Huyện Yên Châu (Sơn La): Tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Huyện Yên Châu (Sơn La) là địa phương có lực lượng lao động khá dồi dào, tuy nhiên, trình độ nhiều người còn hạn chế, không chuyên sâu, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 20%. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Yên Châu đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp.

Tham dự khai mạc Ngày hội việc làm năm 2024 do UBND huyện Yên Châu tổ chức tại xã Phiêng Khoài, anh Quàng Cát Lượng ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn đã có thể tự tin lên phát biểu bằng tiếng Nhật Bản. “Năm 2023, nhờ tham gia ngày hội việc làm do UBND huyện tổ chức, sau khi tìm hiểu, được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng định hướng nghề nghiệp, thông tin về xuất khẩu lao động, tôi đã lựa chọn đi học nghề tại Nhật Bản, hiện tôi đang nỗ lực học và trau dồi thêm tiếng Nhật Bản. Hy vọng ngày hội việc làm năm nay sẽ có nhiều người được định hướng nghề nghiệp, đăng ký dự tuyển vào ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, có cơ hội tìm kiếm việc làm”, Quàng Cát Lượng chia sẻ.

Người dân tham gia Ngày hội việc làm năm 2024 do UBND huyện Yên Châu tổ chức.

Người dân tham gia Ngày hội việc làm năm 2024 do UBND huyện Yên Châu tổ chức.

Ngày hội việc làm năm 2024 có sự tham gia của 15 doanh nghiệp và hơn 800 thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện Yên Châu. Đã có nhiều người nộp hồ sơ vào các công ty ngay trong ngày hội việc làm. Ông Nguyễn Xuân Đức, Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam) cho biết: “Tham gia ngày hội việc làm tại huyện Yên Châu, chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng các nam lao động có sức khỏe tốt và đã nhận được nhiều hồ sơ. Sau khi trúng tuyển, người lao động sẽ được miễn phí đào tạo nghề, nuôi ăn, ở tại ký túc xá của Trường. Sau khi học nghề xong sẽ được ký hợp đồng lao động, bố trí công việc phù hợp với mức lương bình quân 16-23 triệu đồng/tháng”.

Huyện Yên Châu có khoảng 48.500 người trong độ tuổi lao động, chiếm 58% dân số, chủ yếu là lao động nông thôn chưa qua đào tạo. Hằng năm, huyện chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát thực tế, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; tăng cường thông tin thị trường và giới thiệu việc làm cho lao động vùng nông thôn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Đức Long, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: “Để giải quyết việc làm cho người dân, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho người nghèo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cũng được tăng cường nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp. Cùng với đó, địa phương tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp cùng tham gia dạy nghề, mở rộng thực hiện cơ chế dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp”.

Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Yên Châu tập trung đẩy mạnh hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, các vùng tái định cư, thanh niên người dân tộc thiểu số. Là một trong những hội viên phụ nữ tại bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc được tham gia lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP do huyện tổ chức, chị Hà Thị Chình đã áp dụng những kiến thức từ lớp đào tạo vào canh tác các loại cây xoài, bưởi và thu được nhiều kết quả tích cực. Vụ bưởi năm 2023, chị đã tạo hình cho quả bưởi với các chữ: Phúc, lộc, thọ... để bán vào dịp Tết Nguyên đán, giúp nâng giá trị quả bưởi lên gấp nhiều lần. Chị Hà Thị Chình chia sẻ: "Ngày trước, bưởi của gia đình tôi chỉ bán được với giá khoảng 15.000 đồng/quả. Từ khi tôi được tập huấn trồng theo tiêu chuẩn VietGap đã giúp đầu ra được ổn định và giá trị sản phẩm tăng lên. Đặc biệt, mẫu bưởi có chữ hoặc hình phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán có thể bán với giá lên tới 300.000 đồng/quả”.

Nhờ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Yên Châu đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 2.000 người thuộc các xã đặc biệt khó khăn, đưa 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức mở 19 lớp đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn, hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho gần 10.000 lao động, trong đó có hơn 50% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/huyen-yen-chau-son-la-tao-co-hoi-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-783906