Huyện ven biển từ 'thế cụt' giao thông thành 'cửa ngõ' kết nối

Những con đường rộng nhiều làn xe, những cây cầu thế kỷ nối liền các địa phương ven biển sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho huyện Giao Thủy (Nam Định) bứt phá.

Giao thông tạo sức mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ

Bài 1: Giao thông kết nối vùng - nền tảng phát triển bền vững

Bài 2: Hải Phòng với chiến lược giao thông đi trước mở đường

Bài 3: Thủy Nguyên - thành phố tương lai và kỳ vọng bứt phá

Bài 4: Những công trình giao thông trọng điểm giúp Quảng Ninh "cất cánh"

Bài 5: Thành phố Mỏ bứt phá nhờ giao thông hiện đại

Bài 6: Nam Định: Xóa thế "ốc đảo", thu hút đầu tư

Hạ tầng giao thông đồng bộ

Huyện Giao Thủy nằm ở hữu ngạn sông Hồng, là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nam Định với 32km bờ biển, cách TP Nam Định 45km về phía Đông Nam, có diện tích tự nhiên 238,2km2, dân số hơn 230.000 người. Giao Thủy có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển.

Giao Thủy tập trung nguồn lực ưu tiêu phát triển hạ tầng giao thông để sớm về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

Giao Thủy tập trung nguồn lực ưu tiêu phát triển hạ tầng giao thông để sớm về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

Những năm gần đây, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực để ưu tiên đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế của huyện đã và đang mở ra cơ hội thu hút đầu tư mới cho huyện Giao Thủy chuyển mình từ một huyện ven biển trở thành một cực phát triển của tỉnh Nam Định.

Các tuyến giao thông huyết mạch trên cũng góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện. Đặc biệt sẽ phá được "thế cụt" về giao thông và mở ra cơ hội thu hút đầu tư mới.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết, xác định giao thông đi trước để tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh và huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối rất cao, tạo động lực phát triển cả vùng được quan đầu tư như: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển. Trục giao thông này không chỉ khắc phục nhược điểm về giao thông giúp Giao Thủy xoay chuyển vị thế đường "cụt" thành điểm đầu nhập tuyến đường bộ ven biển kết nối trực tiếp với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm năng động, các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, nghỉ dưỡng trong và ngoài địa bàn huyện. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư, trọng tâm là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao và dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, tuyến đường Lạc Lâm, đoạn Cồn Nhất - chợ Vọng; tuyến đường trục huyện (đường ven sông Hồng, từ Cồn Nhì - Hồng Thuận đến đường bộ ven biển); tuyến đường tả sông Sò; tuyến đường Thiện Lâm (đoạn Giao Hải - thị trấn Quất Lâm)… và hàng loạt tuyến đường giao thông với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: Đường Thiện Lâm, đường Cồn Nhì - Giao Thiện, đường Giao Tiến - Giao Thịnh... đang triển khai, khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển.

"Khi tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển hoàn thành, Giao Thủy sẽ có nhiều cơ hội giao thương, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình. Đây là dự án kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Nam Định và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai", ông Tùng cho biết.

Mở cửa thu hút đầu tư với các dự án lớn

Với mục tiêu làm giàu từ biển, trở thành trung tâm liên kết vùng, những năm gần đây, Giao Thủy đã triển khai rất nhiều dự án, công trình trọng điểm để phát triển hạ tầng khu đô thị, giao thông. Trong đó, tuyến đường bộ ven biển được xem là một trong những trục đường quan trọng nhất của quốc gia và là một trong các định hướng phát triển quan trọng của các tỉnh duyên hải miền Bắc về thương mại, du lịch, kinh tế biển. Điều này cũng đã được đề cập trong bản quy hoạch đường ven biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Giao Thủy đã và đang triển khai rất nhiều dự án, công trình trọng điểm để phát triển hạ tầng khu đô thị.

Giao Thủy đã và đang triển khai rất nhiều dự án, công trình trọng điểm để phát triển hạ tầng khu đô thị.

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Với mong muốn giàu lên từ biển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy luôn xác định: Phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ quan trọng, là "mũi nhọn" trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, do đó đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện ven biển. Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV, khóa XXV đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Trên cơ sở đó, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2025; triển khai các Đề án về phát triển thủy sản bền vững và phát triển du lịch huyện Giao Thủy; chú trọng rà soát, quy hoạch phát triển thủy sản; tập trung quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển, ven sông…

Với cơ chế cải thiện thiết lập môi trường đầu tư thông thoáng, chất lượng, Giao Thủy sẽ là điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ngày càng có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh cả về nguồn lực, công nghệ về tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo từ UBND huyện Giao Thủy, đến nay đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh 12 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện với tổng diện tích 812ha, hiện tại 1 CCN Thịnh Lâm đã hoàn thành cơ sở hạ tầng đi vào hoạt động; 1 CCN Giao Thiện đang triển khai xây dựng hạ tầng; có 6 CCN đã có các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát.

Quy hoạch 6 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 2410ha (KCN Hải Long 1100ha, KCN Thịnh Tân 400ha, KCN Giao Thịnh 200ha, KCN Lạc Xuân 210ha, KCN Thanh Hương 250ha) trong đó 3 KCN Hải Long, Thịnh Tân, Lạc Xuân, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang triển khai lập quy hoạch xây dựng và quy hoạch phân khu.

Cùng với đó, huyện đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch biển để đầu tư các Khu du lịch ven sông Hồng, Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Giao Thủy (Giao Phong, Quất Lâm diện tích 270ha), Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Bạch Long (xã Bạch Long diện tích 250ha), hiện nay nhiều tập đoàn quan tâm nghiên cứu khảo sát…

Hiện, huyện đã quy hoạch đầu tư xây dựng một số cụm, điểm công nghiệp phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể cho phép ở các xã, thị trấn. Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nâng cấp hệ thống đê, kè, cống, các công trình thủy lợi nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu, phục vụ tốt sản xuất, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

Huyện Giao Thủy phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện chiếm tỷ trọng từ 10 - 13% so với toàn tỉnh. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện chiếm tỷ trọng 15 - 20% so với toàn tỉnh. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.000 tỷ đồng. Đạt nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025. Đạt các tiêu chí đô thị loại III trước năm 2030. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 125 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng/người/năm.

Trần Kim

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/huyen-ven-bien-tu-the-cut-giao-thong-thanh-cua-ngo-ket-noi-192240625113341099.htm