Huỳnh Thạch Thảo với những truyện ngắn hiện thực kỳ ảo

Yếu tố kỳ ảo trong truyện của Huỳnh Thạch Thảo vừa lý giải cho hiện thực vừa tạo chất lãng mạn trong từng trang viết, là chất men làm say độc giả, vừa là phương tiện quan trọng để anh chuyển tải thông điệp của mình đến bạn đọc.

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Huỳnh Thạch Thảo là một trong những cây bút văn xuôi Phú Yên viết khá đều tay. Trong hơn một phần tư thế kỷ cầm bút, anh đã xuất bản 15 tập truyện ngắn, truyện dài, tản văn và có nhiều tác phẩm in chung khắp cả nước. Thật khó có thể xếp Huỳnh Thạch Thảo vào nhóm nhà văn hiện thực hay lãng mạn một cách rạch ròi, bởi bên cạnh những tác phẩm viết về chiến tranh và thế sự đậm chất hiện thực thì giọng văn, hình ảnh phảng phất chất lãng mạn. Có lẽ đó là nét riêng của Huỳnh Thạch Thảo. Đọc những tác phẩm của anh, bạn đọc nhận ra sự giao thoa đó trong phong cách của anh và được thể hiện rõ nhất trong một số truyện ngắn có sử dụng bút pháp hiện thực kỳ ảo. Những truyện ngắn này được anh tập hợp trong tập truyện Vực con gái (NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành năm 2006) và rải rác trong một vài tập truyện khác của anh.

Lạ hóa trạng thái hiện thực

Bút pháp hiện thực kỳ ảo có cội nguồn là những điều tưởng tượng ly kỳ, ma mị, huyền ảo, khó lý giải. Suy cho cùng, đó cũng chính là trí não vật chất của con người, vẫn là những điều hiện thực của thế giới này. Nhà văn chỉ sử dụng yếu tố huyền ảo để lạ hóa trạng thái hiện thực, đôi khi xáo trộn hiện thực để rồi người đọc có cơ hội tham dự vào việc lắp ghép lại những mảnh hiện thực thành một bức tranh còn chân thật hơn đời sống. Người đọc có thể thấy nhà văn nhìn xuyên qua hiện thực để mô tả phần chiêu cảm được về thế giới siêu hình tồn tại quanh ta.

Có thể thấy rằng, Huỳnh Thạch Thảo kể những câu chuyện về sự hoang dã, dữ dội và bí ẩn của thiên nhiên trong trạng thái đầy sự lo lắng. Chính lòng trắc ẩn đã khiến anh nhìn cuộc sống dưới quy luật nhân - quả của triết lý Phật giáo khi đặt con người trong mối quan hệ với thiên nhiên. Trong tác phẩm của mình, Huỳnh Thạch Thảo cũng đã chiêm nghiệm một cách sâu sắc rằng: “Những gì bền vững sẽ bền vững còn những gì bất biến sẽ bất biến, mà không phải, phải nói thẳng ra rằng cuộc đời có vay ắt có trả, trả không hết đời này thì sang đời sau, không thể khác được” (Chuyện bây giờ mới kể). Ta sẽ dễ dàng bắt gặp những chi tiết kỳ ảo, khó lý giải khi những nhân vật trong truyện trả giá sau những hành động của mình. Thực trong Gã điên ở ngã ba làng cát phải trả giá bằng cái chết của đứa con trai. Chính gã Thực cũng bị điên sau khi phát hiện người cha của mình bị con dông chúa trả thù và sau cái chết thê thảm của đứa con trai duy nhất. Trong Cọp về làng, toán lính giết hại cọp cái phải trả giá rất đắt trước sự giận dữ của cọp đực, nhiều tên lính bị vồ nát, riêng “gã lính bị cọp vồ nơi vườn ổi đã thành dân ngụ cư của xóm khi vài năm sau cấp trên cho hắn giải ngũ vì những cơn điên đột phát. Gã về xóm lá xin mảnh đất bên cạnh vườn hoang để đêm đêm nhang khói chập chờn”. Hay trong Con mèo hoang lông trắng, Thành - tay săn mèo hoang để lấy bộ da bán cho lái buôn ở chợ Lớn bị nước lũ cuốn trôi, cả bản Mèo “năm đó nạn đói ập đến do mất mùa bởi lũ chuột, thỏ, chồn, nhím sinh sôi nảy nở khắp cánh rừng, nơi nương rẫy, trong gộp đá, ngoài bãi tranh”. Thằng Sát trong Chuyện bây giờ mới kể phải tan cửa nát nhà, ba đứa con “chẳng hiểu thế nào mà rủ nhau lên núi nô đùa trượt chân ngã vào hang đá…”.

Một số tác phẩm của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo. Ảnh: YÊN LAN

Một số tác phẩm của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo. Ảnh: YÊN LAN

Góc nhìn đầy lo lắng, trắc ẩn của một nhà văn

Những truyện ngắn Đầu nguồn cuối sông, Con mèo hoang lông trắng, Mùa săn, Chuyện rừng, Đàn chim di trú trở về… kể về chất hoang dã, dữ dội và bí ẩn của thiên nhiên nhưng cũng là góc nhìn đầy lo lắng, trắc ẩn của một nhà văn từng trải về việc con người tàn phá thiên nhiên. Nhiều truyện ngắn hiện thực kỳ ảo của Huỳnh Thạch Thảo có cái nhìn cuộc sống bằng luật nhân quả như thế nên có vẻ đơn giản, người đọc dễ đoán trước được cái kết của truyện. Song, đó lại là ẩn ý của nhà văn, bởi quy luật vay - trả và sự thức ngộ của con người từ xưa đến nay chưa bao giờ là vấn đề cũ, đặc biệt trong thời đại ngày nay khi con người quay cuồng với những mưu lợi và ưu toan.

Có thể thấy, nhà văn đã dùng những yếu tố kỳ ảo như một phương tiện hữu hiệu để thể hiện sự âu lo trước hiện tượng mẹ thiên nhiên bị xâm hại. Trường phái phê bình sinh thái xuất hiện ở phương Tây vào những năm 70 của thế kỷ trước. Trường phái này xem sinh thái như một giá trị nhân văn, nên văn học cần phải có tiếng nói để góp phần thức tỉnh con người, nhằm trân trọng giá trị của thiên nhiên mang lại, rằng con người cần phải biết cách chung sống và dựa vào thiên nhiên như một quy luật tồn tại tất yếu.

Một thời gian dài, con người tự hào là chủ nhân của trái đất, chinh phục, chế ngự được thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ con người vô điều kiện. Con người khai thác tự nhiên theo cách tận diệt, giết chóc sinh vật, mang những chiến lợi phẩm từ thiên nhiên về trưng bày trong căn nhà chật chội của mình và luôn tự hào về chiến tích ấy. Họ đâu hiểu rằng, con người cần phải dựa vào thiên nhiên để sống, mọi hành động xâm hại và bất kính với mẹ thiên nhiên đều phải trả một cái giá rất đắt.

Trong những truyện ngắn mang bút pháp hiện thực kỳ ảo của mình, Huỳnh Thạch Thảo đã chọn thiên nhiên như một điểm tựa vững chãi để chuyển tải những thông điệp kín đáo của mình. Nhà văn chọn một vài nhân vật tiêu biểu, một vài hành động tàn nhẫn với thiên nhiên, như muốn rung lên một hồi chuông về sự cảnh tỉnh cho con người, rằng như ông bà xưa từng chiêm nghiệm “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Góc nhìn của anh về con người trong những truyện ngắn này có phần biểu hiện của những âu lo, nơm nớp về bản tính người. Có lẽ nhận định của nhà văn Bùi Việt Thắng đã phần nào khái quát được sự ám ảnh của Huỳnh Thạch Thảo trong từng trang viết của anh: “Một lối văn như thế là phải được chắt lọc kỹ càng từ sự trải nghiệm đời sống không đơn thuần là quan sát mà là chuyên nghiệp, không phải là nhờ vào lý tính mà nhờ vào trực giác nhạy bén”. Yếu tố kỳ ảo trong truyện của Huỳnh Thạch Thảo vừa lý giải cho hiện thực vừa tạo chất lãng mạn trong từng trang viết, là chất men làm say độc giả, vừa là phương tiện quan trọng để anh chuyển tải thông điệp của mình đến bạn đọc là vì vậy.

LÊ KIM TÁM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/277252/huynh-thach-thao-voi-nhung-truyen-ngan-hien-thuc-ky-ao.html