HV Nông nghiệp Việt Nam: Khoa Khoa học xã hội tích cực NCKH, đổi mới sáng tạo

Các tham luận tại hội nghị không chỉ là minh chứng cho phong trào NCKH mà còn ghi nhận đam mê, nỗ lực của sinh viên và giảng viên khoa Khoa học xã hội.

.t2 { background-color: #fff3cd; display: inline !important; } .t1 { text-align: left; }

Chiều ngày 16/5, khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025 kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Tham dự hội nghị có sự hiện diện của Tiến sĩ Trần Lê Thanh - Trưởng khoa Khoa học xã hội; Tiến sĩ Nguyễn Đắc Dũng - Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội; Thạc sĩ Vũ Hải Hà - Chủ tịch Công đoàn khoa Khoa học xã hội cùng đông đảo nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Khoa và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 Toàn cảnh Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025 của khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025 của khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Dũng - Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Học viện với sứ mạng là trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức mới về nông nghiệp và phát triển nông thôn và các lĩnh vực khác có liên quan; đóng góp đắc lực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Học viện có nhiều chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động Đoàn, Hội và sinh hoạt. Riêng với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Học viện đã có những chính sách tạo điều kiện cho sinh viên, cụ thể: hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên; tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên; tăng kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên và nhiều hoạt động khác. Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học là một trong ba đề án lớn Học viện giao cho Đoàn Thanh niên Học viện triển khai”.

 Tiến sĩ Nguyễn Đắc Dũng - Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Dũng - Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025 có ý nghĩa truyền thông, quảng bá các sự kiện khoa học và công nghệ của đơn vị; tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 và lựa chọn một số công trình tiêu biểu của sinh viên để gửi tham dự Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Học viện; phát động phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025.

Nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh và sinh viên Học viện

Tại hội nghị, anh Nguyễn Văn Minh - nghiên cứu sinh tại Đại học Tự do Bruxelles đã trình bày tham luận với chủ đề “Chuyển đổi giao thông đô thị thời kỳ sau Đổi mới tại Thành phố Hồ Chí Minh: Từ góc độ nhân học”.

Bốn lĩnh vực nghiên cứu gồm: Việt Nam sau đổi mới; Quá trình đô thị hóa, Giao thông đô thị và Sử dụng không gian công cộng. Trong đó, nhân học và xã hội học trong nghiên cứu đô thị có những điểm tương đồng và khác biệt nhất định.

“Điểm giống nhau là cả hai đều tập trung vào việc nghiên cứu các mối quan hệ xã hội, mô hình văn hóa và các lực lượng cấu trúc trong xã hội. Cả nhân học và xã hội học cùng sử dụng phương pháp hỗn hợp, kết hợp giữa định tính và định lượng, nhằm hiểu sâu sắc hành vi con người trong môi trường đô thị. Ngoài ra, cả nhân học và xã hội học đều quan tâm đến các vấn đề như quyền lực, bất bình đẳng và quá trình hình thành bản sắc cá nhân cũng như xã hội.

Sự khác biệt chính giữa hai ngành nằm ở nguồn gốc và mục tiêu nghiên cứu. Nhân học truyền thống xuất phát từ việc nghiên cứu các nền văn hóa khác biệt, thường là các xã hội phi phương Tây, trong khi xã hội học ra đời để nghiên cứu chính các xã hội công nghiệp phương Tây.

Về quy mô, nhân học thường tập trung vào các tương tác ở cấp độ vi mô và hệ thống văn hóa cụ thể, còn xã hội học có xu hướng phân tích các thể chế và cấu trúc xã hội ở cấp độ vĩ mô.

Quan điểm lý thuyết cũng có sự khác biệt: nhân học thường nghiêng về thuyết tương đối văn hóa, còn xã hội học thường vận dụng chức năng luận cấu trúc hoặc lý thuyết phê phán.

Về phương pháp, nhân học truyền thống ưu tiên quan sát tham gia và sống hòa mình lâu dài trong cộng đồng nghiên cứu, trong khi xã hội học thường sử dụng khảo sát, phỏng vấn và phân tích thống kê làm công cụ chủ đạo”, anh Nguyễn Văn Minh cho hay.

 Anh Nguyễn Văn Minh - nghiên cứu sinh tại Đại học Tự do Bruxelles.

Anh Nguyễn Văn Minh - nghiên cứu sinh tại Đại học Tự do Bruxelles.

Sau quá trình nghiên cứu, nam nghiên cứu sinh rút ra kết luận ban đầu rằng việc di chuyển trong đời sống hàng ngày và việc thay đổi vị trí xã hội có liên quan chặt chẽ với nhau.

Nói cách khác, cách con người di chuyển trong thành phố cũng là nơi thể hiện, tranh luận và thương lượng về các giá trị văn hóa và quyền sử dụng không gian đô thị giữa người dân, xã hội và nhà nước. Xe máy không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn tạo ra những không gian linh hoạt để con người bày tỏ bản thân, thể hiện sự thân mật và thử nghiệm những cách sống khác biệt.

Bên cạnh đó, hạ tầng thiên về ô tô và sự phát triển các khu đô thị mới đang làm thay đổi bộ mặt thành phố, hướng tới một hình ảnh văn minh đô thị theo kiểu tư nhân hóa và mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa tự do mới.

Cũng tại hội nghị, em Nguyễn Giang Hương - sinh viên khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày đề tài “Nguyên nhân di cư của lao động xuyên biên giới Việt - Trung”. Địa bàn nghiên cứu tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Theo chia sẻ của Giang Hương, di cư quốc tế là một vấn đề toàn cầu tồn tại từ lâu, hiện nay đã trở thành xu hướng đáng chú ý trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Số lượng người di cư quốc tế tăng đáng kể trong các thập kỷ qua, với ước tính 281 triệu người vào năm 2020, tương đương 3,6% dân số thế giới (IOM, 2022).

Tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng biên giới như Lào Cai, lao động di cư ngày càng phổ biến. Việc nghiên cứu cụ thể nguyên nhân di cư của lao động vùng biên giới Việt-Trung là cần thiết, nhằm cung cấp giải pháp hiệu quả cho các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

 Em Nguyễn Giang Hương - sinh viên khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam báo cáo tại hội nghị.

Em Nguyễn Giang Hương - sinh viên khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam báo cáo tại hội nghị.

Bên cạnh đó, trình bày đề tài “Khó khăn của người lao động di cư biên giới từ Việt Nam sang Trung Quốc”, em Nguyễn Quý Đồng - sinh viên khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặt vấn đề: “Di cư là một vấn đề quan tâm chung của hầu hết các nước trên thế giới và trở thành một xu hướng ở Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới.

Di cư lao động đã giúp người lao động ở nông thôn nói chung, dân tộc thiểu số nói riêng có thêm thu nhập trong thời gian nông nhàn, cũng như bước đầu đã giúp người dân mở rộng mạng lưới kết nối của họ, thông qua việc giới thiệu việc làm”.

Nhóm nghiên cứu trường hợp tại địa bàn xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Mục tiêu chung là tìm hiểu khó khăn của người lao động di cư xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ngoài ra, nghiên cứu này hướng đến ba mục tiêu cụ thể gồm tìm hiểu đặc điểm nhân khẩu - xã hội của người lao động di cư xuyên biên giới; tìm hiểu khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động di cư xuyên biên giới; tìm hiểu khó khăn về điều kiện sống của người lao động di cư xuyên biên giới.

 Em Nguyễn Quý Đồng - sinh viên khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Em Nguyễn Quý Đồng - sinh viên khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị, sinh viên tham dự sẽ có cơ hội giao lưu, đặt câu hỏi trực tiếp với các giảng viên, nghiên cứu sinh và thành viên trong các nhóm nghiên cứu. Đây là dịp quan trọng giúp sinh viên mở rộng kiến thức, đào sâu các chủ đề chuyên môn đang theo đuổi, đồng thời rèn luyện kỹ năng đặt vấn đề và thảo luận học thuật.

Luật Kinh tế là ngành thừa hưởng nền tảng từ Luật học kết hợp với kiến thức trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại. Ngành luật này trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng về kinh tế, Nhà nước, pháp luật và kiến thức chuyên sâu pháp luật về kinh tế.

Sinh viên theo học ngành Luật Kinh tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết để có thể tự tin làm việc và khẳng định bản thân như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tổ chức công việc… Đặc biệt, sinh viên Học viện sẽ thường xuyên được thực hành, xử lý tình huống pháp luật thông qua phương pháp giáo dục “mô phỏng” phiên tòa giả định; tập sự tại các phiên tòa, văn phòng luật sư, tham gia sự kiện “Ngày hội pháp luật” và các cuộc thi tìm hiểu pháp luật để phát triển toàn diện kỹ năng chuyên môn.

Mọi thông tin chi tiết về ngành Luật Kinh tế, học sinh và phụ huynh xem chi tiết tại: https://tuyensinh.vnua.edu.vn/nganh-luat/

Bài và ảnh: Thúy Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hv-nong-nghiep-viet-nam-khoa-khoa-hoc-xa-hoi-tich-cuc-nckh-doi-moi-sang-tao-post251392.gd