Hy vọng hồi sinh dòng phim Việt đề tài lịch sử chiến tranh
Thành công về hiệu ứng xã hội, chất lượng, doanh thu phòng vé của bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối được đầu tư và sản xuất bởi các doanh nhân, nhà làm phim tư nhân đã tạo nên 'cú hích' đầy phấn khởi cho dòng phim đề tài lịch sử chiến tranh.
Lan tỏa hiệu ứng tích cực
Tính đến 20/4, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (gọi tắt: Địa đạo) thu về 150,8 tỷ đồng sau 16 ngày công chiếu (số liệu của Box Office Vietnam), trở thành phim chiến tranh có doanh thu cao nhất trong lịch sử Điện ảnh Việt Nam.Thành công của Địa đạo không chỉ là con số doanh thu mà còn ở sự thu hút mọi đối tượng khán giả, đặc biệt là giới trẻ, thế hệ Gen Z đến rạp xem phim. Lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật sau năm 1967 tại vùng đất thép Củ Chi, phim tái hiện sự sinh tồn và tinh thần chiến đấu của du kích và người dân trong địa đạo chật hẹp, nơi các nhân vật phải bò lết, cúi lom khom khi di chuyển. Tuy không chú trọng sự khốc liệt và bi tráng của chiến tranh, Địa đạo vẫn đủ sức khơi dậy niềm tự hào về quá khứ hào hùng và động lực sống ý nghĩa trong thời bình cho giới trẻ.

Cảnh trong phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối
Theo đại diện Công ty Lữ hành Vietluxtour cho biết, sự lan tỏa tích cực của phim trong thời điểm 30/4 năm nay là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trở thành một “đòn bẩy” khiến du khách quan tâm và tìm mua tour trải nghiệm địa đạo Củ Chi tăng vọt (báo Dân trí ngày 12/4). Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cũng thông tin, khi phim này công chiếu, lượng khách đến tận nơi để tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của địa đạo tăng lên rõ rệt. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi sức hút của phim mà du khách biết đến Địa đạo Củ Chi nhiều hơn nữa (VOV ngày 4/4).
Từ lâu, những phim đề tài lịch sử chiến tranh như Chị Tư Hậu (sản xuất năm 1962), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Cánh đồng hoang (1979)...đã trở thành tác phẩm kinh điển của Điện ảnh Việt Nam. Nhưng phim chiến tranh chủ yếu được Nhà nước đặt hàng với mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị, chiếu dịp kỷ niệm nào đó rồi “cất kho”. Theo Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm Nhà nước đặt hàng 2-3 phim truyện, trong đó có phim chiến tranh, như Đào, phở và piano (2024), Mưa đỏ - dự kiến công chiếu dịp 2/9 tới.
Ngay cả khi xã hội hóa sản xuất phim thì đề tài chiến tranh cũng không phải là lựa chọn của nhà đầu tư, tuy có một số hãng phim tư nhân làm phim cổ trang (lịch sử, dã sử). Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, phim chiến tranh có đặc thù khác biệt, khi phải tái dựng lại bối cảnh chiến trận với vũ khí, khí tài, phục trang...phải cần đến rất nhiều tiền. Trong khi khả năng thu hồi vốn lại rất khó, khiến nhà đầu tư e ngại, nên phim đề tài chiến tranh vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước đặt hàng.
Trong bối cảnh trên, Địa đạo là phim chiến tranh đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam không sử dụng ngân sách nhà nước. Một nhóm doanh nhân tâm huyết đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để nhà sản xuất phim tư nhân làm phim này.Trong lễ ra mắt phim, doanh nhân Nguyễn Thành Nam- một nhà đầu tư của phim, chia sẻ rằng, họ muốn làm một cái gì đó cho dịp Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Đây là một dự án đầu tư có thể mạo hiểm và phải đạt được mục tiêu: làm cho đông đảo giới trẻ quan tâm, tìm hiểu và suy ngẫm về đề tài chiến tranh ở Việt Nam, giới thiệu cho những người Mỹ một góc nhìn về chiến tranh Việt Nam khác với Hollywood, đạt thành công về mặt thương mại để tạo hứng thú cho các nhà đầu tư sau khai thác tiếp....
Đầu năm 2024, phim Đào, phở và piano (kinh phí 22 tỷ đồng) bất ngờ được khán giả yêu thích. Nhưng cơ chế phát hành và quảng bá đã trở thành “rào cản” khiến phim khó tiếp cận đến đông khán giả hơn. Phim thu 23 tỷ đồng (Cục Điện ảnh công bố) và hòa vốn (do các nhà phát hành phim tư nhân khi đề nghị chiếu phim đã đồng ý nộp toàn bộ tiền vé về ngân sách nhà nước) được xem là dấu hiệu đáng mừng cho phim đề tài chiến tranh. Địa đạo được sản xuất, quảng bá và phát hành bài bản, chuyên nghiệp như nhiều phim thương mại “bom tấn” tư nhân hiện nay. “Cơn sốt” phòng vé của Địa đạo lần nữa phá vỡ định kiến, đề tài chiến tranh không thể hút khán giả và chứng minh, nếu phim chiến tranh làm tốt thì khán giả sẵn sàng mua vé để ủng hộ.
Cần sự chung tay Nhà nước và tư nhân
Chiều ngày 15/4, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhắc đến phim Địa đạo. Ông Nên cho rằng phim đang “hot”, có doanh thu kỷ lục, gây hiệu ứng tích cực trong xã hội, người xem đa dạng, nhất là bạn trẻ, đây là điều rất phấn khởi.
Theo ông Nên, điều đáng suy ngẫm là phim này không do Nhà nước đầu tư, mà do một nhóm nhà làm phim cùng các nhà tài trợ để thực hiện. Ông đề nghị các ngành có liên quan có suy nghĩ, nghiên cứu, có các chính sách thu hút mọi nguồn lực xã hội để phát triển nền văn học, nghệ thuật của TP.HCM. Bí thư Thành ủy TP.HCM nói thêm, thông thường phim về lịch sử chiến tranh xưa nay do Nhà nước đầu tư, nhưng Địa đạo lại có cách tiếp cận khác. Có thể ban đầu các nhà làm phim lo lắng về sự hưởng ứng, đến nay phim đã tạo sự lan tỏa lớn. Các ngành cần nghiên cứu khía cạnh tiếp cận này để có những chính sách thúc đẩy.

Cảnh trong phim Mưa đỏ
Thực hiện hiệu quả “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2023” Thành phố đặc biệt quan tâm đến điện ảnh và đã nộp hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh. Lĩnh vực điện ảnh tại Thành phố hiện có 935 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 100 nhà sản xuất hoạt động thường xuyên, với 9.294 lao động, tạo ra doanh thu 500 triệu USD trong năm 2024 (chiếm 40% thị trường), đóng góp 0,43% GRDP. Thành phố đang có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu, và 184 không gian thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp (số liệu của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM).Trong nhiều hội thảo, tọa đàm từ các chuyên gia quốc tế đến trong nước đều nhấn mạnh rằng, Thành phố cần dành nguồn lực đầu tư từ ngân sách và có cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác công - tư, huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện ảnh.
Kinh phí của Địa đạo tuy cao, song không thể so với phim bình thường của nhiều nước khác. “Điện ảnh Việt chưa đủ lực để tạo ra những phim chiến tranh - lịch sử hoành tráng thì chúng ta khai thác yếu tố hấp dẫn từ địa đạo, tập trung vào nét riêng, bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ. Còn theo đạo diễn Phi Tiến Sơn của phim Đào, phở và piano: “Nếu vì khó khăn mà bỏ cuộc thì điện ảnh Việt sẽ không có những tác phẩm giúp cho khán giả, nhất là người trẻ, hiểu về lịch sử dân tộc, về sự khốc liệt của chiến tranh, sự dũng cảm, mưu lược của quân và nhân dân ta”.

Cảnh trong phim Đào, phở và piano
Nhìn chung, nhà làm phim của bất cứ dự án nào đều hy vọng về doanh số. Số tiền bán vé vẫn tăng, cùng tiềm năng chiếu trên các nền tảng trực tuyến (OTT) và có thể được phát hành ra quốc tế, Địa đạo chắc chắn có lãi. Thành công của Địa đạo sẽ là “đòn bẩy” cho các nhà đầu tư và nhà làm phim có động lực, góp phần hồi sinh dòng phim chiến tranh. Hy vọng, sắp tới sẽ có thêm phim đề tài chiến tranh tạo được hiệu ứng lan tỏa như Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.