HVN 'cất cánh' trở lại, HBC và HNG chất sàn sau tin bị hủy niêm yết

Phiên đầu tuần, VN-Index diễn biến tích cực, tuy nhiên thanh khoản thấp nên thị trường khó đột phá. Một số cổ phiếu bị bán mạnh thời gian qua nhận được lực cầu bắt đáy như HVN, QCG…

Diễn biến một số cổ phiếu lớn trên sàn HoSE.

Diễn biến một số cổ phiếu lớn trên sàn HoSE.

Kết phiên 29/7, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.246,6 điểm, tăng 4,5 điểm so với kết phiên cuối tuần trước. HNX-Index và UPCoM cũng đều kết phiên trong sắc xanh. Thanh khoản ở mức thấp, với gần 12.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.

Khối ngoại cũng hạn chế giao dịch với giá trị chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng, so với mức trung bình 4.000-5.000 tỷ đồng thời gian qua; và bán ròng hơn 200 tỷ đồng trên sàn HoSE. Mã bị bán ròng mạnh nhất là PDR với 41 tỷ đồng, kế đến là DCM 39 tỷ đồng; MWG, DBC, VHM hơn 20 tỷ đồng; CMG, VRE, HDG, GVR, NLG gần 20 tỷ đồng…

Ngược lại, VIX được mua ròng mạnh nhất hơn 63 tỷ đồng, tiếp theo là FPT 52 tỷ đồng, VNM 37 tỷ đồng, BCM 19 tỷ đồng, VPI 15 tỷ đồng…

Hai tuần trở lại đây, khối ngoại thường có những phiên mua/bán ròng đan xen và ghi nhận mua ròng hơn 420 tỷ đồng vào tuần trước, sau thời gian dài bán ròng miệt mài.

VN30 diễn biến phân hóa với các cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. Chiều tăng có ACB, BCM, BID, BVH, CTG, FPT, GVR, HDB, HPG, MWG, POW, SSI, TPB, VNM. Trong đó VNM tích cực nhất với mức tăng hơn 2%, lên giá 67.200 đồng/cp. HPG cũng có đóng góp lớn cho chiều tăng của chỉ số với mức tăng 1,6%, lên giá 27.900 đồng/cp.

Các bluechip ở chiều giảm là GAS, MBB, SAB, SHB, VHM, VJC, VRE. Giảm mạnh nhất là VRE -1,8%. Nhiều mã đứng tham chiếu, gồm MSN, PLX, SSB, STB, TCB, VCB, VIB, VIC, VPB.

Xét về nhóm ngành thì công nghệ viễn thông có mức tăng tốt nhất. FPT tăng 0,8%, về lại vùng giá 129.000 đồng/cp. FOX +6,4%, FOC +3,4%, ELC +3,2%, SGT +4,6%, VGI +6,4%, VTK +2,7%, CMG tăng nhẹ…

Nhóm phân bón hóa chất cũng ghi nhận một số mã tăng tốt, như BFC tăng trần, DCM +4,6%, DPM +1,8%, LAS +4,8%, CSV +2%, DDV +5%... Ngược lại, DGC giảm nhẹ.

Tại các nhóm trụ cột của thị trường, các cổ phiếu biến động với tỷ lệ hẹp. Nhóm ngân hàng tăng mạnh nhất là NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) với mức tăng 4,4%. Ngân hàng này vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với lãi trước thuế 49 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lãi 8 tỷ đồng của quý 2/2023 cũng như khoản lỗ 42 tỷ đồng của quý 1/2024.

Ngoài ra còn có PGB và VAB tăng hơn 2%, BID tăng 1,8%, NAB tăng 1,7%, LPB và TPB cùng tăng 1,4%; còn lại đa phần tăng nhẹ hoặc đứng tham chiếu. Chiều giảm có EIB -1,1%, MBB và SHB giảm nhẹ.

Nhóm chứng khoán có CSI tăng mạnh 8,4%. CTS, MBS, BMS tăng hơn 2%; còn lại đa phần tăng trên dưới 1% hoặc đứng tham chiếu. Chiều giảm có VND, SHS, TVS, IVS, HBS, HAC, APG; tuy nhiên mức giảm cũng không đáng kể.

Nhóm bất động sản cũng phân hóa. QCG sau nhiều phiên nằm sàn liên tiếp đã nhận được lực cầu bắt đáy, tăng trần từ sớm lên mức giá 6.770 đồng/cp. Trong vòng một tháng qua, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai đã giảm một nửa giá trị.

Chiều tăng trong nhóm bất động sản còn có NHA tăng trần, TCH +3,9%, NTL +4,2%, IDC +1,4%, TIG +2%, VRG +4,5%, API +2,7%, VCR +4,2%, VPI +1%, BCM +1,1%; DIG, KOS, KDH, CEO, SZC, EVG, TDC… tăng nhẹ. Ngược lại, bộ đôi VHM và VRE tạo gánh nặng cho toàn nhóm, với mức giảm lần lượt 1,7% và 1,8%. Chiều giảm còn có PDR, SIP, HDG, IJC, DTD, DXG, KBC, NLG, NVL, HQC…

Nhóm thép tích cực với HPG +1,6%, NKG +1,1%, HSG +0,7%, VGS +7,5%, GDA +4,9%...

Tại các nhóm ngành khác, đáng chú ý có HVN đã “cất cánh” trở lại sau giai đoạn bị chốt lời ồ ạt. Mã tăng trần từ sớm, trở lại vùng giá 22.350 đồng/cp. Ngược lại, HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và HNG của HAGL Agrico giảm sàn sau thông tin sẽ bị hủy niêm yết. Kết phiên, HBC còn dư bán sàn hơn 13 triệu đơn vị, còn HNG dư bán sàn hơn 10,5 triệu đơn vị.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hvn-cat-canh-tro-lai-hbc-va-hng-chat-san-sau-tin-bi-huy-niem-yet-31746.html