Huyện Thường Xuân: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội

Huyện Thường Xuân có nhiều lễ hội dân gian truyền thống. Song, nổi tiếng hơn cả lễ hội đền thờ Cầm Bá Thước và bà Chúa Thượng Ngàn. Lễ hội diễn ra vào những ngày đầu xuân năm mới và thu hút đông đảo khách hành hương tìm về dâng hương, vãn cảnh.

Di tích đền thờ Cầm Bá Thước và bà Chúa Thượng Ngàn.

Bên cạnh đó là lễ hội Nàng Han, một lễ hội truyền thống lớn của đồng bào 16 xứ Thái mường Chiềng Bán (hay Chiềng Ván). Chính hội Nàng Han diễn ra vào ngày mùng 5 tết và kéo dài trong suốt cả mùa xuân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có lễ Cúng Trời (hay còn gọi là lễ Thờ Trời), một nghi lễ truyền thống của người dân thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân. Lễ Cầu Mát, một phong tục lâu đời của người Mường, thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng. Lễ Xăng Khan hay là lễ trả ơn những người làm nghề mo và những người truyền dạy bốc thuốc chữa bệnh. Đây cũng là lễ hội dân gian đặc sắc của đồng bào Thái, được tổ chức tại các xã Xuân Lẹ, Xuân Chinh, Vạn Xuân, Xuân Lộc, Luận Khê, Tân Thành, Xuân Thắng...

Để các lễ hội truyền thống, gắn với các nhân vật lịch sử, nhân thần, nhiên thần, tín ngưỡng dân gian này phát huy được giá trị của nó trong đời sống; nhiều năm trở lại đây, huyện Thương Xuân đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm bảo tồn, gìn giữ các di sản tránh nguy cơ mai một. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành liên quan đến tổ chức lễ hội. Nhờ đó, các lễ hội được tổ chức phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và có sự quản lý chặt chẽ từ phía chính quyền và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh phần lễ được tổ chức trang trọng, thành kính; thì phần hội cũng diễn ra hấp dẫn, lành mạnh, với các hoạt động thể thao, văn nghệ truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa có tính giải trí.

Cùng với đó, huyện Thường Xuân cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng về di sản và bảo vệ di sản văn hóa. Nội dung tuyên truyền thường tập trung giới thiệu giá trị của di tích, ý nghĩa của lễ hội. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội. Các hình thức tuyên truyền tương đối phong phú, thông qua các hình thức trực quan như bảng, biển chỉ dẫn, loa truyền thanh và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy tại di tích, cũng được địa phương quan tâm. Theo đó, các di tích đều được lắp đặt camera theo dõi an ninh trật tự, nhằm kịp thời xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, chèo kéo du khách, ăn xin ăn mày, gây mất trật tự và không để du khách thắp hương, đem hàng mã cồng kềnh vào trong các ban thờ.

Ngoài ra, địa phương cũng đã ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu công đức, giọt dầu tại các khu di tích lịch sử văn hóa và danh lam trên địa bàn huyện Thường Xuân”. Đây là cơ sở cho việc thu và kiểm đếm tiền công đức, giọt dầu được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của các cơ quan chức năng và được gửi tại Kho bạc Nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát được thực hiện thường xuyên, tại thời điểm trước, trong và sau các lễ hội... Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho biết: Lễ hội là sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Thường Xuân. Do đó, lễ hội cần phải được duy trì và phát triển theo định hướng đúng đắn và phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân. Đồng thời, hướng đến các yếu tố văn minh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý Nhà nước, nên nhiều năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn huyện Thường Xuân đã được thực hiện có hiệu quả. Các hiện tượng ăn mày, ăn xin, bói toán, trò chơi trá hình và các hành vi phản cảm trong lễ hội, đã được dẹp bỏ. Qua đó, góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp về mảnh đất Quế Ngọc châu Thường, trong lòng du khách thập phương.

Bài và ảnh: H.X

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huyen-thuong-xuan-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-le-hoi/113445.htm