Hy vọng từ 'ổ dịch' lớn nhất thế giới

Theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins, số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày ở Mỹ được ghi nhận vào ngày 2/1/2021 với 300.282 ca. Nhưng hôm thứ hai 15/2/2021 giảm xuống dưới mức 65.000 ca/ngày, trong 24 giờ qua là trên 58.000 ca.

Theo dữ liệu từ CDC Mỹ, nước này có 39.670.551 người đã được tiêm phòng ít nhất 1 liều vaccine COVID-19 - Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu từ CDC Mỹ, nước này có 39.670.551 người đã được tiêm phòng ít nhất 1 liều vaccine COVID-19 - Ảnh: Reuters

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 369.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 110,7 triệu ca, trong đó trên 2,45 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 58.000 ca), Brazil (51.350 ca) và Pháp (22.501 ca).

Cách đây một tháng, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hơn 20 mẫu dự báo về đại dịch COVID-19. Hầu hết các mẫu đều dự đoán các ca nhiễm COVID-19 sẽ tiếp tục tăng cho tới hết tháng 2 hoặc ít nhất là ổn định. Tuy nhiên, COVID-19 đang lui dần ở Mỹ. Số ca nhiễm mới hằng ngày đã sụt giảm, số ca nhập viện giảm gần 50% trong tháng qua.

Mỹ đã triển khai tiêm chủng 55,2 triệu liều vaccine COVID-19 tính đến sáng 16/2 trong bối cảnh đại dịch có nhiều tín hiệu lạc quan.

Reuters dẫn nguồn tin từ CDC cho biết, tính đến 6h sáng 16/2, nước này đã triển khai tiêm chủng 55.220.364 liều vaccine COVID-19 và đã phân phối tổng cộng 71.657.975 liều.

Cơ quan này cũng cho biết, số liệu trên được tính chung cho cả 2 loại vaccine COVID-19 đã được phê duyệt và triển khai sử dụng ở Mỹ là Moderna và Pfizer-BioNTech.

Theo dữ liệu từ CDC Mỹ, nước này có 39.670.551 người đã được tiêm phòng ít nhất 1 liều vaccine COVID-19, trong khi 15.015.434 người đã được tiêm liều thứ hai tính đến 16/2. Tổng cộng 5.968.542 liều vaccine đã được sử dụng tại các cơ sở chăm sóc dài hạn, viện dưỡng lão.

Mỹ trong tuần trước đã báo cáo giảm 23% số ca mắc COVID-19 mới và giảm 16% số người nhập viện do nhiễm virus - cả 2 chỉ tiêu đều đã giảm trong tuần thứ năm liên tiếp. So với tuần trước đó, số ca mắc mới chỉ tăng ở 3 trong số 50 bang của Mỹ, gồm Alaska, Nebraska và Nam Dakota.

Số ca tử vong cũng ghi nhận giảm trong tuần thứ 2 liên tiếp. Tổng cộng, gần 486.000 người đã chết vì COVID-19 ở Mỹ cho tới nay, tương đương tỉ lệ cứ 673 cư dân có 1 người chết.

Trên toàn nước Mỹ, chỉ 5,7% các xét nghiệm COVID-19 cho kết quả dương tính với virus, đây được coi là mức thấp nhất kể từ tuần 19-25/10/2020, theo dữ liệu từ Dự án theo dõi COVID.

Ngày 17/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ đầu tư gần 200 triệu USD nhằm tăng cường giải trình tự gene, xác định các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Hiện Mỹ đi sau hàng chục nước khác trong nỗ lực phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đe dọa đến hiệu quả của công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết tính đến ngày 16/2, Mỹ đã phát hiện 1.277 ca nhiễm biến thể lần đầu được phát hiện tại Anh. Trong đó, đã có ca đầu tiên nhiễm đột biến thường xuất hiện trong các biến thể có nguồn gốc ở Nam Phi, Brazil và được cho là khiến virus có khả năng chống lại các kháng thể do cơ thể người tạo ra. Theo một nghiên cứu được CDC Mỹ công bố cùng ngày 17/2, mô hình hóa dữ liệu cho thấy biến thể tại Anh có nguy cơ phổ biến tại nước này vào tháng 3 tới. Ngoài ra, Mỹ đã ghi nhận 19 ca nhiễm biến thể được phát hiện lần đầu tại Nam Phi và 3 ca nhiễm biến thể có nguồn gốc từ Brazil.

Tuổi thọ người Mỹ giảm một năm

Theo báo cáo của các quan chức y tế Mỹ, tuổi thọ người dân nước này đã giảm một năm tuổi trong nửa đầu năm 2020, đó là do đại dịch COVID-19 gây ra làn sóng tử vong đầu tiên.

Ngày 18/2, theo ước tính sơ bộ từ CDC Mỹ, người dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tuổi thọ người Mỹ da đen giảm gần 3 năm và người gốc Tây Ban Nha giảm gần 2 năm.

Robert Anderson, người giám sát thống kê của CDC Mỹ cho biết: “Đây là một sự sụt giảm tuổi thọ lớn. Chỉ có thời Thế chiến thứ hai, những năm 1940, mới có sự sụt giảm tương tự thế này".

Các chuyên gia y tế khác cho biết, điều này cho thấy tác động sâu sắc của dịch COVID-19, không chỉ đối với những trường hợp tử vong trực tiếp do nhiễm virus mà còn do bệnh tim, ung thư và các bệnh lý khác.

Tiến sĩ Kirsten Bibbins-Domingo, nhà nghiên cứu công bằng sức khỏe, Trưởng khoa tại Đại học California, San Francisco đánh giá, những con số này chỉ phản ánh nửa đầu năm. “Tôi cho rằng những con số sẽ còn tồi tệ hơn nữa”.

Đây là lần đầu tiên CDC Mỹ báo cáo về tuổi thọ từ các hồ sơ sớm, từng phần. Năm 2020 là năm chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ với số người chết lần đầu tiên lên đến 3 triệu người.

Trong nửa đầu năm ngoái, trung bình tuổi thọ người Mỹ là 77,8 tuổi, giảm một năm so với năm 2019 là 78,8 tuổi. Tuổi thọ trung bình của nam giới là 75,1 tuổi và nữ giới là 80,5 tuổi.

Từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2020, tuổi thọ của người Mỹ da đen giảm 2,7 năm xuống còn 72 tuổi. Tuổi thọ của người gốc Tây Ban Nha giảm 1,9 năm, xuống 79,9 tuổi và người da trắng giảm 0,8 năm xuống 78 tuổi. Báo cáo sơ bộ không phân tích tuổi thọ ở người châu Á và người Mỹ bản địa.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/hy-vong-tu-o-dich-lon-nhat-the-gioi/423570.vgp