Huyện vùng cao Trạm Tấu tăng cường bảo vệ đàn gia súc trong mùa rét

Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, Yên Bái những ngày qua thời tiết rét đậm, cùng với đó là thức ăn trong tự nhiên khan hiếm. Do đó, để bảo vệ đàn vật nuôi khỏi chết đói, chết rét hoặc nhiễm bệnh trong mùa đông, Trạm Tấu đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi.

Anh Giàng A Lềnh, thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu cho biết, ngay đầu mùa Đông cán bộ đã tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trâu, bò ở bãi chăn thả chung về gia đình nuôi nhốt tránh rét. Do đó, anh Lềnh đã đưa 3 trâu và 2 con bò về nhà nuôi nhốt và che chắn lại chuồng đảm bảo kín gió: "Trước đây, do không biết chăm sóc nên bà con chúng tôi thường có trâu bò bị chết trong mùa đông, từ khi có cán bộ xuống bảo những ngày rét thì đưa về chuồng che chắn cẩn thận và cho ăn cỏ, rơm và cho ăn thêm ngô, sắn vào những ngày rét đậm, rét hại nên những năm qua ở bản không có trâu bò chết nữa".

Người dân vùng cao Yên Bái không còn thả rông gia súc trong mùa Đông.

Người dân vùng cao Yên Bái không còn thả rông gia súc trong mùa Đông.

Xà Hồ là một trong những xã vùng cao của huyện Trạm Tấu, với độ cao trung bình gần 2.000m. Vì vậy, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch rất lớn, nhất là tại những bản cao như Sáng Pao, Trống Khua, Tà Đàng… Để bảo vệ đàn gia súc của xã với hơn 4.800 con, xã đã cử cán bộ xuống từng thôn bản phối hợp với Trưởng thôn, Bí thư chi bộ tuyên truyền, vận động bà con không thả rông gia súc, không đưa trâu bò đi cày bừa vào những hôm trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 12 độ C.

Ông Giàng A Sáy Chù, trưởng thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ nói: "Xã đã tuyên truyền vận động nhân dân ai có trâu bò thả rông thì đưa về nhà nuôi nhốt. Chuồng nuôi phải thông thoáng, vệ sinh, kín gió, thu hoạch lúa để lại rơm khô cho trâu bò ăn. Hôm nào rét quá là không được đưa đi chăn thả mà cho ăn tại nhà để hạn chế tối đa bị chết rét".

Cùng với phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa đông cho đàn vật nuôi cũng được các địa phương ở huyện Trạm Tấu quan tâm.

"Nhà nước hỗ trợ thuốc về bệnh lở mồm long móng, các bệnh khác thì người dân phải tự mua thuốc. Do đó, xã đã vận động bà con đăng ký với UBND xem cần loại thuốc gì, số lượng như thế nào… sau đó xã tổng hợp rồi đăng ký với phòng Nông nghiệp để mua thuốc tiêm cho đàn gia súc đảm bảo đúng số lượng, liều lượng, không để dịch bệnh phát sinh", ông Giàng A Sáy cho biết thêm.

Mùa Đông năm ngoái, Trạm Tấu vẫn có trên 30 con gia súc bị chết rét, gây thiệt hại đáng kể cho người dân vùng cao. Nhằm bảo vệ tốt đàn gia súc với hơn 41.000 con trong mùa Đông này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trạm Tấu thường xuyên tham mưu cho huyện có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn bảo vệ tốt đàn vật nuôi ở từng giai đoạn, từng thời điểm trong suốt mùa đông.

Người dân vùng cao Trạm Tấu đưa trâu, bò xuống núi tránh rét.

Người dân vùng cao Trạm Tấu đưa trâu, bò xuống núi tránh rét.

Ông Nguyễn Văn Hòe, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết: "Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch phòng, chống đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông. Chỉ đạo nhân dân tích trữ rơm khô, trồng ngô sinh khối và chăm sóc tốt diện tích cỏ hiện có để đảm bảo thức ăn cho đàn vật nuôi trong đông rét. Yêu cầu, hướng dẫn người dân che chắn, vệ sinh chuồng trại, bổ sung thức ăn tinh, muối khoáng để tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc những hôm trời rét đậm, rét hại".

Huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước, kinh tế của huyện và người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Việc chủ động thực hiện đồng bộ, cụ thể các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc là cách tốt nhất bảo vệ nền kinh tế của huyện cũng như tài sản người dân trong một mùa đông dự báo sẽ khắc nghiệt, với nhiều đợt rét đậm, rét hại./.

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/huyen-vung-cao-tram-tau-tang-cuong-bao-ve-dan-gia-suc-trong-mua-ret-post913745.vov