Hy vọng EC sớm gỡ thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam

Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng đối với thủy sản ngày 23-10-2017, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã vào cuộc, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU). Những nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam đã đem lại kết quả rất tích cực được các đoàn kiểm tra của EC ghi nhận các đợt kiểm tra trước đây. Hiện nay, đoàn thanh tra của EC đang có mặt tại Việt Nam để đánh giá những kết quả thực hiện khuyến nghị của EC về IUU.

Triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Với mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và trước mắt là gỡ thẻ vàng của EC, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc. Cụ thể, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành Văn bản số 81-CV/TW ngày 20-3-2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách tại địa phương.

Đồng thời, lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu về cam kết, nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam về chống khai thác IUU. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 4 công điện, 3 quyết định và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chủ trì hai cuộc họp trực tuyến với các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan và địa phương; chỉ đạo trực tiếp đến cấp xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã có biển của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương...

 Tàu đánh cá khai thác thủy sản sai quy định bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ.

Tàu đánh cá khai thác thủy sản sai quy định bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ.

Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của EC về chống khai thác IUU vào Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành hai nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) ban hành 8 thông tư hướng dẫn. Đến năm 2019, khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU. Đồng thời, Bộ NN-PTNT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và chống khai thác IUU để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11-3-2021.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) trong 6 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực trong việc thực thi các khuyến nghị, yêu cầu của EC đối với việc chống khai thác IUU. Đến nay, các quy định pháp luật đã được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật của Việt Nam. Tại các tỉnh, thành phố ven biển đã có những mô hình địa phương, ngư dân làm tốt và cần nhân rộng điển hình, để các địa phương làm theo.

Thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, kết quả rà soát đến tháng 12-2022 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019).

Đối với công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin khai thác, sử dụng Hệ thống giám sát tàu cá để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển. Đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý (hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký...).

Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, bảo đảm theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSMA (Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO). Đến nay, tất cả các lô hàng thủy sản khai thác được xác nhận cam kết đều được thông quan, chưa có lô hàng nào có vướng mắc hoặc trả về do nguyên nhân xác nhận cam kết IUU.

Đặc biệt, đối với công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, kiểm ngư) tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm. Chỉ tính từ năm 2022, Việt Nam xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU với tổng số tiền phạt hơn 16 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt 2.111 vụ với số tiền là 44,477 tỷ đồng.

Nhờ đó, số tàu cá khai thác vi phạm ở vùng biển nước ngoài đã giảm mạnh qua từng năm. Đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016. Đã chấm dứt hoàn toàn tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.

Xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm

Việc tích cực triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ thời gian qua không chỉ nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC mà Việt Nam còn muốn xây dựng nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững. Điều này đã được lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định rất nhiều lần qua diễn đàn Quốc hội, các cuộc họp, đặc biệt trong chuyến thăm và làm việc với các cơ quan của Ủy ban châu Âu tại Brussel (Bỉ) trung tuần tháng 9 vừa qua.

Mới đây, ngày 7-10, phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chúng ta, chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC. Do đó, cần không ngừng nâng cao ý thức người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa việc xử lý vi phạm, tuyên truyền, vận động, giáo dục và chăm lo, nâng cao đời sống ngư dân, tạo sinh kế, việc làm cho người dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến và giảm thiểu đánh bắt xa bờ.

Tất cả điều này cho thấy, Việt Nam mong muốn và nỗ lực để chống khai thác IUU một cách quyết liệt, bài bản. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều địa phương làm tốt, thực hiện nghiêm quy định chống khai thác IUU thì vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện tốt. Đối với những trường hợp này, theo ông Trần Đình Luân đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân không vi phạm, còn đối với những vi phạm khi phát hiện thì cần kiên quyết xử lý nghiêm. Như vậy, mới không để xảy ra tình trạng vi phạm, hoặc tái vi phạm quy định chống khai thác IUU, góp phần xây dựng nghề cá phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: "Đối với những vấn đề mà đoàn kiểm tra của EC lần thứ 3 đã chỉ ra chúng ta đã thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt triển khai. Phía EC cũng đã ghi nhận quyết tâm, nỗ lực và những chuyển biến tích cực của Việt Nam trong chống khai thác IUU. Chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ gỡ được "thẻ vàng" trong thời gian sắp tới".

NGUYỄN KIỂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hy-vong-ec-som-go-the-vang-doi-voi-thuy-san-cua-viet-nam-746686