Huyết áp cao khi trời lạnh phải làm sao?
Trong trường hợp huyết áp tăng và không phát hiện, xử trí kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.
Hỏi: Mẹ tôi từng gặp tình trạng tăng huyết áp đột ngột khi trời lạnh. Có cách nào để phòng ngừa tình trạng này và nếu bị tăng huyết áp đột ngột tôi cần làm gì? (Mai Thị V – Hưng Yên)
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Huyền (khoa Nội tim mạch – Bệnh viện 19-8),thời tiết lạnh có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp và làm tăng huyết áp.
Huyết áp cao khi trời lạnh
Khi nhiệt độ giảm sâu, cơ thể sẽ tăng tiết catecholamin trong máu. Điều này sẽ làm mạch máu co lại và dẫn tới tăng áp lực trong lòng mạch từ đó gây ra tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Những người cần theo dõi thường xuyên huyết áp khi thời tiết lạnh là:
Người mắc bệnh tăng huyết áp
Người già, người cao tuổi đặc biệt là những người có mắc các bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu…
Một số người có nguy cơ cao như: thường xuyên hút thuốc lá, ăn mặn, béo phì, tăng cholesterol…
Trong trường hợp huyết áp tối đa vượt quá mức 180 mmHg sẽ rất đáng lo ngại. Với những người có tiền sử cao huyết áp có thể huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200 mmHg. Trong trường hợp nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể dẫn đến vỡ mạch máu não và tử vong.
Các dấu hiệu và cách xử trí khi bị tăng huyết áp
Người bệnh cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp để có cách xử trí kịp thời:
Cảm thấy đau đầu hoặc đau xung quanh đầu
Chóng mặt
Mặt có cảm giác nóng bừng hoặc cơn nóng đầu, nóng mặt giống bốc hỏa
Tức ngực, hồi hộp
Cách tốt nhất, người bệnh nên thường xuyên kiểm tra huyết áp mỗi ngày hoặc bất kỳ lúc nào cảm thấy bất thường để sớm phát hiện cơn tăng huyết áp. Bởi chỉ căn cứ vào những triệu chứng trên không thể chẩn đoán được tăng huyết áp.
Tăng huyết áp đột ngột nên làm gì?
Với trường hợp người bệnh còn tỉnh táo, cần có người bệnh nằm nghỉ ngơi nơi thông thoáng. Có thể sử dụng một số thuốc hạ áp sau đó đo lại huyết áp sau 15 phút, có thể sử dụng dòng nifedipine hoặc captopril. Nếu tình trạng tăng huyết áp không cải thiện cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Nếu bệnh nhân hơi thở yếu hoặc không thấy nhịp tim cần ngay lập tức sơ cứu hà hơi thổi ngạt kết hợp hô hấp nhân tạo ép tim ngoài lồng ngực.
Trường hợp người bệnh đã hôn mê thì cần thận trọng khi sơ cứu vì cần giữ cho đường thở của người bệnh thông thoáng. Người bệnh cần được nằm nghiêng về một bên, sẽ thuận tiện cho trường hợp có chất dịch bên trong cơ thể chảy ra ngoài, không gây chèn ép đường thở.
Phòng ngừa tăng huyết áp trong mùa lạnh
Để kiểm soát tốt huyết áp trong mùa đông, hạn chế nguy cơ tăng huyết áp người bệnh cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
Với những người có bệnh lý nền hoặc mắc tăng huyết áp cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần đo huyết áp hàng ngày, tái khám định kỳ, không tự ý bỏ thuốc hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.
Duy trì lối sống khoa học, lành mạnh bằng cách: Ăn nhạt (dưới 5g muối/ngày), tăng cường các loại rau xanh, trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày, ăn giàu năng lượng.
Uống đủ nước, nên ưu tiên uống nước ấm và chia nhỏ làm nhiều lần uống trong ngày. Không để tình trạng cảm thấy khát mới uống nước.
Hạn chế rượu bia và các chất kích thích. Đây chính là nguyên nhân khiến mạch máu bị giãn ra, nếu gặp thời tiết lạnh sẽ dễ dẫn đến cơn tăng huyết áp gây đột quỵ não.
Ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng/ngày, tránh xa căng thẳng, stress.
Giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng đầu, cổ và tay chân. Không nên ra ngoài khi trời quá lạnh, lúc sáng sớm hoặc quá khuya.
Duy trì hoạt động thể dục thể thao khoảng 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên cần lưu ý thời tiết, thời gian và cường độ tập luyện phù hợp. Có thể luyện tập trong nhà nơi kín gió.
Với người có nhiều yếu tố nguy cơ nên thăm khám sức khỏe trước mỗi đợt lạnh để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/huyet-ap-cao-khi-troi-lanh-phai-lam-sao-post1518237.html