'Huynh đệ tương tàn' vì chuyện 'mất mạng' wi-fi
Từ phòng xử án ra xe bịt bùng là đoạn đường rất ngắn nhưng Nguyễn Anh Toàn lại cảm giác như là Vạn lý trường thành, đôi chân cứ chôn chặt bất động. Ngày qua ngày, Toàn cứ như vậy mà sống, sống trong dày vò, sống trong đớn đau...
Nhiều lúc Nguyễn Anh Toàn (SN 1996, P.Điện Dương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cảm thấy bản thân bất lực. Cha mẹ già yếu, anh trai nghiện ma túy, gánh nặng mưu sinh của cả gia đình vì thế nghiễm nhiên đặt trên vai Toàn mà không cho gã có quyền được lựa chọn.
Ai cũng nói Toàn giỏi chịu đựng, nhưng bản thân Toàn biết ngoài điều đó ra anh ta không thể làm gì hơn. Nếu phản kháng, người buồn không phải là Toàn mà chính là cha mẹ, Toàn lại không muốn điều đó xảy ra. Cho nên, anh trai có “bắt nạt” đến mấy vẫn cố mà nín nhịn, ít ra “một điều nhịn chín điều lành” nó cũng sẽ khiến cho cha mẹ bớt buồn lòng. Việc anh trai của Toàn là Nguyễn Anh Tú (SN 1994), nghiện ma túy, những lúc “đói thuốc”, những lúc “phê thuốc” đều đã trở nỗi ám ảnh của gia đình. Tú chửi bới không chừa một ai, đồ đạc trong nhà thì không thứ gì còn nguyên vẹn. Dường như, lời khuyên của cha mẹ, anh em người thân cũng chỉ là gió thoảng mây bay đối với Tú. Không chỉ vậy, nhiều lần Tú chửi bới, dọa sẽ chém giết mọi người trong gia đình.
Câu chuyện “huynh đệ tương tàn” đau lòng xảy ra không phải khi Tú lên cơn nghiện mà nó lại xuất phát từ mâu thuẫn việc “mất mạng” wi-fi. Một việc vô cùng đơn giản nhưng có lẽ do bản tính “coi trời bằng vung” ăn sâu vào suy nghĩ, lối sống khiến Tú ảo tưởng mình luôn là trung tâm của vũ trụ. Anh trai của Toàn và Tú là Nguyễn Hoàng Nguyên (SN 1988) lấy vợ và sống tận Khánh Hòa. Nhân lúc về thăm nhà, nên chiều 13/10/2020, ba anh em ngồi lại làm tiệc liên hoan cùng với gia đình. Trong lúc nhậu, Toàn có phát wi-fi từ điện thoại di động của mình để anh Nguyên sử dụng mạng gọi điện thoại hỏi thăm vợ con đang ở Khánh Hòa. Lúc đó, Tú cũng xài mạng wi-fi ké của Toàn.
Lát sau, Toàn tắt wi-fi thì Tú bảo: “Mày tắt wi-fi sao không nói tao?”, thì Toàn trả lời: “Em không biết anh Tú đang dùng”. Bực tức, Tú văng tục chửi em trai. Vì biết tính Tú nên Toàn im lặng không đôi co. Thấy hai anh em cãi nhau, anh Nguyên liền bảo: “Mi làm anh mà hay rứa Tú, em nó lỡ rồi thì thôi chứ chuyện chi mi cằn nhằn miết rứa”. Lời anh Nguyên vừa dứt, Tú như thú sôi máu, chửi càn. Tú rít lên từng chữ: “Tụi bây im hết, coi chừng tao giết luôn chừ”. Thấy thái độ của em trai quá mức chịu đựng, anh Nguyên gắt lên: “Mi nói ai mất dạy rứa” rồi tát Tú hai cái.
Có lẽ thời gian trước đây, không có anh Nguyên ở nhà, Toàn là em út luôn cam chịu, cha mẹ càng không thể làm gì nên Tú luôn trong tâm thế “nhất đỉnh”, nay có anh chỉnh mình nên bất giác không tài nào chấp nhận. Lửa giận, lửa hận cứ thế ngùn ngụt cháy, hành động nhanh hơn cả chớp mắt, Tú xuống nhà bếp lấy con dao xông đến đâm một nhát trúng vào vùng cổ anh Nguyên khiến anh ngã nhào xuống đất.
Bất ngờ trước hành động của em trai, anh Nguyên chỉ biết hét lên. Nghe tiếng la hét của anh Nguyên, Toàn từ ngoài chạy vào. Toàn vội vàng giật con dao rồi không kịp suy nghĩ gì, xoay người đâm một nhát trúng vào vùng ngực của Tú. Cú đâm của Toàn vừa dứt, gã cũng bừng tỉnh vội vàng vứt dao sơ cứu vết thương của anh Nguyên rồi nhờ người dân chở đi cấp cứu. Lát sau, Toàn và anh trai về nhà phát hiện Tú đã tử vong. Đến chiều cùng ngày, Toàn đến Công an phường Điện Dương đầu thú. Kết quả giám định cho thấy, Nguyễn Anh Tú bị đâm thấu ngực, thủng tim, vết thương gây sốc mất máu dẫn đến tử vong. Còn anh Nguyễn Hoàng Nguyên bị Tú đâm tại vùng cổ vết thương dài 6cm làm thấu xương sọ với tỷ lệ thương tích 31%.
Vậy là, anh em ruột chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt mà khiến người tử vong, người vướng vòng lao lý. Nguyễn Anh Toàn đã bị TAND tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” và xử phạt với mức án 18 tháng tù. Tại Tòa hôm ấy nhiều người cảm thông, động viên Toàn nhưng Toàn làm sao có thể “bỏ qua” cho hành động của bản thân. Dù bất hảo đến mấy thì đó cũng là anh trai mình, làm sao Toàn lại mất bình tĩnh để rồi tước đi một sinh mệnh như thế. Cha mẹ, người thân và người đời có thể thông cảm nhưng Toàn thì đã, đang và sẽ mãi còn dằn vặt vì điều này.
Toàn nói trong xót xa: “Anh Tú theo bạn bè xấu sa chân vào con đường nghiện ngập, thường xuyên quậy phá, gia đình đã nhiều lần khuyên bảo nhưng anh Tú không nghe. Cứ mỗi lần sử dụng ma túy về nhà thường la hét, đòi chém giết những người trong gia đình. Biết tính của anh Tú, hôm đó bị cáo đã nhịn, đến khi thấy anh Tú cầm dao đâm anh Nguyên bị cáo rất bực tức. Theo quán tính, bị cáo xông vào giật lấy con dao đâm vào người anh Tú mục đích để anh ấy dừng hành động hung hăng lại để cứu anh Nguyên. Bị cáo không nghĩ là đâm trúng vùng nguy hiểm khiến anh Tú tử vong. Bị cáo không cố ý giết anh trai, bị cáo rất ân hận, day dứt vì hành động của mình”.
Cứ mỗi lần nhắc đến từ “đâm”, Toàn lại bóp chặt bàn tay mình lại, cả người bất chợt rung lên, hình ảnh anh trai một lần, lại một lần hiện ra ngay trước mắt. Cảm giác đau đớn ấy như ăn vào tận sâu con người Toàn, khiến lồng ngực co thắt dữ dội, ngay cả hít thở đều đặn cũng khó khăn. Toàn nói, Toàn đã nín nhịn bao năm qua cũng được coi là ổn, vậy nhưng sao đến cùng sự nín nhịn ấy lại bị phá vỡ, lại có kết cục đau lòng như thế? Phải chăng, ông trời đang thử thách sự nhẫn nhịn, sự kiên định của Toàn nhưng y đã sớm thất bại? Bây giờ Toàn chỉ thấy oán hận bản thân vô cùng, cha mẹ già chắc chắn sẽ vì điều này mà sống trong dằn vặt đau khổ, con- đứa chết, đứa đi tù.
Có những sai lầm nằm ngoài ý muốn, Toàn là trong số đó. Mọi người đều tha thứ cho hành động của Toàn nhưng sự tự trách của Toàn lại chưa bao giờ dừng lại. Nhưng rồi từ sự động viên của người thân, Toàn hiểu được, trách nhiệm của bản thân càng phải vì anh trai mà cố gắng. Cố gắng cải tạo thật tốt, cố gắng mạnh dạn đứng lên, cố gắng cho bản thân mình nhận lấy một cơ hội.
(Tên bị hại và người liên quan đã được thay đổi)