Hy vọng mới cho trẻ khiếm thính bẩm sinh

Liệu pháp gien đã giúp một số trẻ khiếm thính bẩm sinh nghe được, theo một số thành tựu vừa được công bố.

Mới nhất, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí The Lancet ngày 24-1 cho biết thính lực của 5/6 trẻ khiếm thính bẩm sinh được điều trị ở Trung Quốc đã phục hồi đáng kể.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu của chuyên gia Zheng-Yi Chen tại ĐH Phục Đán (Trung Quốc) đã quan sát 6 bệnh nhi này khoảng 6 tháng. Họ không biết vì sao liệu pháp gien không phát huy hiệu quả với một bệnh nhi.

Tuy nhiên, 5 bệnh nhi còn lại - những bé vốn điếc hoàn toàn - giờ có thể nghe và trò chuyện. Ông Chen ước tính thính lực của những bé này hiện đạt mức 60% - 70% so với người bình thường.

Aissam Dam, 11 tuổi, bệnh nhi khiếm thính bẩm sinh đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp gien ở MyÃ̉nh: The New York Times

Aissam Dam, 11 tuổi, bệnh nhi khiếm thính bẩm sinh đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp gien ở MyÃ̉nh: The New York Times

Đáng chú ý, liệu pháp gien không gây ra bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. "Không phương pháp điều trị nào có thể đảo ngược tình trạng mất thính lực. Đó là lý do chúng tôi luôn cố gắng phát triển liệu pháp mới…" - ông Chen nói với hãng tin AP.

Nghiên cứu trên được công bố một ngày sau khi Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ) thông báo kết quả tích cực từ một bệnh nhi khiếm thính bẩm sinh được điều trị bằng liệu pháp gien. Nghiên cứu sơ bộ được tiến hành bởi một số tổ chức khác cũng cho kết quả tương tự.

Do đó, liệu pháp gien đang được kỳ vọng có thể góp phần thay đổi cuộc sống của hàng triệu trẻ em khiếm thính toàn cầu. Thế giới hiện có khoảng 34 triệu trẻ khiếm thính hoặc mất thính lực, trong đó có đến 60% trường hợp do gien gây ra.

Tuy nhiên, chuyên gia Lawrence Lustig của ĐH Columbia (Mỹ) khẳng định vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp, như liệu pháp điều trị sẽ kéo dài bao lâu và liệu thính giác của trẻ có tiếp tục cải thiện hay không. Bên cạnh đó, một số người bày tỏ nỗi lo về vấn đề đạo đức.

Theo chuyên gia Teresa Blankmeyer Burke của ĐH Gallaudet (Mỹ), hiện chưa có sự đồng thuận về sự cần thiết của liệu pháp gien đối với việc điều trị khiếm thính - tình trạng vốn được bà mô tả là không gây ra các chứng bệnh nguy hiểm như hồng cầu hình liềm.

Cao Lực

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hy-vong-moi-cho-tre-khiem-thinh-bam-sinh-196240125205915609.htm