Ì ạch giải ngân dù tiền có sẵn (*): Tháo nút thắt cổ chai

Đến ngày 30-9, nếu các dự án giải ngân đạt dưới 30%, sẽ không được tiếp tục bố trí kế hoạch vốn năm sau

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đơn vị nghiêm túc nhìn lại thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP và đề xuất biện pháp thay đổi. "Dứt khoát không để xu hướng này tồn tại trong thời gian tới" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP đã dành một nguồn ngân sách để thực hiện nhiệm vụ song dường như các đơn vị chưa thật sự cảm nhận hết bức xúc của người dân khi những dự án rất sát với đời sống lại chậm giải ngân. Từ thực trạng trên, Bí thư Thành ủy TP HCM nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, khi đánh giá cần có sự định lượng để xác định rõ trách nhiệm.

Nhấn mạnh sự yếu kém này đã được nhận ra từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được, tại hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: "Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật, các quận, huyện phải rà soát quyết liệt. Đây phải là nhiệm vụ mà các bí thư phải tham gia".

Dự án cải thiện môi trường nước - lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ (giai đoạn 2) của TP HCM đang chậm tiến độ vì thiếu vốn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dự án cải thiện môi trường nước - lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ (giai đoạn 2) của TP HCM đang chậm tiến độ vì thiếu vốn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Câu hỏi được ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đặt ra trước tình hình giải ngân quá chậm ở TP là: "Cũng là quận - huyện nhưng sao có đơn vị giải ngân được trên 50%, có đơn vị lại thấp? Cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu".

Ông Trần Vĩnh Tuyến nêu ra 4 đầu việc mà chủ tịch UBND quận - huyện không được ủy thác cho các phó chủ tịch, trong đó có việc quản lý vốn ngân sách và tài sản công. Do đó, 11 quận - huyện giải ngân dưới 50% phải có báo cáo do chính chủ tịch ký, gửi UBND TP kết quả giải ngân cụ thể từng dự án; giải trình nguyên nhân, khó khăn và đề xuất.

Trước đó, trong Chỉ thị 02 về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ kế hoạch đầu tư công năm 2019, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đưa ra "tối hậu thư" đối với người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. "Tính đến ngày 30-7, đơn vị nào giải ngân dưới 50% phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. Giải ngân dưới 90% tính đến hết năm 2019 thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan" - Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý nghiệm thu khối lượng, thủ tục thanh toán, quyết toán... "Trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án nếu đến ngày 30-9 giải ngân dưới 30%, sẽ không được tiếp tục bố trí kế hoạch vốn năm sau" - bộ trưởng yêu cầu.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh góp ý: "Mặc dù có vướng mắc về cơ chế nhưng nguyên nhân lớn nhất là do người thực thi, bởi cùng một cơ chế đó, nơi làm được, nơi không. Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, không nên vì lo sợ trách nhiệm mà né tránh nhiệm vụ".

Gỡ nhiều vướng mắc

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính đã nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc tồn tại làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Chẳng hạn, có sự chậm trễ trong thẩm định thiết kế chi tiết bản vẽ thi công và tổng dự toán của cơ quan chuyên ngành xây dựng nên chưa đủ căn cứ để làm thủ tục đấu thầu các hạng mục thi công; công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư đôi khi không nhận được sự đồng thuận của người dân; vướng mắc pháp lý liên quan đến khiếu nại, kiện cáo…

Riêng tại TP HCM, các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đang thực hiện đề án sắp xếp lại các ban quản lý dự án của TP, quận - huyện, ban quản lý đầu tư các khu đô thị, ban quản lý đầu tư các dự án ODA, dẫn đến việc thay đổi tư cách pháp nhân của chủ đầu tư cũng ảnh hưởng đến tiến độ lập hồ sơ thủ tục giải ngân vốn của các dự án… "Trong khi đó, việc điều chỉnh kế hoạch tại Bộ KH-ĐT được thực hiện theo từng đợt. Từ đầu năm đến nay, đã có 3 đợt đề xuất điều chỉnh với 350 dự án nhưng các đề xuất vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu việc điều chỉnh đến gần cuối năm mới hoàn thành, sẽ không còn thời gian triển khai" - báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Chính bởi những vấn đề trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH-ĐT khẩn trương tổng hợp kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương đối với kế hoạch còn lại năm 2019 là 36.358 tỉ đồng để báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng. Sau ngày 28-7, đối với các bộ, ngành, địa phương chưa đề xuất phương án điều chỉnh phân bổ, đề nghị Bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm thu hồi toàn bộ kế hoạch.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một vị nguyên lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết nút thắt lớn nhất là giải phóng mặt bằng sẽ rất khó tháo nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư, địa phương và nhà thầu thi công. Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị triển khai dự án chưa được chú trọng nên khi bắt tay vào làm phải gỡ vướng nhiều chỗ, dẫn đến tiến độ chậm. "Công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu và các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân phải được chuẩn bị kỹ càng trước khi bắt tay vào làm, không để xảy ra tình trạng vừa làm vừa gỡ rối. Ngoài ra, cần phân rõ trách nhiệm trong lập kế hoạch, giao vốn giải ngân và nêu chế tài xử lý nếu chậm tiến độ, khi đó người thực hiện sẽ không còn tâm lý e ngại vì đã được khoanh vùng trách nhiệm" - vị này góp ý.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần nghiên cứu mức giá đền bù thu hồi đất phù hợp với thị trường để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cần công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-8

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/i-ach-giai-ngan-du-tien-co-san-thao-nut-that-co-chai-20190827205759585.htm