Hy sinh hơn 70 năm vẫn chưa được công nhận liệt sỹ

Ông Nguyễn Văn Huệ hy sinh hơn 70 năm qua nhưng vẫn chưa được công nhận liệt sỹ, nguyên nhân là những người cùng thời không còn ai để chứng minh...

Đã gần 70 năm trôi qua, kể từ khi ông Nguyễn Văn Huệ tại xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Thế nhưng, đến nay, ông Nguyễn Văn Huệ vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Gia đình ông nhiều năm "gõ cửa" cơ quan chức năng nhưng chỉ nhận lại câu trả lời: Không còn nhân chứng lịch sử để xác minh. Câu trả lời đó liệu có thiếu trách nhiệm với gia đình ông Nguyễn Văn Huệ?

Bà Trần Thị Ngọc Điệp cho biết: "Cuối năm 2019, trước khi mất, mẹ tôi luôn nhắc nhở phải làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho cậu Huệ".

Bà Trần Thị Ngọc Điệp cho biết: "Cuối năm 2019, trước khi mất, mẹ tôi luôn nhắc nhở phải làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho cậu Huệ".

Hơn 70 năm gia đình chờ đợi trong mỏi mòn

Kể về câu chuyện mẹ mình đi tìm công bằng cho anh trai Nguyễn Văn Huệ, bà Trần Thị Ngọc Điệp (sinh năm 1968) đang sống tại TP.HCM không kìm được cảm xúc. Bà Điệp cho biết, nhà bà có 3 người tham gia kháng chiến chống Pháp, gồm 2 người anh của mẹ mình là ông Nguyễn Văn Huệ, ông Nguyễn Văn Cánh (hy sinh và đã được công nhận liệt sĩ) và mẹ bà là Nguyễn Thị Vấn.

Bà Điệp thông tin, ông Nguyễn Văn Huệ, hy sinh ngày 2/2/1949 (tức mùng 5 Tết) trong khi đang làm nhiệm vụ trên quốc lộ 13, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Ông bị địch phục kích, gài mìn nổ mất xác. Những năm tháng chiến tranh triền miên gia đình không ai yêu cầu làm giấy chứng tử cho ông Huệ. Rồi bẵng đi, sau chiến tranh nhiều năm cũng chưa làm thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông.

Giấy xác nhận của ông Thành chứng minh ông Huệ là cấp dưới của mình.

Giấy xác nhận của ông Thành chứng minh ông Huệ là cấp dưới của mình.

Năm 2018, gia đình tìm được giấy xác nhận của ông Nguyễn Chí Thành (đã mất), lúc đó là Trưởng Công an huyện Bến Cát, sau đó làm Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương), khẳng định ông Huệ là cán bộ công an cùng hoạt động với ông Thành. Trong giấy xác nhận, ông Thành khẳng định, ông Nguyễn Văn Huệ là liệt sĩ của Công an huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một, sau đó là tỉnh Sông Bé. Dựa vào giấy xác nhận đó, gia đình làm đơn gửi Công an tỉnh Bình Dương.

Qua xác minh, trong hồ sơ lưu trữ cán bộ của ngành công an không có tên ông Huệ. Cho nên, Công an tỉnh Bình Dương đã gửi công văn xin ý kiến Cục Tổ chức cán bộ-Bộ Công an và nhận được phản hồi "chưa có đủ tài liệu xác định ông Nguyễn Văn Huệ là cán bộ công an hy sinh".

 Cục Tổ chức cán bộ-Bộ Công an trả lời không đủ tài liệu xác định ông Huệ là cán bộ công an hy sinh nên hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo Thông tư 28/2013 của Bộ LĐ-TB-XH.

Cục Tổ chức cán bộ-Bộ Công an trả lời không đủ tài liệu xác định ông Huệ là cán bộ công an hy sinh nên hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo Thông tư 28/2013 của Bộ LĐ-TB-XH.

Cục Tổ chức cán bộ-Bộ Công an đề nghị Công an tỉnh Bình Dương hướng dẫn thân nhân ông Huệ thu thập hoàn chỉnh tài liệu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ không còn giấy tờ tại nơi ông Huệ cư trú trước khi tham gia cách mạng là UBND xã An Điền xem xét giải quyết theo đúng quy định.

Gia đình những tưởng chỉ cần về xã An Điền xác minh là mọi chuyện xong xuôi, nhưng sau đó là cả một hành trình gian nan. Những thông tin gia đình yêu cầu xã hỗ trợ không có hồi âm. Gia đình xuống hỏi thì nhận được câu trả lời đang xem xét, không đủ dữ liệu, không có người làm chứng.

Hiện nay, dù ốm đau, bệnh tật nhưng bà Điệp vẫn làm đơn gửi các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi chính đáng cho ông Huệ.

 Lịch sử truyền thống xã An Điền có ghi chép lại hoạt động của ông Huệ trong kháng chiến nhưng địa phương cho rằng chưa đủ căn cứ vì không ghi rõ họ tên.

Lịch sử truyền thống xã An Điền có ghi chép lại hoạt động của ông Huệ trong kháng chiến nhưng địa phương cho rằng chưa đủ căn cứ vì không ghi rõ họ tên.

“Cậu tôi không được hưởng chế độ đền ơn đáp nghĩa với người liệt sĩ. Tôi rất khổ tâm nên đề nghị các cấp xét duyệt xác nhận liệt sĩ cho cậu tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ”, bà Điệp buồn bã nói.

Điệp khúc cũ… địa phương than khó

Xác nhận với phóng viên VOV, lãnh đạo UBND xã An Điền cho biết, địa phương có nhận được công văn của Công an tỉnh Bình Dương tiến hành xác minh công nhận liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Huệ. Qua xác minh, ông Huệ không có tên trong danh sách liệt sĩ lưu tại địa phương; không có giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lí ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu như quy định của Thông tư liên tịch số 28/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, cán bộ lao động-thương binh và xã hội xã An Điền cho biết, hiện nay những người cùng thời với ông Huệ đều đã không còn để chứng minh.

Ông Nguyễn Văn Hòa, cán bộ lao động-thương binh và xã hội xã An Điền trả lời phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hòa, cán bộ lao động-thương binh và xã hội xã An Điền trả lời phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Làm công tác thương binh gần 20 năm, không thấy gia đình lên đây trao đổi làm hồ sơ. Nếu làm lúc đó thì sẽ làm được thủ tục công nhận liệt sĩ. Ở cấp độ địa phương thì có giấy chứng tử sẽ làm hồ sơ một cách nhanh chóng nhưng trường hợp này không có gì hết”, ông Hòa nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong sách “Lịch sử truyền thống xã An Điền” xuất bản năm 1998 có nhắc đến ông Hai Huệ (con ông Cả Huê) làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời xã An Điền. Thế nhưng, UBND xã An Điền lại cho rằng, sách sử chỉ ghi ông Hai Huệ không ghi rõ ông Nguyễn Văn Huệ nên khó chứng minh hai người là một (!?) Mặt khác, trong sách không ghi rõ ông Huệ hy sinh như thế nào nên không có căn cứ lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ.

Với thông tin do phóng viên cung cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Hải- Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, lịch sử địa phương ghi lại ông Huệ khi đó là cán bộ lãnh đạo xã thì đã có cơ sở để lập hồ sơ công nhận liệt sĩ theo Thông tư liên tịch số 28/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng. Trách nhiệm của xã An Điền là xác minh, hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, hướng dẫn các bước tiếp theo.

“Trong lịch sử đảng bộ xã có ghi nhận trường hợp ông Nguyễn Văn Huệ tham gia kháng chiến nhưng lại không ghi rõ tên nên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị địa phương xác nhận hai tên là một. Hồ sơ công nhận liệt sĩ phải đi từ địa phương. Địa phương thực hiện các bước ban đầu”, bà Hải nói.

Dẫu biết giải quyết thủ tục công nhận liệt sĩ khi không có giấy báo tử, nhân chứng để xác minh thì đòi hỏi phải rất thận trọng và là việc không dễ. Tuy nhiên, ở trường hợp ông Huệ trong “Lịch sử truyền thống xã An Điền” đã ghi tên, chức vụ thì việc xác định dù hai tên nhưng thực chất là chỉ cùng một người để làm hồ sơ công nhận liệt sĩ là điều không phải quá khó./.

Thiên Lý/VOV-TPHCCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hy-sinh-hon-70-nam-van-chua-duoc-cong-nhan-liet-sy-1067507.vov