Huỳnh Lập: 'Với Nhà gia tiên, tôi tự hại mình'
'Với Nhà gia tiên, tôi thấy dự án còn thiếu nhiều thứ để có thể trở thành phim điện ảnh đúng nghĩa. Tôi đang cố gắng từng bước nhằm thu hẹp hạn chế của mình', Huỳnh Lập nói.

Khi cuộc đấu phim Tết với những cái tên sừng sỏ nhất của thị trường điện ảnh Việt vừa khép lại, Huỳnh Lập cùng Nhà gia tiên đang “một mình một ngựa” ngoài phòng vé.
Bộ phim thứ hai của Huỳnh Lập trong vai trò đạo diễn, oanh tạc bảng tổng sắp doanh thu với hơn 64 tỷ đồng, chỉ sau vài ngày công chiếu. Với đà tăng trưởng hiện tại, Nhà gia tiên được dự đoán sẽ là phim Việt tiếp theo góp mặt trong “bộ tứ trăm tỷ” từ mùa Tết đến nay.
Tri Thức - Znews có cuộc phỏng vấn với Huỳnh Lập, sau 6 năm rút lui khỏi màn ảnh rộng.
'Đây là bài học của tôi'
- Nếu một bộ phim phản chiếu tâm thế, góc nhìn và cá tính của một đạo diễn tại một thời điểm, Nhà gia tiên sẽ nói gì về anh?
- Nếu Nhà gia tiên soi chiếu con người của tôi, mọi người sẽ thấy hình bóng gia đình tràn ngập. Tuy rằng, trong phim đầy rẫy yếu tố tâm linh, nhưng cốt lõi vẫn là tình cảm cùng các thông điệp về gia đình. Đó cũng là giá trị nền tảng và là lý do để tôi có thể tiếp tục làm phim cho đến tận thời điểm này.
Còn soi chiếu về nghề, bộ phim phản ánh khía cạnh trưởng thành sau hành trình dài với điện ảnh. Tôi nghĩ rằng mình đã tìm được một chủ đề gần gũi, mới mẻ về cách xử lý hơn.
Vài ngày gần đây, khi phim vừa ra mắt, cũng đã có nhiều lời khen từ khán giả. Mọi người nói rằng tôi tiết chế hơn rất nhiều so với Pháp sư mù 6 năm trước và các sản phẩm trên YouTube. Mọi thứ không còn ào ạt và nhịp điệu đã bình tĩnh hơn. Đương nhiên, có cả lời chê, góp ý. Công chúng nhận xét phim đâu đó vẫn còn yếu tố của webdrama. Tôi đón nhận các góp ý từ mọi người và sẽ cố gắng hoàn thiện trong các dự án sau.

- Nói như vậy, anh xem bộ phim là một phép thử cho lần trở lại của mình sau 6 năm?
- Đúng vậy. Sau Pháp sư mù, tôi thấy mình còn nhiều thiếu sót về mặt chuyên môn. Tôi đã dành nhiều thời gian để quan sát, đánh giá về tất cả và quan trọng hơn là phải đủ sự tự tin ở bản thân trước đã.
Ngoài ra, tôi cũng cần tìm cho mình một ý tưởng về kịch bản, đủ cảm hứng để có thể tiếp tục. Bởi phim điện ảnh không phải một sản phẩm ngắn trên YouTube hay TVC, mà đó là cả gia tài của đạo diễn. Thắng hay thua cũng là một phần quan trọng trong cuộc đời làm nghề của mỗi người.
Trong khoảng thời gian dài đó, tôi vẫn tiếp tục với những webdrama của mình, sản xuất series kinh dị phát hành trên Netflix, dành thời gian cho sân khấu. Nhưng rồi, tôi rất mông lung và không biết là năm 2024, mình sẽ làm gì tiếp theo đây.
Lúc đó, tôi mới đi cúng miếu Bà đầu năm và khấn rằng: ‘Nếu Bà thương con, bà cho con một ý tưởng gì đó. Để năm nay, con có thể bám vào đó và làm, cống hiến cho khán giả’. Và giống như Bà hiện về, chỉ điểm cho tôi vậy đó. Một kịch bản Nhà gia tiên hiện rõ mồn một trong đầu đêm hôm ấy.
Từ đó, tôi bắt tay vào dự án. Tôi viết kịch bản nhanh chóng, gặp người này người kia để tư vấn, trao đổi. Ban đầu, tôi định phát hành phim vào trước Tết Nguyên đán nhưng không kịp vì khâu hậu kỳ tốn khá nhiều thời gian. Trở lại với bộ phim sau 6 năm, thú thực, tôi rất lo lắng và hồi hộp.
- Sau những lo lắng, hồi hộp đó, chắc hẳn giờ anh đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì doanh thu vượt 64 tỷ đồng sau vài ngày ra mắt. Song bên cạnh những lời khen, không khó nhận thấy tác phẩm còn khá nhiều sạn, thậm chí bị chê giống webdrama lên màn ảnh. Kỹ xảo cũng bị bàn tán khá nhiều. Anh phản hồi thế nào?
- Tôi đọc được hết các bình luận đó luôn và đón nhận. Bây giờ, tôi sẽ lần lượt nói về những hạn chế trong phim. Trước tiên là kỹ xảo không đáp ứng kỳ vọng của khán giả. Tôi thừa nhận khâu kỹ xảo còn hạn chế, chỉ muốn chia sẻ thêm để mọi người hiểu. Trong Nhà gia tiên, kỹ xảo là để phục vụ câu chuyện chứ không phải tác phẩm nhằm phô diễn kỹ xảo.
Tôi đòi hỏi rất nhiều về kỹ xảo cho ê-kíp của mình, thậm chí feedback lên xuống hàng trăm lần. Mọi người cũng mệt mỏi, mất ăn mất ngủ với tôi trong thời gian dài. Vì với một bộ phim tâm linh, yếu tố kỹ xảo cũng đòi hỏi cao và dày.

Nhưng rồi nhiều khi có những điều kiện, môi trường, khả năng tài chính, khiến bản thân cũng lực bất tòng tâm. Đôi khi tới đó, tôi thấy cũng tạm ổn rồi và phải chấp nhận trong sự cho phép. Nếu bản thân cứ đòi hỏi nữa, phải tốn nhiều thời gian hơn và tiền bạc nữa.
Tôi cũng biết phim mình còn thiếu nhiều góc máy điện ảnh. Tức là có những cảnh, chỉ cần hình, không cần thoại nhiều đến vậy. Nhưng bản thân tôi cứ luôn sợ khán giả không hiểu nên lại chèn thoại. Tâm lý của tôi vậy nên đã vô tình tự hại mình.
Thực ra, đây cũng là bản ít thoại nhất so với các kịch bản ban đầu. Tôi nhớ ở kịch bản đầu tiên, khi đưa cho anh Lý Minh Thắng và nhiều đạo diễn khác, mọi người đánh giá thoại hơi nhiều. Tôi đã đón nhận và gọt nhiều lần để có bản final này.
Đây coi như là bài học cho tôi. Nếu như sợ khán giả không hiểu, lúc làm kịch bản, tôi phải tính luôn phần hình.
'Tôi tổn thương khi bị chà đạp, bác bỏ'
- Có vẻ anh hiểu hết những hạn chế của bản thân lẫn dự án này. Tại sao anh không chỉnh sửa mọi thứ trên phim trường hay trong phòng dựng mà giữ nguyên vậy đến khi lên màn ảnh?
- Đương nhiên là nhìn vào, mình chỉ thấy những cái bản thân đang làm là đúng thôi. Thậm chí, khi dựng tổng thể phim, tôi vẫn nhìn thấy sự chủ quan của mình. Tôi nghĩ như vậy là tốt rồi.
Đến khi đưa phim ra màn ảnh rộng, đến với khán giả đại chúng, bộ phim lộ nhiều webdrama thì tôi mới nhận ra. Tức là có những việc, bản thân nhìn vào không thấy sai. Chỉ khi mọi người để ý và nhận xét, mình mới nhận ra.
Đôi khi tôi thấy cái này đẹp nhưng chưa chắc mọi người đã thấy vậy. Và nhiệm vụ của tôi là đón nhận các góp ý và hoàn thiện để khán giả hài lòng.
Tất nhiên, những lời góp ý cũng có nhiều cung bậc khác nhau. Cũng có người không thích tôi, sẽ đưa ra những bình luận nặng nề, khắc nghiệt.
Nhưng phải chịu thôi.
Vì đạo diễn làm ra sản phẩm là để tới với đại chúng. Khán giả bỏ tiền mua vé xem phim là họ có quyền nhận xét. Giống như khi tôi đến một nhà hàng, ăn một món không thấy ngon thì chê thôi. Dù tôi chẳng phải là chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, vẫn có quyền đánh giá nếu món dở.

- Trong vai trò một đạo diễn, đâu là lời chê khắc nghiệt, nặng nề nhất anh từng đón nhận?
- Đó là khi góc nhìn của người đến với bộ phim và cách tôi làm bị khác xa nhau quá. Ví dụ, tôi mang đến một bình bông ra chợ để bán. Tôi thấy nó rất đẹp. Một người mua nhìn vào và nói rằng bình bông tạm được, không đến mức đẹp nhưng cũng không phải quá xấu.
Nhưng cũng một khách hàng khác lại nói rằng đây không phải là bình bông. Họ không công nhận, bác bỏ. Tức là góc nhìn hai bên, giữa tôi và khách hàng này khác xa nhau. Điều đó có thể khiến mình tổn thương.
- Có thể hiểu sự so sánh phía trên của anh đề cập đến việc mọi người nói rằng Nhà gia tiên là webdrama, không phải phim điện ảnh không?
- Không phải vậy. Nếu như mọi người góp ý với thiện chí rằng khi coi phim Nhà gia tiên, vẫn thấy bóng dáng webdrama, đó là đánh giá chân thành.
Để dễ hiểu hơn, tôi sẽ nói về hành động đi. Ví dụ, khi tôi đưa cho bạn một ly nước. Bạn uống vào mà không ngon và chê. Mọi thứ lúc đó bình thường. Nhưng khi uống xong mà bạn chọi ly nước xuống sàn, là tôi sẽ buồn, cảm giác bị chà đạp, tổn thương.
Không phải chỉ trong lĩnh vực điện ảnh đâu, mà tất cả ngành nghề khác đều vậy. Khi người ta đã bỏ tư duy, chất xám, tâm huyết, làm ra một món sản phẩm, để mang đến đại chúng, mà mọi người chà đạp, ai cũng sẽ tổn thương thôi.
- Khi đối diện với lời chê, phản xạ của anh thường sẽ thế nào. Im lặng đón nhận hay ‘xù lông’ phản ứng?
- Phản xạ đầu tiên của tôi là buồn. Nhưng tôi luôn giữ sự tỉnh táo. Tôi nhìn sâu vào lý do tại sao mà người ta phản bác một cách kịch liệt như vậy. Khi đủ thời gian, tôi ngồi lại, xem tất cả ý kiến của khán giả. Tại sao lỗi này trong phim lại bị nhiều người cùng lúc chê vậy, để tiếp thu, chỉnh sửa.
Mọi người sẽ có cách cảm nhận riêng và do vậy, khi góp ý, cũng sẽ có cách thể hiện khác nhau. Tôi luôn trân trọng những góp ý mang tính tôn trọng. Còn kiểu bác bỏ, cực đoan, tôi sẽ lui mình về, không đối đầu với bàn tán tiêu cực. Tôi dành năng lượng vào những người tôn trọng mình.

- Vậy là anh luôn giữ sự hoan hỉ trong mọi chuyện, kể cả khi bị tấn công?
- Đúng rồi.
'Nhà gia tiên chưa phải phim điện ảnh'
- 6 năm qua, anh rút lui khỏi màn ảnh rộng. Sự chuyển dịch của thị trường cùng gu khán giả thay đổi theo từng tháng, năm. Anh có bị ngợp giữa cơn lốc đó?
- Tôi không làm phim điện ảnh trong nhiều năm qua nhưng vẫn luôn theo dõi tất cả phim của đồng nghiệp và nghiên cứu kỹ thị trường.
Trước đây, khi làm Pháp sư mù, tôi nghĩ đó là phim điện ảnh rồi. Nhưng không phải.
Đến khi làm xong Nhà gia tiên, tôi nhận ra tác phẩm còn thiếu nhiều thứ để có thể trở thành phim điện ảnh.
Tôi đang bước đi và thu hẹp dần những hạn chế của mình. Để đến một lúc nào đó, tôi mong muốn có thể làm ra một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa và chạm tới cảm xúc của khán giả cũng như sự đón nhận từ mọi người.

- Ngoài những cuộc đua về mức độ đầu tư sản xuất, chất lượng phim, một cuộc chiến ngầm về truyền thông, PR, seeding bẩn đang gây nhức nhối thị trường điện ảnh nội địa thời gian qua. Anh có theo dõi?
- Đối với tôi, một bộ phim hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn. Và mỗi công đoạn đều có giá trị khác nhau. Kịch bản chắc sẽ tạo nên một bộ phim hay. Diễn viên diễn tốt khiến bộ phim hấp dẫn. Đạo diễn giỏi giúp phim trở nên điện ảnh hơn. Còn khi truyền thông tốt, bộ phim được lan tỏa rộng rãi.
Nhưng chỉ cần lạm dụng hay làm sai lệch một khâu nào trong quá trình nói trên sẽ khiến tác phẩm không còn đúng giá trị, mục đích ban đầu.
Ví dụ, phim không có chất lượng mà truyền thông thành một bộ phim tốt, không phải là đường đi đúng. Đó cũng không phải là điều tôi hướng tới.
Với Nhà gia tiên, kinh phí của dự án cũng có hạn và khâu đốt tiền nhất là kỹ xảo. Chi phí cho khâu truyền thông chỉ ở mức trung bình thôi. Hiệu ứng truyền miệng từ khán giả là điều khiến phim lan tỏa. Tôi nghĩ vậy.
- Nghĩa là phim của anh chắc chắn sẽ không dùng chiêu trò trong khâu PR hay marketing để dẫn dắt khán giả tới rạp?
- Hiện tại, các khâu quảng bá của phim đang theo đúng quỹ đạo ban đầu mà tôi mong muốn.
Tôi không chấp nhận việc quảng cáo sai lệch về dự án. Tôi cũng lấy uy tín từ trước đến nay của mình để quảng bá bộ phim này.
- Không chiêu trò truyền thông, chất lượng phim cũng không nổi bật, đâu là yếu tố khiến phim đắt khách, từ góc nhìn của anh?
- Việc khán giả ủng hộ và lan tỏa là yếu tố quan trọng nhất. Tôi nhận ra điều đó sau dự án Chị dâu của đạo diễn Khương Ngọc. Một bộ phim có thể thu hút khán giả là chạm được đến cảm xúc người xem, khiến họ rơi nước mắt, tin vào câu chuyện mà đạo diễn muốn truyền tải.
Nếu khán giả xem xong phim mà cảm thấy trôi tuột sau khi ra rạp, nghĩa là đạo diễn thất bại về khâu truyền tải thông điệp cũng như cảm xúc nhân vật đến người xem. Có lẽ, Nhà gia tiên đang “gãi đúng chỗ ngứa” cho khán giả.

Nguồn Znews: https://znews.vn/huynh-lap-voi-nha-gia-tien-toi-tu-hai-minh-post1533564.html