Huyện Triệu Sơn xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Sơn đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH). Bằng nhiều hình thức, cách làm sáng tạo phong trào đã phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Nhà văn hóa thôn Cự, xã Thọ Cường đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương.

Nhằm thực hiện tốt phong trào xây dựng ĐSVH, cấp ủy, chính quyền xã Dân Lực đã xác định, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh, thiết lập kỷ cương xã hội là yêu cầu quan trọng. Hằng năm, ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đã thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước của các thôn, làng trên địa bàn. Đồng thời, để phong trào TDĐKXDĐSVH trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, xã đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán của địa phương; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nội dung của phong trào đến toàn thể Nhân dân; vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Từ đó, Nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương, như: phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; các chiến dịch làm giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường... gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã có 86,7% gia đình văn hóa, 8/8 thôn được công nhận đơn vị văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và đang phấn đấu năm 2022 đạt nông thôn mới nâng cao.

Để phong trào xây dựng ĐSVH phát triển sâu rộng, những năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; bố trí, phân bổ kinh phí hàng năm cho phong trào; sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách văn hóa – xã hội, thành viên ban chỉ đạo các xã, thị trấn tham gia công tác chỉ đạo, điều hành phong trào cơ sở; chỉ đạo các làng xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước phù hợp với tình hình phát triển chung; phổ biến, triển khai những tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa tới từng thôn, xóm để Nhân dân biết và thực hiện. Từ đó, các hộ gia đình có ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng chuẩn nên số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 89% gia đình văn hóa, 232/254 thôn, làng được công nhận danh hiệu văn hóa; 27 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 95/141 (68%) cơ quan, đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa.

Cùng với đó, huyện đã quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác quy hoạch đất; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, để đầu tư xây dựng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của các thiết chế văn hóa, thể thao, gắn với việc đẩy mạnh phong trào TDĐKXDĐSVH và xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao được triển khai đồng bộ. Hiện, toàn huyện có 254/254 nhà văn hóa thôn, 34 sân vận động cấp xã đạt chuẩn, 3 nhà thi đấu và tập luyện thể dục thể thao. Trung bình mỗi xã có 2 đến 3 sân bóng chuyền, cầu lông và 1 sân bóng đá. Các thiết chế cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân và được sử dụng đúng công năng.

Có thể khẳng định, việc xây dựng và nâng cao chất lượng ĐSVH đã từng bước nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc và cộng đồng. Từ đó, tạo động lực cho Nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Bài và ảnh: Nguyễn Thùy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huyen-trieu-son-xay-dung-va-nang-cao-chat-luong-doi-song-van-hoa/134023.htm