Ði chợ cho thỏa cơn 'thèm' Tết

Họp chợ là một trong những hoạt động góp phần bảo tồn và lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo, đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội giao lưu, trải nghiệm cho những người trẻ.

Không khí Tết rộn ràng

Đi chợ phiên cuối năm, mỗi người sẽ cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc vẫn được duy trì. Những ngày cận Tết, chợ phiên thường đông người và náo nhiệt hơn với các mặt hàng truyền thống, do người dân địa phương sản xuất. Một trong những chợ phiên có nhiều người tìm đến ở huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) là chợ phiên Huổi Cuổi họp 5 ngày một lần. Chợ bày bán nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, sản phẩm may mặc và các mặt hàng mang đậm những nét văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc Thái. Đây là chợ phiên nằm gần ngay trung tâm huyện Quỳnh Nhai nên người dân các xã lân cận thường đến đây để mua bán, trao đổi hàng hóa.

Tờ mờ sáng, những người bán hàng đã đến chợ, bày biện hàng hóa. Còn những người đi chợ cũng đến từ rất sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon. Phiên chợ vùng cao những ngày giáp Tết họp từ sáng sớm cho đến khoảng 9 giờ. Đến chợ phiên những ngày này sẽ thấy khung cảnh kẻ bán người mua tấp nập, nhộn nhịp. Người đi xa quê về chỉ đơn giản ra chợ để chơi xuân, ngắn nhìn những mặt hàng truyền thống quen thuộc. Đi chợ phiên Huổi Cuổi ngày Tết, nhiều người có cảm nhận những thứ vốn đã thuộc về ký ức, bỗng như lại trở về qua từng sạp hàng bày bán các sản phẩm nông sản, nhu yếu phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc Thái.

Đi chợ phiên cuối năm, mỗi người sẽ cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc vẫn được duy trì.

Đi chợ phiên cuối năm, mỗi người sẽ cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc vẫn được duy trì.

Đối với người Tày, chợ phiên trong dịp Tết chính là lúc nghỉ xả hơi sau một năm vất vả mùa vụ, cũng là dịp những người già ngồi hàn huyên tâm sự, là lúc quây quần bên bếp hồng, bên chén rượu và ly trà. Nhiều người dành cả tháng Chạp để đi chợ phiên mua sắm các vật dụng cần thiết. Phiên chợ Tết của người dân tộc Tày cuối năm cũng có nhiều điểm thú vị, hấp dẫn. Nếu như bình thường người dân mang chó, mèo, gà, vịt và nhiều loại nông sản ra trao đổi thì những ngày này hàng hóa Tết, các thực phẩm ngày Tết nhiều vô kể. Chợ cũng họp cả ngày thay vì chỉ kéo dài đến 10 giờ sáng ở những phiên chợ thường.

Chợ Dinh là phiên chợ huyện lớn nhất huyện Yên Thành (Nghệ An). Chợ họp mỗi tháng 3 phiên, vào các ngày mùng 9, 19, 29 hàng tháng. Phiên chợ ngày 29 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng trong năm nên người dân ùn ùn đổ về chợ Dinh. Người đi mua sắm những thứ còn thiếu cho gia đình nhưng cũng có nhiều người đơn giản là đi chơi chợ Tết để cảm nhận sự náo nhiệt, ồn ã của phiên chợ cuối cùng trong năm. Hiện nay, chợ vẫn bán những món đồ hiếm có khó tìm như đèn dầu, vỏ sam biển, những món quà quê,... Nếu tinh mắt, du khách sẽ thấy ở một góc chợ, người ta bắc nồi để nhuộm quần áo thuê. Cách đây khoảng 20 năm, những chiếc quần bạc màu nhưng chất lượng vẫn còn tốt sẽ được mang đi nhuộm để tái sử dụng. Ngày nay rất ít người nhuộm lại quần áo cũ để mặc, trừ những người quá khó khăn, không thể sắm cho mình bộ quần áo mới diện trong dịp Tết.

Không quá ngạc nhiên khi có những phiên chợ đậm chất thôn quê ngay giữa lòng Thủ đô. Những phiên chợ Tết Hà Nội không thể bỏ qua đó là chợ Bưởi. Đây là phiên chợ trong nội thành còn tồn tại tới ngày nay. Các phiên họp chính ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng. Điểm nổi bật của chợ Bưởi là nơi cung cấp các giống cây trồng, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề. Chợ Bưởi cũng trở thành nơi thăm thú của nhiều người rảnh rỗi, yêu chim thú, hoa cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội. Vào những ngày Tết, chợ Bưởi tràn ngập sắc của muôn vàn loại hoa khoe sắc giữa Thủ đô.

Chợ phiên xứ Đoài còn có cái tên rất dân dã là chợ Nủa ở xã Bình Phú (Thạch Thất), cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Chợ phiên xứ Đoài - một trong những phiên chợ Tết Hà Nội còn giữ nhiều nét truyền thống nhất cho tới ngày nay. Sự hấp dẫn của phiên chợ này là 2 phiên họp vào ngày 22 và 27 tháng Chạp. Đây là thời gian người dân khắp nơi mang các sản vật đẹp và tốt nhất của mình để trao đổi, mua bán. Không khí chợ Nủa vào những ngày này gợi cảm giác “thèm” Tết một cách kỳ lạ.

Ngay từ sáng sớm mồng 2 Tết Mậu Tuất, chợ phiên Quảng Ngạn (Quảng Điền, TT Huế) đã tấp nập người mua kẻ bán, khuôn mặt ai nấy đều vui tươi và phấn khởi. Người mua mong có được cái duyên, cái lộc đầu năm mới cho gia đình mình và những người xung quanh. Người bán hy vọng sang năm mới mua may bán đắt. Chợ phiên ngày Tết ở xã Quảng Ngạn là một nét đẹp văn hóa có từ rất lâu đời, sau một năm vất vả với công việc thường nhật, người dân mong muốn gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. Thêm nữa, ngày Tết ra chợ cũng mang lại nhiều cảm xúc khó tả.

Cùng với chợ phiên làng Mỹ Lợi (huyện Phú Lộc) thì chợ phiên Quảng Ngạn là một nét đẹp văn hóa đặc trưng mà người dân còn lưu giữ được. Có thể nói, dù trải qua nhiều biến thiên về thời gian, nhưng chợ phiên Quảng Ngạn vẫn được mở bán, duy trì mỗi dịp Tết đến xuân về đủ để thấy được nét riêng của văn hóa Huế và phong tục mua lộc đầu năm mới luôn được mọi người tìm đến. Người trẻ có dịp chứng kiến nét đẹp văn hóa của cha ông bao đời nay để lại.

Chợ phiên liệu có mai một?

Chợ phiên được coi như một nét đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Mỗi chợ phiên là một “bảo tàng sống” về sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc của các tộc người. Thế nhưng, dưới tác động của cơ chế thị trường và “sức nóng” của phát triển du lịch, nhiều người lo rằng văn hóa họp chợ đang mất dần đi vẻ nguyên sơ vốn có.

Ví như chợ Bắc Hà, từng được tạp chí Serendib, Sri Lanka bình chọn là một trong 10 phiên chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á giờ đây cũng đã ít nhiều đổi khác. Trước kia, chợ Bắc Hà họp trên một quả đồi thoai thoải, nhưng giờ chợ đã được xây mới trên nền bê tông, mái ngói đỏ tươi với những dãy kiốt chia lô đều đặn. Các loại mặt hàng như nông sản, thổ cẩm, vật dụng gia đình... cũng được chia ra theo từng khu vực. Xung quanh chợ, đường sá, công viên, nhà cao tầng được xây dựng ngày càng nhiều. Điều này đã làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của chợ, phá vỡ không gian văn hóa sinh hoạt chợ truyền thống vốn là đặc trưng của đồng bào vùng cao, đó là không gian tự nhiên, thoáng đãng, nơi con người giao lưu gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa tinh thần và hòa nhập với núi rừng. Không đồng tình với cách làm này, nhiều người đã bỏ kiốt chuyển ra bán hàng tại các bãi đất trống rìa chợ.

Thay đổi và phát triển là xu hướng tất yếu, nhưng du khách từ xa đến sẽ thoáng chút thất vọng và không khỏi lo âu nếu sự thay đổi đó xóa nhòa những nét đẹp mang đậm bản sắc, làm mai một những kết tinh văn hóa đã được tích lũy qua ngàn đời. Có lẽ, ý thức giữ gìn các giá trị truyền thống bởi chính người dân bản địa, một chủ trương, đường lối đúng đắn trong việc thay đổi cái gì, giữ nguyên cái gì, bảo tồn cái gì, phát triển cái gì từ phía các nhà quản lý sẽ là điều cần phải có để những phiên chợ truyền thống mãi hấp dẫn du khách bằng chính nét nguyên sơ, dung dị của nó.

Việt Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/i-cho-cho-thoa-con-them-tet-n168100.html