Hy vọng đánh bại Nga ngày càng lu mờ, Ukraine có chọn đàm phán hòa bình?
Trái với bối cảnh lạc quan cách đây 6 tháng về việc đánh bại Nga, việc giành lại Donbass và Crimea bắt đầu lu mờ, liệu Kiev có cân nhắc đến một lệnh ngừng bắn và xa hơn là đàm phán hòa bình với Moscow?
Triển vọng đánh bại Nga ngày càng lu mờ
Cuộc phản công được kỳ vọng cao của Ukraine mùa hè vừa qua đã bị cản bước bởi các bãi mìn và phòng tuyến kiên cố của Nga. Trong khi đó, có nhiều suy đoán về những bất đồng trong đội ngũ của Tổng thống Volodymyr Zelensky khi nhà lãnh đạo Ukraine sa thải Tư lệnh Quân Y và kêu gọi thay đổi hoạt động của quân đội.
Giữa bối cảnh tổn thất của Ukraine tiếp tục gia tăng trên chiến trường và sự thất vọng ngày càng lớn ở các nước phương Tây về nhịp độ tấn công của Kiev, đã có những tiếng nói kín đáo bày tỏ quan điểm về khả năng của một lệnh ngừng bắn, ngay cả khi thỏa thuận đó có thể mang lại lợi thế cho Nga.
"Vào cuối năm ngoái và đầu năm nay là bầu không khí lạc quan cho Ukraine nhưng bây giờ chúng ta đang thấy xu hướng ngược lại. Tôi dự đoán chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thăng trầm trong thời gian tới", Bartosz Cichocki, cựu Đại sứ Ba Lan tại Ukraine cho hay.
Trong khi đó, cuộc chiến ở Trung Đông đã phân tán sự chú ý vào cuộc xung đột ở Ukraine và làm chậm nguồn cung đạn dược cho Kiev. "Sự mệt mỏi vì Ukraine" ngày càng gia tăng ở phương Tây. Bên cạnh đó, khả năng về một nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có thể tác động đến sự ủng hộ của Washington - đồng minh lớn nhất của Kiev.
Sáng 20/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến Kiev trong một chuyến thăm không thông báo nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Washington. Tuy nhiên, việc nối lại các gói hỗ trợ cho Ukraine vẫn gặp khó khăn ở Quốc hội do lập trường phản đối của đảng Cộng hòa. Nhiều người lo ngại việc thông qua các gói hỗ trợ cho Kiev sẽ chỉ càng thêm khó khăn khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cận kề.
Dù vậy, trên chiến trường, gần đây Ukraine đã đạt được một số bước tiến đáng chú ý. Theo đó, quân đội Ukraine đã giành được các vị trí ở bờ Đông sông Dnipro thuộc khu vực Kherson ở phía Nam nhằm mở đường tiến về Crimea. Ngoài ra, các lực lượng của Kiev cũng tăng cường nhắm vào Hạm đội Biển Đen của Nga. Về mặt ngoại giao, EU thông báo kế hoạch bắt đầu tiến hành các cuộc trao đổi về tư cách thành viên của Kiev.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh Ukraine đối mặt với một mùa đông nữa tiếp tục bị Nga tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, sự lạc quan cách đây 6 tháng về việc đánh bại Moscow, giành lại Donbass và Crimea bắt đầu lu mờ.
"Đó sẽ không phải là chiến thắng chúng ta mơ ước và cuộc xung đột này sẽ kéo dài hơn so với những gì chúng ta dự đoán", Volodymyr Omelyan, cựu Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng, người hiện là chỉ huy một đội quân của Ukraine cho hay.
Một số ý kiến cho rằng sẽ không có nền hòa bình lâu dài và bất kỳ lệnh ngừng bắn nào đều sẽ được Nga tận dụng để tái vũ trang. Theo The Guardian, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người dân Ukraine phản đối đàm phán với Nga, đặc biệt liên quan đến các vùng lãnh thổ bị mất.
Trong khi đó, các lực lượng của Ukraine chiến đấu từ khi xung đột nổ ra đã dần kiệt sức. Khó khăn trong việc huy động tân binh và cuộc phản công mùa hè nhằm giành lại lãnh thổ không thành công gần đây làm dấy lên một số tiếng nói thận trọng về việc Ukraine cần thay đổi chiến thuật.
"Nếu chúng ta sẵn sàng điều động thêm 300.000 - 500.000 binh lính Ukraine để giành lại Crimea và giải phóng Donbass; nếu chúng ta có đủ số lượng xe tăng cũng như tiêm kích F-16 từ phương Tây thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó. Nhưng chúng ta tìm đâu ra 500.000 người sẵn sàng tử trận và tôi cũng không nhận thấy có dấu hiệu sẵn sàng từ phương Tây để cung cấp các loại vũ khí với đủ số lượng mà chúng tôi cần", ông Omelyan nói.
Ukraine có chọn đàm phán hòa bình?
Một lựa chọn khác, theo ông Omelyan sẽ là "một thỏa thuận ngừng bắn để tạo nên những cải cách lớn như trở thành thành viên NATO và EU. Sau đó, Nga sẽ sụp đổ và chúng ta sẽ giành lại Crimea và Donbass".
Đây có vẻ là một suy nghĩ lạc quan nhưng Tổng thống Zelensky đã tuyên bố, bất kỳ nỗ lực đàm phán nào sẽ chỉ mang lại lợi thế cho Nga và giúp điện Kremlin đạt được mục đích.
Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, thừa nhận đây là một giai đoạn khó khăn của cuộc xung đột nhưng khẳng định, giai đoạn này đòi hỏi sự tập trung mạnh mẽ nhất để vượt qua.
"Tôi sẽ làm rõ rằng, không có lựa chọn cho những cuộc đàm phán thực sự. Tất cả điều đó sẽ trở thành một khoảng nghỉ của chiến dịch. Nga sẽ sử dụng nó để cải thiện đáng kể quân đội, tiến hành các đợt huy động lực lượng mới và sau đó lại tiến hành giao tranh với những hậu quả còn tồi tệ hơn cho Ukraine", quan chức này nhận định.
Trong khi đó, cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ở Trung Đông đồng nghĩa với việc lần đầu tiên kể từ tháng 2/2022, Ukraine không còn là vấn đề chính trong chính sách đối ngoại của nhiều nhà lãnh đạo phương Tây. Bên cạnh đó, cuộc chiến này cũng khiến cho nguồn cung đạn dược cho Ukraine suy giảm và làm tồi tệ hơn những khó khăn, thiếu thốn mà các lực lượng của Kiev đang gặp phải.
Chỉ còn 1 năm nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Khả năng quay lại của cựu Tổng thống Donald Trump, người tuyên bố ông có thể nhanh chóng tiến hành một thỏa thuận để chấm dứt xung đột, là một dấu hiệu báo động với nhiều người ở Kiev.
Trước công chúng, các quan chức vẫn tự tin rằng sự ủng hộ từ Nhà Trắng sẽ tiếp tục bất kể ai nắm quyền nhưng trong những cuộc trao đổi kín, họ đã bày tỏ lo ngại về những kịch bản nếu ông Trump trở thành tổng thống.
Thậm chí cả khi ông Trump chưa quay lại, đảng Cộng hòa đã khiến chính quyền Tổng thống Biden "đau đầu" trong chính sách với Ukraine. Quốc hội Mỹ đã không thể thông qua dự luật mới về khoản hỗ trợ cho Ukraine hồi tháng 9 do sự phản đối từ đảng Cộng hòa. Ông Andriy Yermak - Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới Washington vào tuần trước để gặp các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ với hy vọng sẽ thuyết phục họ nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.