Hy sinh đổi lấy tin yêu vô bờ
Gia đình chồng tôi thường kể nhau nghe câu chuyện về ông tiến sĩ trời Tây bán bánh nuôi vợ con suốt mười hai năm trời. Nhân vật chính trong câu chuyện không ai xa lạ mà chính là bố chồng tôi.
Chiều nay, mời bạn nghe câu chuyện của Ngọc Thanh gửi về cho Hường.
Ông bà nội tôi là gia đình tư sản tri thức Hà Thành, di cư vào TP HCM từ những năm 54. Bố là con trai duy nhất trong nhà tám anh chị em. Vào Nam không lâu, bố sang Pháp du học lấy bằng tiến sĩ kinh tế và làm việc tại nhiều nước bên châu Âu trong hai mươi năm dài. Cuộc sống trời Tây xa hoa hào nhoáng, bố vẫn quay quắt nhớ quê nhà đặc biệt là người mẹ ngày đêm trông ngóng. Lần bà nội bệnh nặng, bố quyết bỏ hết tất cả về bên gia đình.
Lúc đó ông bà nội sống trong ngôi biệt thự rộng lớn ở khu vực gần Lăng Cha Cả cùng các cô con gái. Trở về, bố là cậu ấm tri thức, rủng rỉnh tiền bạc không phải lo công ăn việc làm, suốt ngày ngao du để làm quen Sài Thành. Bà nội cưng bố hết mực. Bố kể có hôm đi chơi về khuya, bà nội không la mắng mà còn sai người hâm nóng canh hầm cho bố.
Bấy giờ mẹ chồng tôi từ quê vào Sài Gòn kiếm việc cùng người em họ. Được người giới thiệu, mẹ chăm sóc vườn cây cho ông bà nội. Mẹ chăm chỉ, được nết lại đẹp người. Bố kể mẹ có mái tóc đen mượt dài óng ả, môi trái tim căng mọng, mày lá liễu cong vút. Bố ngày qua ngày đứng trên lầu ngắm mẹ làm việc, dù chưa chạm mặt nhưng bố đã vấn vương trong lòng. Được sự động viên của người bạn am tường tướng số, nói mẹ chính là duyên số của bố, bố chủ động làm quen. Ban đầu mẹ mặc cảm thân phận ra sức từ chối. Nhưng với sự kiên trì của bố dần dần mẹ cũng xiêu lòng.
Khi bố tính chuyện trăm năm, ông nội và các chị em của bố kịch liệt phản đối do không môn đăng hộ đối, bà nội bị bệnh đã theo ông bà tổ tiên, không ai ủng hộ bố mẹ thành đôi. Mẹ thoái chí muốn chia lìa. Bố nhất định không chịu, bỏ danh phận cậu ấm, tay trắng đưa mẹ ra ngoài xây dựng cuộc sống mới. Bố nói đám cưới của bố mẹ không có người thân, bên gia đình mẹ ai cũng nghèo không có tiền đi quãng đường tám chín trăm cây số. Nhà bố không ai đồng ý nên chẳng có mặt, chỉ có người bạn của bố và người em họ của mẹ làm chứng. Tiệc cưới được mỗi con vịt quay cho chủ khách.
Bố đi tìm việc trớ trêu là không đâu nhận vì bằng do Pháp cấp lúc bấy giờ không ai dùng. Không còn cách nào, bố theo lời người hàng xóm tới các lò bánh mua về rồi đi bán lại. Một tiến sĩ du học bên Tây thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, từng làm quản lý cho các công ty bên châu Âu, nay còng lưng trên xe đạp đi khắp ngõ ngách Sài Gòn bán bánh từ tinh mơ đến tối mịt. Chồng tôi kể, suốt mười hai năm bố không nghỉ ngày nào, dù tối hôm trước mắc mưa cảm sốt, hôm sau bố vẫn thức dậy đúng bốn giờ sáng, đến các lò lấy bánh bán cho bằng hết mới về nhà.
Có lần, trước đêm diễn của nghệ sĩ Vũ Linh nổi tiếng đình đám lúc bấy giờ, đinh ninh khán giả tới rạp coi đông sẽ bán được nhiều, bố mua gấp đôi ngày thường. Gần giờ diễn mà rạp vắng tanh mới hay đoàn hủy diễn mà bố không biết. Bố đạp ra bến xe miền Đông, mời ông đi qua bà đi lại cho họ ăn thử mới vơi được số bánh.
Tới khi sinh đứa con thứ tư, ông nội mới cho cả nhà quay về, giao sản nghiệp lại cho bố, bù đắp mười hai năm trường vất vả. Mẹ cả đời quanh quẩn trong nhà, một tay thu vén, chăm sóc sáu đứa con chu đáo không để bố bận tâm chuyện gia đình. Mọi chuyện mẹ đều nghe theo bố, đôi lúc bố có làm theo ý mình, mẹ cũng chiều. Mẹ nói tình nghĩa và sự hy sinh của bố khiến mẹ tin yêu bố vô bờ.
Những ngày nằm trên giường bệnh thần trí mơ hồ, mẹ quên mặt con cái nhưng miệng lúc nào cũng gọi tên bố. Chỉ cần bố lên tiếng tôi đây là mẹ yên tâm chìm vào giấc ngủ. Giật mình choàng tỉnh, mẹ hớt hải nhìn quanh xem bố có kề bên. Ai vào nhà cũng thấy hai chiếc giường, một cho mẹ và một cho bố bên cạnh. Hai mái đầu bạc phơ luôn tựa vào nhau từ thanh xuân cho đến tuổi xế chiều./.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/hy-sinh-doi-lay-tin-yeu-vo-bo-232870.htm