Huyện Vân Đồn: Sẽ hoàn thành giao mặt biển cho người nuôi trồng thủy sản trước ngày 30/9 sau thảm họa
Mỗi ngày trôi qua, lòng người dân nuôi biển ở huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) càng như lửa đốt, họ chỉ mong sớm được giao mặt biển để tái thả những dây hàu, lồng bè xuống mặt nước, phục hồi nghề nuôi biển truyền thống sau thảm họa bão số 3 kinh hoàng.
Từ những trăn trở của người nuôi biển
Ông Lê Tiến Thành ngư dân nuôi nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Đông Xá cho biết: Đã hơn chục ngày sau bão, nhưng gia đình ông vẫn chưa được giao mặt biển, không có mặt biển thì không thể thả con giống (dây hàu) được, mà để lâu thì con giống cũng sẽ chết, mọi người như ngồi trên đống lửa vậy.
Cùng tâm trạng như ông Thành, ông Trần Văn Bắc bức xúc nói: Tôi đã 2 lần lên UBND xã Đông Xá để hỏi rõ vụ việc, nhưng cả 2 lần, cán bộ địa chính xã đều trả lời tôi là vẫn phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện. Trong khi một tập hồ sơ dầy vẫn còn xếp trên mặt bàn, không biết đến bao giờ người dân mới được tái sản xuất; chúng tôi quá mệt mỏi.
Một số ngư dân ở thị trấn Cái Rồng thì phân trần: Sau bão lũ hải sản nuôi sẽ khan hiếm nhưng môi trường biển lại giàu phù du, dinh dưỡng; đây là điều kiện tốt để nuôi biển, nếu triển khai nhanh, có sản phẩm “xuất chuồng” sớm sẽ rất dễ tiêu thụ và được giá. Do vậy, chừng nào chưa đặt được dây hàu, chưa thả được bè cá xuống biển, chúng tôi còn đứng ngồi không yên?
Đến những chỉ đạo quyết liệt của chính quyền
Để làm rõ phản ánh của người dân, phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo huyện Vân Đồn và được biết, chia sẻ với những thiệt hại to lớn của người dân, từ sau bão đến nay, UBND huyện Vân Đồn đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị, phòng chuyên môn, các xã, thị trấn và với người dân nuôi trồng thủy sản để chỉ đạo khắc phục thiệt hại, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ, tái thiết sản xuất.
Tại cuộc họp ngày 13/9, Phó Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện chủ trì, phối hợp với các xã, thị trấn điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những đối tượng không trực tiếp nuôi trồng thủy sản trên biển mà có hành vi cắt phao, vớt phao, gom phao trên biển để bán trục lợi và các trường hợp khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản, sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản...
Cuộc họp ngày 18/9, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với phòng NN&PTNT và các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện bản đồ các vùng khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản, sắp xếp các khu vực biển phục vụ việc đăng ký khôi phục lại hoạt động nuôi của các HTX, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Trên cơ sở phương án sắp xếp được thông qua, các phòng TN&MT, NN&PTNT hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện công khai niêm yết tại trụ sở để người dân nắm thông tin; hưởng dẫn việc kê khai đăng ký khôi phục lại hoạt động nuôi trồng thủy sản, vị trí khu vực biển để tái sản xuất.
Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ hiện trạng mặt biển; tuyệt đối không để phát sinh các trường hợp thả phao, cắm phao quây ranh giới biển khi chưa được chấp thuận của cơ quan thẩm quyền. Trườnghợp vi phạm các quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản, đất đai, khu vực biển, phải lập biên bản, xử lý vi phạm hoặc báo cáo cấp huyện xử lý theo thẩm quyền.
Cuộc họp ngày 24/9, Chủ tịch UBND huyện có chỉ đạo, giao cho Phòng NN&PTNT chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân đăng ký xin hỗ trợ khôi phục sản xuất. Các xã, thị trấn rà soát chịu trách nhiệm thống kê thiệt hại và tổ chức triển khai họp dân về đăng ký xin hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Giao Phòng TN&MT và UBND các xã, thị trấn khẩn trương bố trí vị trí nuôi biển cho các hộ dân đang nuôi biển vào khu vực quy hoạch vùng nuôi mới, đảm bảo diện tích tối thiểu bằng diện tích hộ dân đang nuôi; giữ nguyên diện tích khu vực biển dự kiến thu hút đầu tư. Phấn đấu hoàn thành giao mặt biển cho người dân trưởc ngày 30/9.