Huyền thoại về Tiểu đoàn 59 anh hùng

Tiểu đoàn 59 được thành lập ngày 10-6-1950. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách, được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, niềm tự hào về Tiểu đoàn 59 anh hùng lại được nhân lên, khi đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân và 3 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa thăm Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Đá Bàn tháng 4-2023.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa thăm Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Đá Bàn tháng 4-2023.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong số những chiến công của Tiểu đoàn 59, trận Vườn Gòn - Đá Bàn là một trận đánh lẫy lừng, đã đi vào sử sách của thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa như một huyền thoại. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là biểu tượng về tinh thần khắc phục mọi khó khăn, anh dũng chiến đấu, giành chiến thắng của quân và dân Khánh Hòa nói riêng, quân và dân Liên khu 5 nói chung. Qua thắng lợi này đã tăng thêm sức mạnh chiến đấu, ý chí quyết tâm cho quân và dân ta tiếp tục tiến công, giành những thắng lợi lớn hơn, đưa cuộc kháng chiến đi đến thành công, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để ghi nhận những công lao và thành tích của Tiểu đoàn 59 và các cá nhân, ngày 30-9-2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 959/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đoàn 59 và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 3 cá nhân: Đồng chí Nguyễn Lựu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59; liệt sĩ Nguyễn Bá Dương, nguyên Tiểu đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 59; liệt sĩ Trần Xưng, nguyên Trung đội trưởng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 59.

Ra đời, trưởng thành từ chiến tranh du kích

Năm 1950, theo chủ trương của Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 về xây dựng LLVT nhằm đáp ứng yêu cầu chiến đấu ngày càng cao của chiến trường liên khu, ngày 10-6-1950, Tiểu đoàn 59 chính thức được thành lập tại thôn 10, xã Tam Chánh, huyện Tam Kỳ (nay là TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ban Chỉ huy Tiểu đoàn gồm 2 đồng chí: Nguyễn Lựu - Tiểu đoàn trưởng; Phạm Đạo - Chính trị viên. Tiểu đoàn khi mới thành lập gồm 2 đại đội: Đại đội 6 độc lập của TP. Đà Nẵng, Đại đội 11 của tỉnh Quảng Nam; cơ quan Tiểu đoàn bộ, gồm các cán bộ tham mưu tác chiến, chính trị, hậu cần và các phân đội trực thuộc. Đến cuối năm 1950, Tiểu đoàn 59 được bổ sung thêm Đại đội 4 bộ đội địa phương của tỉnh Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm Vườn Gòn - Đá Bàn tháng 4-2023.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm Vườn Gòn - Đá Bàn tháng 4-2023.

Các vị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm Vườn Gòn - Đá Bàn tháng 4-2023.

Các vị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm Vườn Gòn - Đá Bàn tháng 4-2023.

Sau khi thành lập, Tiểu đoàn 59 được giao nhiệm vụ hoạt động độc lập trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng; đến tháng 11-1951 được điều động về đội hình Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5. Với sự lãnh đạo đúng đắn của các Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng và Đảng bộ Liên khu 5, từ khi còn là đội biệt động, đại đội độc lập đến tiểu đoàn tập trung, cũng như khi chiến đấu trong trung đoàn chủ lực, Tiểu đoàn 59 đã nắm vững và vận dụng sáng tạo phương châm tác chiến “Du kích chiến là chính, kết hợp với vận động chiến, đẩy mạnh vận động chiến tiến tới” nên tiểu đoàn luôn gắn bó, phối hợp chặt chẽ và làm nòng cốt trong phong trào chiến tranh nhân dân phát triển ngày càng cao trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng và các tỉnh trong liên khu. Tiểu đoàn đã kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu và xây dựng, không ngừng học tập rèn luyện nên đã nhanh chóng trưởng thành từ bộ đội địa phương tiến lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong trung đoàn chủ lực. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn luôn nêu cao tinh thần "Quyết chiến, quyết thắng" trong mọi nhiệm vụ, kể cả những tình huống khó khăn ác liệt nhất.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, cùng các vị lãnh đạo tỉnh và các đại biểu cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn tháng 4-2023.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, cùng các vị lãnh đạo tỉnh và các đại biểu cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn tháng 4-2023.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa tháo băng rôn khánh thành Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn vào tháng 4-2023.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa tháo băng rôn khánh thành Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn vào tháng 4-2023.

Những chiến công hiển hách

Theo lịch sử ghi lại, thành tích của Tiểu đoàn 59 rất phong phú, toàn diện bằng cách đánh linh hoạt, từ nhỏ đến lớn, từ phân tán đến tập trung, từ chiến đấu độc lập đến chiến đấu hợp đồng binh chủng… Đặc biệt là vận dụng sáng tạo phương thức tác chiến “Kết hợp chặt chẽ tác chiến du kích với tác chiến tập trung của chủ lực” vào điều kiện cụ thể của chiến trường, chức năng, nhiệm vụ của tiểu đoàn nên đáp ứng yêu cầu chiến đấu ngày càng cao, góp phần đánh bại âm mưu bình định dồn dân, thủ đoạn kết hợp giữa hệ thống tháp canh đồn bốt với quân ứng chiến càn quét của địch, làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nhiều đồn bốt kiên cố, có cả binh đoàn thiện chiến của địch.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trò chuyện với các cựu chiến binh tháng 4-2023.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trò chuyện với các cựu chiến binh tháng 4-2023.

Trải qua 9 năm chiến đấu và xây dựng, từ khi còn là các đơn vị chiến đấu biệt động tác chiến độc lập ở địch hậu cũng như đến lúc trưởng thành, chiến đấu trong trung đoàn chủ lực, Tiểu đoàn 59 đã tham gia nhiều đợt hoạt động và 6 chiến dịch lớn trên địa bàn các tỉnh Liên khu 5. Các cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt hàng chục tháp canh, lô cốt, 11 đồn kiên cố, hàng chục trận chống càn quét lớn của địch; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch, thu hàng nghìn súng lớn nhỏ trên các chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum. Trong đó, có các trận đánh xuất sắc, hiệu suất cao như trận tiêu diệt Đồn Nhứt trên đỉnh đèo Hải Vân, bắt sống tên quan hai Pháp đồn trưởng; trận cường kích tiêu diệt đồn Thượng An và lô cốt đầu đèo ở An Khê; trận phối hợp diệt đồn và tập kích Binh đoàn cơ động ở Pleiring, tiêu diệt hơn 800 tên địch. Ngoài ra, tiểu đoàn còn phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương đánh bại các cuộc hành quân càn quét lớn của địch ở Điện Hòa (Quảng Nam), chiến khu Đá Bàn (Khánh Hòa), diệt 400 tên địch…

Những chiến công hiển hách của Tiểu đoàn 59 đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận qua lịch sử đảng bộ của các địa phương, qua Bia chiến thắng tại Quảng Nam - Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã ngã xuống khắp các chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, nhiều gương hy sinh anh dũng đã được lưu danh trong lịch sử Trung đoàn 803, lịch sử Tiểu đoàn 59 và lịch sử đảng bộ các địa phương, như các đồng chí: Nguyễn Lựu, Nguyễn Bá Dương, Trần Xưng… Với những thành tích đạt được, các năm 1951, 1953, 1954, Tiểu đoàn 59 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Các cựu chiến binh tham quan nhà truyền thống tại Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn vào tháng 4-2023.

Các cựu chiến binh tham quan nhà truyền thống tại Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn vào tháng 4-2023.

Đại tá Phan Văn Tuấn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 305 cho biết: Tự hào và tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 305 hôm nay luôn không ngừng cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện, công tác, xứng đáng với sự hy sinh, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 và truyền thống của sư đoàn. Những thành tích tiêu biểu, kinh nghiệm chiến đấu, những bài học về xây dựng, tổ chức LLVT, những trận đánh hay, những tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã và đang được các đơn vị Sư đoàn 305 vận dụng linh hoạt sáng tạo vào công tác, huấn luyện và xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới, góp phần rất quan trọng vào xây dựng LLVT Quân khu 5 vững mạnh toàn diện và củng cố “thế trận lòng dân vững chắc”.

Bài: THẾ ANH

Ảnh: CÔNG ĐỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202410/huyen-thoai-ve-tieu-doan-59-anh-hung-51b48cd/