Chiến dịch Biên giới 1950, La Văn Cầu biên chế ở Trung đội 2, Ðại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 của Ðại đoàn 316. Ông kể: Vào khoảng 10 giờ đêm 17-9-1950, tôi được giao nhiệm vụ dùng bộc phá đánh vào một lô-cốt lớn của địch tại Ðông Khê, mở đường cho đồng đội tiến lên. Trong lúc đang chuẩn bị làm nhiệm vụ thì tôi bị hai viên đạn của địch bắn trúng. Một viên trúng vào má phải và viên kia trúng tay phải, khiến tôi ngã xuống, ngất lịm. Lúc tỉnh lại, tôi đưa tay trái sờ lên đầu, lên ngực, thấy không sao, tôi mừng quá, định vọt tiến lên thì thấy chỉ còn tay trái cử động được, cánh tay phải không còn cảm giác gì. Trong đêm tối, tôi biết cánh tay phải của mình đã bị thương, tôi vẫn cố tìm quả bộc phá, rồi dùng tay trái ôm chặt quả bộc phá vào ngực, trườn lên phía trước.
Lúc này, cánh tay phải bị thương cứ lủng lẳng, vướng vào cột dây thép. Tôi liền nhờ Tiểu đội trưởng Nông Văn Thêu giúp mình chặt cánh tay bị thương để khỏi vướng, nhưng đồng chí Thêu từ chối, nói: "Cậu bị thương rồi, về tuyến sau đi. Ðưa bộc phá đây cho tôi". Nhưng La Văn Cầu quả quyết: "Cứ để tôi lên". Tình huống nguy cấp, lúc ấy đồng chí Thêu mới cắn răng rút thanh kiếm Nhật Bản chiến lợi phẩm để chặt nhanh cánh tay phải đó. Băng bó qua loa, ông Cầu ôm bộc phá bằng tay trái, chạy đến lô-cốt của địch, giật một lúc hai nụ xòe rồi lăn xuống. Ðường đã được mở, bộ đội ta xông lên tiến công... Chiến thắng Ðông Khê đã mở màn cho Chiến dịch Biên giới, làm thay đổi cục diện chiến trường, khiến quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động.
Bước ra khỏi trận đánh, trở về cuộc sống đời thường, ông tập làm mọi việc bằng tay trái. Ông tập trung học văn hóa, học chính trị, rồi trở thành một cán bộ tuyên huấn, chuyên trách công tác thanh niên ở Quân khu Việt Bắc. "Năm 1952, tôi được tham dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ nhất, được Bác Hồ khen và tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại đây, tôi được gặp và trò chuyện với Bác Hồ, với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng tôi gọi là anh Cả - đó là vinh dự quá lớn đối với tôi", ông tâm sự.
Sau đó, ông được phân công về công tác ở Phòng Tổ chức quân khu I, rồi làm cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam… Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến tháng 8-1996 thì về hưu. Và đến nay, tiếc nuối duy nhất của ông là bị thương quá sớm, không tham gia được nhiều trận đánh. Vì vậy, ông luôn tâm niệm mình phải cố gắng sống, làm việc tốt để đóng góp phần nhỏ bé cho đất nước thời bình.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41777202-huyen-thoai-giua-doi-thuong.html