Hy hữu ngân hàng chuyển nhầm 176 triệu USD cho khách trong đêm Giáng sinh
Hàng chục nghìn khách hàng của ngân hàng Anh Santander đã nhận được 'món quà' đầy bất ngờ với tổng giá trị lên tới 176 triệu USD trong đêm Giáng sinh. Tuy nhiên, phía ngân hàng Anh cho biết đây là sự cố giao dịch.
Trong thông báo vừa phát đi, đại diện ngân hàng Santander cho biết số tiền 130 triệu bảng Anh (tương đương 176 triệu USD) đã được thực hiện bằng 75.000 giao dịch cho khoảng 2.000 khách hàng trong đêm ngày 25/12.
Ngân hàng Santander cho biết vụ việc là do lỗi kỹ thuật. Ảnh: CNBC.
“Chúng tôi rất xin lỗi vì lỗi kỹ thuật, một số khoản thanh toán của các khách hàng doanh nghiệp đã bị thực hiện lặp lại nhiều lần”, thông báo viết. “Chúng tôi sẽ làm việc với các ngân hàng khác trên khắp nước Anh để thu hồi toàn bộ số tiền trong những ngày tới”.
Santander cho biết đây là các khoản thanh toán tiền lương đã được hẹn lịch từ trước nhưng do lỗi kỹ thuật nên các giao dịch bị lặp lại nhiều lần. Những giao dịch này gồm cả loại trả một lần và trả định kỳ, như thanh toán tiền cho nhà cung cấp hay trả lương cho nhân viên của các doanh nghiệp.
Theo truyền thông địa phương, một số nhân viên của các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương tại Santander đã nhận được số tiền gấp đôi, trong khi các nhà cung cấp của doanh nghiệp nhận được những khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với thông thường.
Dù vậy, nhà băng Anh cho biết họ đã “nhanh chóng phát hiện và khắc phục” sự cố. Ngoài ra, Santander đang tìm cách thu hồi số tiền này từ các ngân hàng nhận thông qua “’quy trình khắc phục lỗi kỹ thuật” và cần một số quy trình riêng để thu hồi số tiền bị chuyển nhầm.
Santander là chi nhánh tại Anh của Banco Santander – nhà băng có trụ sở tại Tây Ban Nha. Tại Anh, Santander hiện có khoảng 14 triệu khách hàng và 616 chi nhánh, theo thông tin trên website.
Dù 176 triệu USD là khoản tiền lớn, sai lầm của Santander vẫn chưa phải là lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng. Năm ngoái, ngân hàng nổi tiếng Citibank còn chuyển nhầm tới 900 triệu USD cho các chủ nợ của hãng mỹ phẩm Revlon. Vụ việc bị đưa ra tòa tháng 8/2020 để cố lấy lại 500 triệu USD mà các chủ nợ không muốn hoàn trả. Dù vậy, hồi tháng 2, một tòa án ở Mỹ phán quyết Citibank không được phép thu hồi số tiền này.
Hương Vũ (Theo CNBC)