Huyện Triệu Phong có 800 hộ dân sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác tự nhiên

Theo thông tin từ Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương, mô hình canh tác tự nhiên đang ngày càng được nhiều hộ dân ở các xã trong vùng dự án thuộc huyện Triệu Phong lựa chọn, gồm: Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Thượng. Đến nay, có 800 hộ dân trong vùng dự án đã áp dụng mô hình này để sản xuất lúa, rau, gà và lợn, trong đó có 251 hộ trồng lúa với tổng diện tích 4 ha.

 Nông dân Triệu Phong giới thiệu với khách tham quan về mô hình canh tác tự nhiên

Nông dân Triệu Phong giới thiệu với khách tham quan về mô hình canh tác tự nhiên

Được sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới, năm 2015, Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương triển khai mô hình canh tác tự nhiên với sự giúp đỡ của chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc. Ban đầu, mô hình có 70 hộ dân đăng kí tham gia trồng lúa. Các hộ dân cam kết không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và diệt cỏ. Qua 4 năm triển khai, theo ghi nhận, mô hình canh tác tự nhiên đã mang lại cho nông dân lợi nhuận cao hơn nhiều so với phương thức canh tác thông thường. Cùng với đó, mô hình đã giúp bảo vệ sức khỏe cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng; góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện hệ sinh thái đồng ruộng; tạo thói quen tốt cho nông dân…

Theo ông Đào Văn Đức, Trưởng Dự án KOICA – Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong, ngoài những thành quả trên, tín hiệu đáng mừng khác là năng suất ruộng canh tác tự nhiên hiện đã gần ngang bằng so với ruộng canh tác thông thường. Đơn cử, ở thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn, trước đây, việc sản xuất lúa theo mô hình canh tác tự nhiên chỉ cho 1,2 - 1,5 tạ/sào/vụ. Đến nay, năng suất lúa đã đạt 2,3 - 2,5 tạ/sào/vụ. Đây cũng là năm đầu tiên hợp tác xã nông sản sạch canh tác tự nhiên bán hết lúa sạch của các hộ dân tham gia dự án, giúp người dân tăng thu nhập.

Q.H

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=143245