Hy vọng vào biên kịch trẻ
Các nhà làm phim, nhà văn hóa luôn luôn hy vọng tìm kiếm những tài năng biên kịch, nhằm phát triển nền điện ảnh nước nhà. Nhưng ở giai đoạn trong điện ảnh có nhiều ý tưởng 'ăn xổi' thì hiếm có bạn trẻ nào đủ kiên nhẫn để làm ra một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật, rồi không xin được tiền để làm phim.
Suốt một thời gian dài, nền điện ảnh nước nhà loay hoay với bài toán khan hiếm kịch bản hay. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của cả nền điện ảnh, thiếu phim truyền hình và phim chiếu rạp có chất lượng. Nhiều cuộc hội thảo diễn ra, nhiều giải pháp đã được thực hiện, song việc tìm kiếm nhà biên kịch cùng những kịch bản chất lượng vẫn vô cùng nan giải. Bởi thế, nhiều nhà sản xuất phải “làm lại” những bộ phim mua bản quyền của nước ngoài, rồi chuyển thể sang cho giọng điệu phù hợp với văn hóa Việt Nam. Ví dụ “Ngày mai Mai cưới” (dựa trên series hài “Get Married” của Indonesia), “Yêu em bất chấp” (làm lại từ “My Sassy Girl” của Hàn Quốc), “Em là bà nội của anh” (dự trên kịch bản gốc “Miss Granny” của Hàn Quốc), “Bạn gái tôi là sếp” (Việt hóa từ “ATM Er Rak Error” của Thái Lan), “Sắc đẹp ngàn cân” (làm lại từ “200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc), “Yêu đi đừng sợ” (làm lại từ “Spellbound” của Hàn Quốc)...
Cuối năm 2018 đầu năm 2019, một số đơn vị làm điện ảnh tổ chức lần thứ 3, cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng 2019”, nhằm tìm thêm những kịch bản hay. Vượt qua gần 4.500 ý tưởng dự thi, kịch bản “Phi vụ xác chết” của tác giả Nguyễn Tấn Nhật giành giải Vàng trong lễ trao giải hồi cuối tháng 9 vừa qua. “Phi vụ xác chết” kể về vụ khoắng đồ của ba tên trộm và chúng vô tình phát hiện xác chết của chủ căn nhà. Để có thể thoát ra ngoài và chứng minh mình vô tội, cả ba phải giành chiến thắng trong cuộc đấu trí với hung thủ thật sự trước khi trời sáng.
Tác giả đạt giải Bạc và Đồng lần lượt là Nguyễn Đình Minh Vũ với kịch bản“Tang gia kỳ lạ”, Đỗ Vĩ Tiến với “Dạ quỷ”. Nguyễn Tấn Nhật bất ngờ khi nhận giải Vàng. Đây là cột mốc quan trọng trên hành trình trở thành biên kịch chuyên nghiệp của anh. Thực chất cuộc thi không chỉ là để tìm kịch bản, mà còn giúp các nhà biên kịch trẻ có sân chơi, rèn kỹ năng để kết nối với các nhà làm phim, tạo cơ hội cho các nhà biên kịch trẻ tiếp cận dần nền điện ảnh chuyên nghiệp. Ban huấn luyện của cuộc thi năm nay là những đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch nổi tiếng như: đạo diễn Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Quang Dũng, Lý Hải, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và biên kịch Trần Khánh Hoàng.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, các nhà biên kịch trẻ đã có nhiều tâm huyết, yêu nghề, có những ý tưởng thú vị. Song biên kịch là nghề đòi hỏi sự bền bỉ, từ ý tưởng đến hoàn thiện kịch bản là cả một quãng thời gian dài. Bởi vậy nghề này cần năng khiếu và cả khả năng chịu áp lực.
Chắc hẳn do áp lực, nên đội ngũ biên kịch của Việt Nam hiện nay khá ít ỏi và những người đủ tầm sáng tạo kịch bản tốt lại càng đếm trên đầu ngón tay. Mỗi năm, các nhà sản xuất vẫn “đốt đuốc” đi tìm người viết kịch bản có nghề, sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn khuyến khích các nhà biên kịch nổi tiếng nhưng số lượng kịch bản có thể kéo khách đến rạp lại rất ít. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, nếu trước đây khán giả có thể dễ dãi chấp nhận những bộ phim có kết cấu lỏng lẻo, nội dung nghèo nàn thì bây giờ một bộ phim có thể kéo được khán giả đến rạp trước hết phải có một kịch bản tốt với câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ.
Các nhà làm phim, nhà văn hóa luôn luôn hy vọng tìm kiếm những tài năng biên kịch, nhằm phát triển nền điện ảnh nước nhà. Nhưng ở giai đoạn trong điện ảnh có nhiều ý tưởng “ăn xổi” thì hiếm có bạn trẻ nào đủ kiên nhẫn để làm ra một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật, rồi không xin được tiền để làm phim.
Mong rằng cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” sẽ được tổ chức thường xuyên, giúp các bạn trẻ khơi dậy tinh thần sáng tạo, giúp họ có tác phẩm tốt được công bố, để khuyến khích họ theo nghề.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/hy-vong-vao-bien-kich-tre-93200.html