Hy hữu: Bé gái chào đời cùng vòng tránh thai của mẹ, chuyên gia lý giải đặt vòng tránh thai vẫn có thể mang thai
Đặt vòng tránh thai là phương pháp được rất nhiều người tin tưởng áp dụng, bởi vì những hiệu quả mà chúng mang lại. Tuy nhiên vòng tránh thai vẫn có thể tụt dẫn đến trường hợp mặc dù đã đặt vòng vẫn có thể mang thai.
Bé gái chào đời… dù mẹ đặt vòng tránh thai
Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ) vừa tiếp nhận sản phụ đặt vòng tránh thai vẫn mang thai sinh con.
Theo đó, sản phụ N.T.C.T (32 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) nhập viện dự sinh với chẩn đoán con lần 2, thai 38 tuần, ngôi đầu, chuyển dạ sinh. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã theo dõi và chuyển sản phụ T lên phòng sinh. Khoảng 45 phút sau, chị T sinh thường. Bé gái nặng 3,5kg chào đời an toàn, khỏe mạnh.
Điều hy hữu là trong quá trình đỡ sinh bé, các bác sĩ phát hiện vòng tránh thai của người mẹ nằm trong bánh nhau. Sau 2 ngày, sức khỏe của mẹ và bé ổn định.
BS CKI Đào Bích Chiền (Khoa Sản phụ - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết, theo thống kê, phụ nữ đặt vòng vẫn có trường hợp mang thai nhưng rất hiếm. Trường hợp như vậy chỉ xuất hiện với tỷ lệ 2% trên thế giới. Không phải trường hợp nào như thế cũng đi đến kết cục thai kỳ an toàn. Một số trường hợp có thể sẩy thai hoặc sinh non.
Được biết, chị T từng đặt vòng tránh thai tại một cơ sở y tế. Cách đây khoảng 9 tháng, chị thấy chậm kinh nên đi khám. Siêu âm thì phát hiện vòng tránh thai đặt đúng vị trí nhưng thai vẫn làm tổ. Chị T cùng gia đình quyết định giữ thai lại và theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.
Trong quá trình mang thai, chị T lo lắng rằng vòng tránh thai sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe chị. Trước khi chuyển dạ sinh, sản phụ sợ rằng nếu không tìm thấy vòng có thể phải phẫu thuật để lấy ra.
Những điều cần biết về đặt vòng tránh thai
Vì sao phụ nữ cần đặt vòng tránh thai?
Theo BS Nguyễn Thị Thoàn (Chuyên khám và chữa bệnh Sản phụ khoa, Phòng khám Đa khoa Thái Hà – Hà Nội) cho biết, đặt vòng tránh thai là một phương pháp tránh thai an toàn. Phương pháp này được rất nhiều nữ giới lựa chọn. Đây là cách tránh thai đem lại hiệu quả cao, lên tới 97%, đồng thời có tính lâu bền kèm theo giá cả hợp lý.
Vòng tránh thai là gì?
Vòng tránh thai là một thiết bị y tế nhỏ (thường có hình chữ T) dùng để đặt vào cổ tử cung. Nó ngăn không cho trứng làm tổ ở lớp niêm mạc tử cung, đồng thời cản trở quá trình tinh trùng thụ tinh với trứng.
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều mẫu mã khác nhau của vòng tránh thai, tuy nhiên người ta chủ yếu lựa chọn vòng tránh thai chữ chứa đồng hoặc vòng tránh thai nội tiết.
Vòng tránh thai hoạt động như thế nào?
Lý giải về cơ chế hoạt động của vòng tránh thai BSCKI. Dương Ngọc Vân (Chuyên khoa Sản – Bệnh viện Medlatec) cho biết, để có tác dụng ngăn cản quá trình thụ thai diễn ra, vòng tránh thai được hoạt động dựa trên cơ chế:
Vòng tránh thai chiếm một chỗ trong buồng tử cung để ngăn cho trứng đã được thụ tinh không thể có nơi làm tổ. Làm được điều ấy là do nó có khả năng tạo ra một môi trường không thuận lợi cho phôi nang hoặc không cho phôi nang có điều kiện tiếp cận và bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ.
Những vòng tránh thai có gắn thêm đồng sẽ không cho phôi thai làm tổ ở tử cung bằng cách dùng ion đồng để tác động lên các enzym tham gia vào quá trình đục thủng và xâm nhập vào niêm mạc tử cung của phôi thai. Ngoài ra, các ion đồng còn được giải phóng mỗi ngày để làm thay đổi chất nhầy âm đạo và ngăn sự di chuyển của tinh trùng cho quá trình thụ thai không thể diễn ra.
Những loại vòng tránh thai có hormone progesterone sẽ khiến cho chất nhầy ở cổ tử cung tăng độ quánh và vì thế tinh trùng khó xâm nhập vào tử cung để thụ thai được.
Vì sao đặt vòng tránh thai vẫn có thai?
Theo ThS.BSNT Lâm Hoàng Duy (Bác sĩ Trung tâm sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết, đặt vòng tránh thai vẫn có thể mang thai do các nguyên nhân sau:
Vòng tránh thai bị tụt
Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 2-10% vòng tránh thai có thể tụt một phần hoặc tụt hoàn toàn khỏi tử cung, dẫn đến trường hợp mặc dù đã đặt vòng vẫn có thể mang thai.
Vòng tránh thai đã được đưa vào tử cung vẫn có thể tuột ra do:
Đối với tử cung, vòng là một loại dị vật. Vì vòng tránh thai có thể loại bỏ chức năng của tử cung làm cho tử cung bị co thắt khiến vòng bị tuột ra khỏi tử cung. Sau khi đặt vòng, trong những tháng đầu rất dễ xảy ra các phản ứng do chưa thích ứng nên dẫn đến hiện tượng tuột vòng. Nếu vòng không bị tuột thì sau đó tử cung sẽ dần dần thích ứng.
Thời gian đặt vòng quá lâu cũng là nguyên nhân dẫn đến bị tuột vòng. Thông thường, tỉ lệ tuột vòng chỉ chiếm từ 1-14%.
Do kỹ thuật viên không nắm rõ vị trí đặt vòng, đặt không chính xác với cơ thể của từng phụ nữ. Phụ nữ sau khi sinh non tử cung thường rất to, hoặc trong thời kỳ cho con bú chưa xuất hiện kinh nguyệt trở lại nên tử cung rất nhỏ. Tử cung quá to hoặc quá nhỏ, kỹ thuật viên nắm không vững vị trí để đặt vòng đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tuột vòng. Hoặc đặt vòng không đưa được đến tận đáy tử cung, hoặc sau khi đặt vòng xong rút dụng cụ đặt vòng không cẩn thận đã kéo vòng ra theo gần miệng cổ tử cung, hiện tượng này cũng dễ dẫn đến bị tuột vòng.
Do sa tử cung, cổ tử cung bị tổn thương nên khi đặt vòng cũng dễ bị tuột.
Do kích thước của tử cung và kích cỡ vòng tránh thai không phù hợp.
Do chất lượng và hình dáng của vòng, như vòng rỗng thì chất lượng kém, vòng hỗn hợp nhựa kim loại dễ bị tuột, vòng kim loại có chất lượng mềm nên cũng dễ bị tuột.
Tỉ lệ tuột vòng cao nhất là trong 3 tháng đầu sau khi đặt, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt, cổ tử cung luôn mở để cho kinh nguyệt chảy ra ngoài nên vòng cũng dễ bị tuột theo. Thời gian lâu dần thì vòng đã thích ứng trong tử cung nên tỉ lệ bị tuột cũng giảm dần.
Vòng tránh thai chưa hoạt động
Trong thời gian đầu sau khi đặt vòng, có thể tử cung vẫn chưa "thích nghi" hoàn toàn. Ngoài việc đau bụng và rong huyết làm ảnh hưởng đến "chuyện vợ chồng" ra thì việc tụt vòng cũng làm giảm hiệu quả ngừa thai. Do đó, nếu trong khoảng thời gian này, ít nhất là 3 đến 7 ngày, vợ chồng tốt nhất nên tránh quan hệ hoặc nên sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ khác như bao cao su sẽ tránh thai tốt hơn.
Vòng tránh thai bị hết hạn
Vòng tránh thai có thời gian sử dụng nhất định. Do đó, phụ nữ có thể mang thai khi sử dụng vòng quá hạn sử dụng theo khuyến cáo.
Các dấu hiệu nhận biết nhận biết đặt vòng tránh thai bị tuột
Trong một số trường hợp, khi vòng di chuyển ra khỏi vị trí, nó sẽ rơi ra hoàn toàn. Trường hợp khác, nó chỉ thay đổi vị trí.
Việc vòng tránh thai bị tuột có thể gây ra một số triệu chứng nhưng cũng có khi nó không có dấu hiệu nào khiến chị em không phát hiện ra.
Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, lúc ngắn lúc dài.
Chảy máu âm đạo.
Đau bụng bất thường.
Dịch âm đạo bất thường
Nếu chị em thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào trong 3 tháng đầu sau khi đặt vòng, cần kiểm tra ngay.
Dấu hiệu mang thai sau đặt vòng tránh thai
Cũng theo ThS.BSNT Lâm Hoàng Duy, không giống các biện pháp ngừa thai khác, vòng tránh thai ít gây ra thay đổi đáng kể trong cơ thể. Cụ thể, quá trình rụng trứng ở phụ nữ vẫn diễn ra bình thường, nội mạc tử cung vẫn tiếp tục phát triển, phụ nữ vẫn có hiện tượng kinh nguyệt mỗi tháng. Tuy nhiên có thể trong thời gian đầu sau khi đặt vòng, kinh nguyệt của chị em có thể bị ít hơn hoặc nhiều hơn so với bình thường, sau một vài chu kỳ, kinh nguyệt sẽ trở về như bình thường.
Cơ chế hoạt động của vòng tránh thai là ngừa thai bằng cách ngăn không cho trứng và tinh trùng gặp nhau. Tuy nhiên, một số phụ nữ đặt vòng tránh thai mà vẫn mang thai. Trong trường hợp này, chị em vẫn có những triệu chứng mang thai bình thường. Do đó, chị em có thể lưu ý những dấu hiệu mang thai sớm sau đây:
Bị chậm kinh.
Ốm nghén, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ.
Đau vùng bụng dưới.
Nhiệt độ cơ thể tăng lên.
Cảm thấy ăn quá nhiều hoặc chán ăn, ăn không ngon miệng.
Thai nhi có bị ảnh hưởng khi đặt vòng tránh thai vẫn có thai không?
Một số chia sẻ của bác sỹ chuyên khoa cho rằng khi đặt vòng tránh thai có thể xảy ra một số rủi ro:
Vòng tránh thai gây tình trạng sảy thai
Trường hợp đặt vòng vẫn có thai sẽ có thể bị sảy trong vòng 20 tuần đầu tiên của thai kỳ. Đây chính là một trong những nguy cơ hàng đầu mà các chị em sẽ phải đối mặt hiện nay.
Khi nhận thấy dấu hiệu của việc mang thai cần đến bệnh viện để khám sớm để nhận được tư vấn. Tùy theo trường hợp mà có thể sẽ thực hiện lấy vòng ra ngoài để giảm thiểu tối đa rủi ro mà chị em có thể gặp phải.
Vòng tránh thai gây mang thai ngoài tử cung
Việc đặt vòng tránh thai có thể dẫn đến mang thai ngoài tử cung. Nhiều bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo chị em cần phải chú ý đến triệu chứng của thai ngoài tử cung đó là:
Đau nhói ở khu vực vùng bụng, vùng chậu.
Xuất huyết quá nhiều.
Đau dữ dội một bên của bụng.
Bị chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Vòng tránh thai gây khả năng sinh non cao
Nếu giữ vòng tránh thai khi mang thai cũng sẽ làm tăng khả năng sinh non lên mức cao. Thường sẽ trước 37 tuần của thai kỳ so với các phụ nữ mang thai bình thường.
Do đó bác sĩ cho rằng, chị em nên lấy vòng tránh thai ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt khi đã phát hiện đặt vòng vẫn có thai. Ngoài ra, một số rủi ro có thể xảy ra trong quá trình mang thai đó là:
Thai phụ có thể bị vỡ ối sớm trước khi bắt đầu chuyển dạ.
Bong nhau thai có thể một phần hoặc toàn bộ.
Tình trạng nhau tiền đạo 1 phần hoặc toàn bộ tử cung.
Viêm nhiễm ở vùng chậu.
Em bé sinh ra sẽ bị nhẹ cân.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với hormone có trong vòng tránh thai cũng có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi sau này. Một số báo cáo bất thường có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh đó là: Quá trình tiếp xúc với mức độ proestin tăng lên có liên quan đến khả năng tăng cường nam tính hóa cơ quan sinh dục bên ngoài ở thai nhi.
Có nên giữ thai khi đặt vòng tránh thai vẫn có thai?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc đặt vòng vẫn có thai chị em vẫn có thể giữ và tiếp tục thai kỳ. Trừ trường hợp đang mang thai ngoài tử cung. Nếu muốn giữ thai, cần phải thường xuyên thăm khám để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Trong quá trình thăm khám bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và thăm khám ở vùng chậu. Siêu âm và kiểm tra tình trạng thai nhi, vị trí vòng tránh thai trong tử cung và những chỉ định liên quan đến tháo vòng tránh thai. Việc thực hiện tháo vòng cũng đôi khi xảy ra rủi ro sảy thai trong quá trình tháo.
Do đó trước khi thực hiện quá trình tháo vòng tránh thai bác sĩ sẽ đưa ra những khuyến cáo, thảo luận với gia đình để cân nhắc việc tháo vòng cho thai phụ. Nếu trường hợp vòng tránh thai đã bị mất dây, bác sỹ sẽ tư vấn đề một số nguy cơ và đồng theo dõi thai kỳ cùng gia đình.
Cùng đó, phụ nữ mang thai cần phải chú ý về việc khám thai theo định kỳ và lịch hẹn của bác sĩ. Từ đó, theo dõi được chặt chẽ sức khỏe của thai nhi và mẹ. Một số các kiểm tra, đánh giá, siêu âm, xét nghiệm sẽ giúp phát hiện những bất thường từ thai phụ và có phương pháp can thiệp kịp thời.
Những câu hỏi liên quan đến đặt vòng tránh thai
Thời điểm nào nên đặt vòng tránh thai?
Khi phụ nữ vừa sạch kinh ngày đầu tiên, lưu ý là không quan hệ tình dục trong thời gian này.
Với phụ nữ sau khi sinh em bé được 6 tuần và chưa quan hệ tình dục, phương pháp này cũng được tiến hành khi vừa sạch kinh.
Phụ nữ sau khi bỏ thai, sảy thai thì phải đợi sau chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện trở lại.
Phụ nữ sinh mổ chỉ nên thực hiện phương pháp này nếu các biện pháp khác không đem lại hiệu quả, họ phải chờ ít nhất 3 tháng sau sinh để các tổn thương lành lặn.
Đặt vòng tránh thai có đau không?
Phần lớn đều cho rằng khi đặt vòng tránh thai chỉ có một chút nhói diễn ra trong lúc đặt vòng, cơn đau sẽ ít hơn và chấm dứt sau khi kết thúc.
Quy trình đặt vòng diễn ra khá nhanh chỉ khoảng 15 phút, không đau, đơn giản, nhẹ nhàng.
Để kiểm soát tốt, khuyến khích chị em nên đến các cơ sở ý tế uy tín để được khám trước khi đặt vòng.
Dấu hiệu của đặt vòng tránh thai không hợp
Rong kinh, ra máu kéo dài.
Đau bụng.
Đau lưng.
Viêm nhiễm vùng kín.
Ảnh hưởng đến nội tiết tố.
Vòng bị rơi, tuột ra ngoài.
Sau khi đặt vòng tránh thai cần lưu gì những gì?
Cần thực hiện đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Cần nghỉ ngơi trong tuần đầu tiên, tránh đi lại nhiều, lên xuống cầu thang hoặc mang vác các vật nặng.
Sau khoảng 2-4 tuần đặt vòng, nữ giới nên tái khám để kiểm tra vị trí vòng.
Không nên áp dụng thêm một biện pháp tránh thai nào khác khi đã đặt vòng tránh thai.
Chống chỉ định đặt vòng tránh thai cho những ai?
Đặt vòng tránh thai là phương pháp tránh thai được rất nhiều cặp vợ chồng lựa chọn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đặt vòng tránh thai. Nếu như nữ giới thuộc một trong những trường hợp sau không nên đặt vòng:
Người mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, nhất là bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Người đang mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
Người có tiền sử mang thai ngoài tử cung, rong kinh, rong huyết, tử cung dị dạng, các bệnh ác tính đường sinh dục.
Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai.
Phụ nữ mắc bệnh lý van tim, sa sinh dục, mẫn cảm với chất đồng.
Đặt vòng tránh thai có gây ra các tác dụng phụ?
Đặt vòng gây ra các tác dụng phụ như:
Rối loạn kinh nguyệt.
Ra khí hư nhiều hơn.
Ra máu, đau bụng kinh nhiều hơn.
Kỳ kinh dài hơn.
Đặt vòng tránh thai bao lâu thì quan hệ được?
Theo bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Medlatec, trong vòng 1-3 ngày sau khi đặt vòng tránh thai, chị em cần nghỉ ngơi, chỉ thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng để vòng ổn định.
Bên cạnh đó, chị em cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín hàng ngày, không thụt rửa âm đạo. Tuân thủ đúng những chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ như cũng như uống thuốc được chỉ định.
Sau khi đặt vòng có thể sẽ có viêm nhẹ ở tử cung và âm đạo nên kiêng quan hệ từ 7-10 ngày để vòng ổn định và tạo thời gian cho cơ thể thích nghi. Sau khoảng thời gian trên vợ chồng có thể quan hệ bình thường, tuy nhiên cần tránh những tư thế mạnh vì có thể làm vòng lệch vị trí.
Có thể tự kiểm tra vị trí vòng tránh thai tại nhà được không?
Trong trường hợp lo lắng vòng tránh thai bị tụt ra ngoài, chị em có thể tự kiểm tra tại nhà bằng cách dùng tay đặt vào âm đạo để cảm nhận vị trí và độ dài của dây so với ban đầu:
Nếu dây dài hoặc ngắn hơn so với lúc đầu, tức là vòng đã bị lệch.
Nếu không sờ thấy dây, có khả năng dây bị tụt khỏi vị trí đặt vòng.
Nếu sờ thấy dây nhưng dây bị đứt, đó là dấu hiệu bất thường cần đến ngay bệnh viện để được hỗ trợ.
Trước khi kiểm tra nên vệ sinh tay và vùng kín sạch sẽ, tránh mang mầm bệnh bên ngoài vào trong âm đạo. Ngoài ra, chị em có thể lưu ý những dấu hiệu tụt vòng bên trên để nhận biết sớm và xử trí kịp thời.
Nên đặt vòng hay cấy que tránh thai?
Đặt vòng tránh thai hay cấy que tránh thai đều là những biện pháp giúp ngừa thai vô cùng hiệu quả, an toàn, sử dụng được lâu dài và cũng như rất phổ biến hiện nay. Đặt vòng hay cấy que tránh thai thực sự không có cái nào tốt hơn cái nào, mỗi phương pháp đều đi kèm những ưu điểm và khuyểt điểm riêng. Việc lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp là hoàn toàn phụ thuộc và những mong muốn, yếu tố kinh tế của mỗi chị em.
Chi phí đặt vòng tránh thai
Trung bình chi phí cho một lần đặt vòng tránh thai vào khoảng 300.000 - 1 triệu đồng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: thăm khám sức khỏe ban đầu, địa điểm thực hiện, tình trạng sức khỏe phụ khoa, loại vòng tránh thai…
Đặt vòng tránh thai ở đâu?
Khi lựa chọn địa chỉ đặt vòng tránh thai, cần tìm đến bệnh viện hay phòng khám uy tín có chuyên khoa phụ sản với có đội ngũ y bác sĩ giỏi, hệ thống máy móc hiện đại và trang thiết bị tân tiến. Đặc biệt, đơn vị đó phải công khai minh bạch chi phí thực hiện và những khoản dự định phát sinh nếu có.