'Huyền thoại' không tặc ôm tiền nhảy từ máy bay xuống độ cao 3.000m biến mất
40 năm trước, một vụ cướp máy bay ly kỳ đã khiến cả nước Mỹ chấn động: Không tặc ôm 4 vali tiền mặt nhảy khỏi máy bay ở độ cao hơn 3.000 m và biến mất không dấu vết.
Vụ cướp máy bay DB Cooper là một trong những bí ẩn chưa được giải mã lớn nhất trong lịch sử điều tra của FBI.
Thật kỳ lạ khi một tên không tặc qua mặt được cả đội ngũ điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng hai máy bay của Không quân. Các chuyên gia và nhà điều tra đã đưa ra đủ mọi giả thuyết về sự việc. Thậm chí, vụ cướp máy bay còn được viết thành sách, làm phim tài liệu và được dùng làm chuyên đề trong các hội nghị. Nhưng đến tận ngày nay, với công nghệ phát triển và nguồn thông tin dồi dào trên Internet, vẫn chưa có ai chứng minh được danh tính của tên không tặc DB Cooper, hay còn gọi là Dan Cooper.
“Chúng tôi đã phỏng vấn hàng trăm người, theo dõi các đầu mối trên toàn quốc và lùng sục máy bay để tìm bằng chứng. Vào dịp kỷ niệm 5 năm vụ không tặc, chúng tôi đã xem xét hơn 800 nghi phạm và sàng lọc còn hơn 2 tá người để điều tra”, FBI cho biết. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực đó đều không tìm ra được lời giải cho vụ cướp này.
“Huyền thoại” không tặc DB Cooper
Vào ngày 24/11/1971, một người đàn ông khoảng ngoài 40 tuổi với vẻ ngoài lịch lãm “trông như thể một giám đốc kinh doanh” mua vé máy bay một chiều xuất phát từ Portland, Oregon, đến Seattle. Hắn lấy tên giả là Dan Cooper và thành công vượt qua các thủ tục kiểm tra để lên chuyến bay số hiệu 305 trên chiếc Boeing 727.
Sau khi máy bay cất cánh, hắn đưa cho nữ tiếp viên hàng không một tờ giấy nhắn ghi rằng mình đang giữ một quả bom. Tổ bay nhanh chóng phản ứng và báo lại tình huống cho hãng hàng không, hãng quyết định vờ như đồng ý với mọi điều kiện của tên không tặc, nhưng đồng thời cũng bí mật phối hợp với cảnh sát nhằm khống chế hắn.
Theo điều kiện của Cooper, hãng hàng không chuẩn bị cho hắn 200.000 USD và điều động một chuyến bay khác đi theo hướng Đông Nam đến thành phố Mexico với tốc độ tối thiểu. Không chỉ vậy, tên không tặc còn đặc biệt yêu cầu 200.000 USD phải bao gồm toàn tờ 20 USD, máy bay chỉ được bay ở độ cao tối đa 3.048 m và giảm áp suất ở cabin.
Các nhân chứng kể lại sự việc cho biết tên không tặc này luôn tỏ ra lịch sự, nhã nhặn trong suốt cuộc thương lượng.
Vào buổi tối cùng ngày, Cooper mang theo dù và 4 chiếc vali đựng tiền lên chuyến bay do hắn yêu cầu tại sân bay Tacoma ở Seattle trong điều kiện thời tiết xấu, mưa nặng hạt. Cùng lúc đó, FBI bắt đầu theo dấu không tặc.
Tài liệu của FBI viết: "Hơn 8 giờ tối, khi máy bay di chuyển đến khoảng giữa Seattle và Reno, tên không tặc đã làm một điều không thể tin nổi: hắn nhảy ra khỏi máy bay cùng với một chiếc dù và tiền chuộc".
Hai máy bay từ một căn cứ không quân gần đó đã bám theo chiếc máy bay, nhưng không thấy gì.
Ngay lập tức, FBI điều động các cuộc tìm kiếm trên mặt đất ở khu vực gần đó, nhưng tên không tặc dường như đã “bốc hơi” vào không khí cùng với chiếc dù và 4 vali đựng tiền. Ngay cả hai máy bay của Không quân Mỹ bám theo chuyến bay chở Cooper cũng không có manh mối nào.
DB Cooper có phải lính đặc nhiệm Mỹ?
Một trong những giả thuyết được nhiều người tin tưởng nhất là tên Cooper đã chết trong cú nhảy máy bay táo bạo. Giả thuyết này dựa trên nhiều yếu tố khiến cú nhảy trở nên vô cùng nguy hiểm: Cooper đã nhảy vào buổi tối tại vào một khu vực nhiều cây cối rậm rạp, trời mưa to trong khi dù của hắn không thể điều hướng được. Không chỉ vậy, hắn còn đóng bộ vest và đi giày da, một trang phục hoàn toàn không phù hợp để hành động.
Ngày 11/12/1971, nhóm điều tra nhận được báo cáo rằng “DB Cooper” đã gửi thư cho một số hãng thông tấn lớn, bao gồm The New York Times, Los Angeles Times, The Seattle Times và The Washington Post. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tuyên bố đây chỉ là trò chơi khăm.
Phải đến năm 1980, các nhà điều tra mới có được manh mối đầu tiên khi một cậu bé tìm thấy ba gói tiền ở một con sông gần Vancouver, Washington. Nhưng bằng chứng này cũng không đem lại bước tiến nào cho cuộc điều tra.
Vào cuối tháng 1/2018, nhà sản xuất truyền hình Tom Colbert đưa ra một tuyên bố gây sửng sốt: DB Cooper thực chất là một cựu đặc vụ CIA tên là Robert Rackstraw, sống tại Nam California. Vào thời điểm vụ cướp máy bay xảy ra, Rackstraw 28 tuổi, hắn từng có tiền án trộm cắp, tàng trữ chất nổ, tình nghi giết người,…
Kết quả này được rút ra nhờ đội thám tử do ông Colbert thuê giải mã bức thư năm 1971. Theo Seattle Times, bức thư chứa “một chuỗi ký tự và số ở cuối trang”.
Rick Sherwood, chuyên gia phá mã trong đội của Colbert, cho biết các số và ký tự ám chỉ ba đơn vị quân đội mà Rackstraw tham gia từ năm 1969 đến năm 1970. Theo ông Sherwood, tên không tặc muốn khoe khoang cho những người cùng đơn vị biết rằng hắn vẫn sống khỏe mạnh sau cú nhảy.
Ngoài việc tuyên bố đã tìm ra danh tính thật của DB Cooper, Colbert cũng khẳng định ông có bằng chứng cho thấy FBI cố tình không giải quyết vụ cướp máy bay do thủ phạm có liên hệ với CIA.
Tuy nhiên, một trong những tiếp viên hàng không có mặt trên chuyến bay số 305 đã phủ nhận tuyên bố này sau ảnh của Rackstraw. Cô cho biết tên này không giống người đàn ông mà cô gặp trên máy bay năm 1971. Những người cho rằng DB Cooper là tên tội phạm có tác phong lịch sự dựa trên lời mô tả “trông như một giám đốc kinh doanh” cũng không cho rằng hắn và Rackstraw là một.
Năm 2018, nhà văn Carl Laurin xuất bản một cuốn sách về DB Cooper. Theo đó, Laurin tuyên bố Cooper không phải là Rackstraw mà là Walter R. Reca, một cựu lính dù và đặc nhiệm tình báo của Mỹ. Ông nói rằng Reca từng là bạn thân của ông, và hắn đã đã thú nhận sự thật với ông trước khi chết.
Theo tờ Washington Post , FBI cho biết giả thuyết này có một số “lý thuyết thuyết phục”, nhưng đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng cần thiết để xác nhận danh tính của tên không tặc, tất cả chỉ là “một nghi ngờ hợp lý”.
Vào tháng 8/2021, nhà tội phạm học Eric Ulis đã tiến hành đào xới dọc theo sông Columbia gần Vancouver. Đó là nơi 6.000 USD trong số 200.000 USD tiền chuộc được tìm thấy vào năm 1980. Cuộc tìm kiếm kéo dài hai ngày, bao quát một khu vực rộng khoảng 27,8 m2.
Thật không may, cuộc điều tra lần này cũng không tìm ra được sự thật. Đến nay, chân tướng vụ không tặc DB Cooper vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn.