Huyện thuần nông Thái Nguyên 'cất cánh'
Từng là huyện thuần nông, kết cấu hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân khó khăn, nhưng những năm gần đây, cán bộ và nhân dân Phú Bình (Thái Nguyên) đồng lòng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khai thác tiềm năng lợi thế, đến nay đã có bước tiến ngoạn mục: Tất cả các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới và đang nung nấu khát vọng lớn.
Khơi dậy tiềm năng, lợi thế
Từng là huyện thuần nông, cách đây hơn 10 năm, các sản phẩm của Phú Bình là gà, lợn, lúa, lang, lạc được nuôi trồng mang tính tự phát, manh mún nên giá trị kinh tế không cao. Trong tâm chí của nhiều người, bất kỳ mùa nào, đi trên quốc lộ 37 từ huyện lên TP Thái Nguyên đều phải mặc áo mưa, không phải để chống mưa mà để chống bụi trên tuyến đường huyết mạch rải cấp phối, lồi lõm “ổ trâu”, “ổ bò” bụi đỏ mù mịt.
Ngày nay, quốc lộ 37 được thảm nhựa, huyết mạch lan tỏa, khai thông tiềm năng địa phương. Sản xuất nông nghiệp vẫn là lúa, lợn, gà, nhưng được tổ chức một cách bài bản với quy mô trang trại, hợp tác xã, áp dụng kỹ thuật nên đã có thương hiệu nếp Thầu Dầu, tương Úc Kỳ, gà đồi Phú Bình, ngựa bạch Tân Thành... được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, đi đến đâu cũng thấy nông thôn đổi mới, tràn đầy sức sống, người dân phấn khởi trước những thay đổi ngoạn mục của thôn, xóm.
Vùng “Tứ Tân”, bao gồm các xã miền núi là Tân Hòa, Tân Thành, Tân Kim và Tân Khánh vốn là vùng đồi núi. Nhưng địa thế đồi núi lại là thế mạnh phát triển kinh tế khi huyện và nhân dân xác định phát triển kinh tế vườn đồi, cụ thể là nuôi gà dưới tán cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những ngày này vợ chồng chị Nông Thị Thơm và Phạm Ngọc Long, dân tộc Nùng ở xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành đang hoàn thiện ngôi nhà mới khang trang, mơ ước bao năm giờ thành hiện thực. Những năm qua, vợ chồng anh Long đầu tư trồng rừng, thả nuôi gà và lợn dưới tán rừng, từ năm 2017 nuôi mỗi lứa 1.000 con gà, mỗi năm ba lứa, mỗi lứa lãi hơn 50 triệu đồng. Nhờ đó, làm được nhà mới, các con được học hành tử tế, đời sống cải thiện rõ rệt.
Ở vùng “Tứ Tân” đồi núi trùng điệp, trong quá trình phát triển, người dân cũng tìm tòi, sáng tạo những mô hình mới, phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu. Điển hình là gia đình ông Vi Tự Vinh xóm Trụ Sở, xã Tân Hòa trồng gần 1 ha nhãn và bưởi Diễn trên đồi, bước đầu mang lại thu nhập khá. Ông Vinh chia sẻ: “Với 120 cây nhãn, 150 cây bưởi Diễn cho thu hoạch từ năm 2018 và được thương lái đến tận vườn thu mua. Dưới tán cây, nuôi 500 con gà/lứa, thu nhập ngày càng tăng”.
Ở Phú Bình, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát ngày càng giảm, những mô hình hợp tác, liên kết, áp dụng kỹ thuật, chăn nuôi với quy mô trang trại xuất hiện ngày càng nhiều và lan tỏa rộng với gần 60 hợp tác xã và tổ hợp tác, 255 trang trại chăn nuôi, trong đó có 27 trang trại được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hình thành các vùng chuyên canh, như trồng rau, sản xuất lúa có chất lượng. Đặc biệt, ba xã thực hiện dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, hạ tầng đồng bộ, bước đầu thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Mặc dù sản xuất nông nghiệp phát triển, đạt giá trị 2.400 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 19% trong cơ cấu kinh tế, điều đó cho thấy cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ nhờ phát huy lợi thế về giao thông thuận lợi, gần trung tâm công nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào. Những năm gần đây, một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được xây dựng, thu hút đầu tư. Kết quả đã thu hút được 51 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện tử; tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển mạnh, đưa giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng hơn bảy lần trong 5 năm qua, đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, Phú Bình trở thành huyện có giá trị công nghiệp đứng thứ ba ở tỉnh, sau thị xã Phổ Yên và TP Thái Nguyên.
Cơ cấu lao động trên địa bàn cũng chuyển dịch tích cực, lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và thương mại tăng từ 33% lên hơn 60%. Có điều rất ấn tượng ở địa phương là mặc dù lao động phi nông nghiệp hiện chiếm tỷ lệ cao, nhưng “ly nông bất ly hương”, bởi hầu hết số lao động này đều làm việc trong các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Qua đó, không phát sinh những vấn đề xã hội. Bí thư Huyện ủy Phú Bình Đỗ Đức Công dẫn ra những con số ấn tượng: “5 năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân gần 49%/năm, xây dựng tăng 24%/năm, thu ngân sách tăng hơn 24%/năm, dự kiến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%, số này chủ yếu trong diện bảo trợ xã hội, bệnh tật, già cả, neo đơn. Đạt được kết quả này, việc phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương góp phần quan trọng”.
Khát vọng phát triển
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Dương Văn Hưng chia sẻ: “Tỉnh có chính sách cấp xi-măng cho các địa phương xây dựng nông thôn mới, kinh tế phát triển, dân chủ được coi trọng nên nội lực được phát huy, đến nay doanh nghiệp, nhân dân đóng góp hơn 800 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng. Trong lĩnh vực giao thông nông thôn, 80% đường trục xóm, liên xóm, 75% đường ngõ xóm và 35% đường trục chính nội đồng trên địa bàn được cứng hóa, góp phần tích cực đưa tất cả 19 xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước một năm so với mục tiêu đề ra”.
Bước sang giai đoạn mới, Phú Bình mang trong mình khát vọng trở thành thị xã vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, huyện đang khẩn trương xây dựng những chương trình, đề án cụ thể. Đồng chí Đỗ Đức Công cho biết: “Kinh nghiệm cho thấy, phát huy tốt nội lực là yếu tố góp phần quan trọng đưa Phú Bình phát triển như ngày hôm nay. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ nội lực để đưa Phú Bình thành thị xã”.
Để góp phần phát huy nội lực, huyện xác định làm tốt công tác cán bộ và giữ vững tinh thần đoàn kết. Đại hội Đảng bộ các xã và thị trấn được tổ chức thời gian qua cho thấy, đội ngũ cán bộ các xã không đáp ứng được yêu cầu, uy tín thấp đều được thay thế; qua sàng lọc, lựa chọn, tất cả cán bộ được giới thiệu đều được Đại hội Đảng bộ các xã bầu đúng như dự kiến, tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân.
Triển khai kế hoạch huyện Phú Bình xác định ba vùng trọng điểm, gồm vùng nông nghiệp, vùng công nghiệp - đô thị và vùng đồi núi “Tứ Tân” để có đầu tư phù hợp nhằm phát huy nội lực. Thực tế những năm vừa qua cho thấy, khi nội lực được phát huy thì kinh tế phát triển, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, các doanh nghiệp đầu tư các khu dân cư, khu đô thị nên nguồn thu ngân sách tăng nhanh, đây là nguồn lực để huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy đô thị hóa phát triển nhanh.