Ì ạch bệnh án điện tử

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước mới có 70/1.800 bệnh viện công lập và tư nhân chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử (BAĐT), chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào chuyển đổi. Mặc dù được đánh giá là mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi số, giúp bệnh viện rút ngắn thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh, giảm chi phí, nâng cao chất lượng điều trị…, nhưng đến nay, việc chuyển đổi từ bệnh án giấy sang BAĐT tại nhiều nơi vẫn dậm chân tại chỗ.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM kiểm tra thông tin lịch sử điều trị của bệnh nhân thông qua bệnh án điện tử

Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM kiểm tra thông tin lịch sử điều trị của bệnh nhân thông qua bệnh án điện tử

Vất vả cho người bệnh

Ngồi chen lấn ở khu vực chờ trước cửa khu siêu âm của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trên tay là chồng giấy tờ gồm kết quả siêu âm bụng, siêu âm tim, chụp Xquang và các kết quả cận lâm sàng từ tháng trước, ông Nguyễn Văn Nam (65 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) đưa mắt hướng về con trai đang xếp hàng nộp phiếu chờ đo điện tâm đồ. Ông cho biết, mỗi lần đi tái khám là mỗi lần vất vả khi phải mang theo một đống giấy tờ lỉnh kỉnh, có những kết quả từ mấy tháng trước bác sĩ cũng yêu cầu mang theo để đối chiếu, lúc nào quên mang thì rất phiền phức. “Thêm một lần khám là chồng hồ sơ càng thêm dày, mang theo vô cùng bất tiện. Có hôm xét nghiệm máu xong, đi ăn sáng mà để quên hồ sơ bệnh án, phải chạy khắp nơi để tìm. Vất vả lắm!”, ông Nguyễn Văn Nam than thở.

Thực tế “trần ai” mỗi lần tái khám như trường hợp của ông Nguyễn Văn Nam không phải là ít, và diễn ra mỗi ngày ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh. Dù Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định các bệnh viện phải hoàn thành BAĐT từ ngày 31-12-2023, nhưng kết quả đánh giá mới đây cho thấy, việc chuyển đổi từ bệnh án giấy sang BAĐT tại các cơ sở y tế còn rất chậm. Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), cho biết, cả nước có gần 1.500 bệnh viện công lập, hơn 300 bệnh viện tư nhân, gần 70.000 phòng khám tư, nhưng hiện mới có khoảng 70 cơ sở y tế chính thức công bố bỏ bệnh án giấy.

Tại TPHCM, theo dữ liệu của Bộ Y tế, chỉ có 3 bệnh viện công lập triển khai BAĐT, gồm Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. “Cấu phần của BAĐT chia thành 3 giai đoạn: số hóa bệnh án, tạo lập, quản lý dữ liệu và liên thông dữ liệu BAĐT. Đa phần các bệnh viện đã triển khai giai đoạn 1 và 2, nhưng liên thông thì cần nhiều yếu tố như hạ tầng, đòi hỏi đầu tư lớn. Đây là trở ngại để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang BAĐT, bỏ bệnh án giấy”, ông Nguyễn Trường Nam thông tin.

Là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn TPHCM triển khai BAĐT từ năm 2017, PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, thông qua các tiện ích của BAĐT, việc điều trị cho người bệnh luôn được công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra. Các phân hệ của phần mềm BAĐT được xây dựng hoàn chỉnh và liên thông với nhau để không những phục vụ công tác chuyên môn, công tác quản trị, mà còn phục vụ chăm sóc người bệnh tốt hơn.

Gặp khó về kinh phí, hạ tầng

Theo ông Nguyễn Trường Nam, kinh phí trung bình để một bệnh viện tuyến tỉnh (300-500 giường) triển khai đầu tư BAĐT là từ 10 tỷ đồng trở lên. Với các bệnh viện hạng đặc biệt như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K…, kinh phí này lớn hơn nhiều. Để triển khai BAĐT, phải thực hiện và hoàn thiện rất nhiều hạ tầng, từ cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý bệnh viện, đến chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, các hệ thống phụ trợ ứng dụng khác..., và BAĐT là công đoạn cuối cùng. Chi phí đầu tư lớn nên nhiều bệnh viện đã lập đề án nhưng không thể triển khai đồng bộ mà chỉ triển khai từng phần để cắt giảm chi phí.

 Nhân viên y tế Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM kiểm tra thông tin lịch sử điều trị của bệnh nhân thông qua bệnh án điện tử

Nhân viên y tế Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM kiểm tra thông tin lịch sử điều trị của bệnh nhân thông qua bệnh án điện tử

Chia sẻ về khó khăn trong việc triển khai BAĐT, BS-CK2 Mai Đức Huy, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết, bệnh viện đã thực hiện xong BAĐT ở mức độ cơ bản. “Hiện có rất nhiều quy định mới về bảo mật an toàn thông tin, về chữ ký số cũng như các chuẩn quy định về kho lưu trữ dữ liệu điện tử. Để việc triển khai được nhanh, hạn chế các khuyết điểm và tuân thủ đúng các tiêu chí, Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM cần tổ chức các buổi tham quan học tập kinh nghiệm tại các bệnh viện đã triển khai thành công BAĐT để các bệnh viện khác học hỏi thêm kinh nghiệm”, BSCK2 Mai Đức Huy bày tỏ.

Nhìn nhận về thực trạng triển khai BAĐT tại TPHCM, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, qua đánh giá việc triển khai BAĐT, ngành y tế ghi nhận các đơn vị gặp nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực quản lý, rủi ro về bảo mật dữ liệu người bệnh, kinh phí đầu tư…

Điển hình như, hệ thống BAĐT cần được triển khai trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp các hệ thống quản lý y tế như hồ sơ bệnh án, quản lý người bệnh, kê đơn thuốc và các tác vụ số khác. Nhân sự công nghệ thông tin tại các bệnh viện chưa đáp ứng được nhu cầu cho xây dựng và quản trị hệ thống, cũng như phát triển ứng dụng cho đơn vị.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân sự còn nhiều hạn chế. “Ngành y tế rất cần có khung BAĐT dùng chung để các bệnh viện làm căn cứ xây dựng BAĐT tùy vào đặc thù, quy mô, số giường bệnh của mình. Khi có khung BAĐT dùng chung, bệnh viện không phải đầu tư từ đầu đến cuối mà chỉ xây dựng BAĐT phục vụ mô hình quản lý của mình”, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng kỳ vọng.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/i-ach-benh-an-dien-tu-post743997.html