'Ði dân nhớ, ở dân thương'…

Bằng trách nhiệm của người lính và tình cảm như người thân trong gia đình, những cán bộ biên phòng làm công tác vận động quần chúng không nề hà việc khó, vất vả, bám địa bàn tuyên truyền, vận động và giúp dân bản xây dựng cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc. Để rồi, khi chuyển địa bàn công tác, bà con lại lưu luyến, nhắc nhớ không quên về bộ đội biên phòng.

“Bộ đội Phương” ở Tả Cồ Thàng

Sáng sớm cuối đông, trong làn sương mù đặc quánh, Trung úy Nguyễn Kim Phương, cán bộ Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Trịnh Tường quân phục chỉnh tề, kiểm tra lại xe máy để chuẩn bị xuống thôn Tả Cồ Thàng, xã Trịnh Tường thực hiện nhiệm vụ. Hôm nay, thôn tổ chức họp, anh sẽ phối hợp lồng ghép tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm. Thôn cách đơn vị gần 20 km, đường xa, khó đi nên anh lên đường sớm cho kịp giờ.

Cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai giúp dân chuẩn bị thức ăn cho gia súc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai giúp dân chuẩn bị thức ăn cho gia súc.

Vừa điều khiển chiếc xe máy lựa những ổ gà, vũng nước, vượt dốc cao, anh Phương vừa kể: Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, muốn tuyên truyền nội dung gì cũng phải nói đơn giản, dễ hiểu thì bà con mới nghe, mới hiểu và làm theo. Nếu chỉ lấy nguyên nội dung trong các văn bản mà tuyên truyền thì bà con sẽ chán và bỏ về.

Xe máy dừng lại ở nhà văn hóa thôn, lác đác đã có bà con đến sớm, anh Phương chủ động tới chào hỏi. Phía góc sân, có tiếng nói cười rôm rả: “Bộ đội Phương lên thôn sớm quá, họp thôn xong mời bộ đội họp cùng tổ tự quản luôn”, “Xong công việc, mời bộ đội sang nhà dùng cơm với gia đình”, “nhờ bộ đội Phương báo với đơn vị sang tuần cử bộ đội lên giúp thôn làm đường liên gia nhé”...

Kết thúc nội dung họp thôn, anh Phương bắt đầu phần tuyên truyền pháp luật. Tất cả nội dung đều được anh chuẩn bị ngắn gọn, súc tích, gắn với các ví dụ, minh họa bằng tình huống dễ hiểu. Một số đoạn anh còn truyền đạt bằng tiếng đồng bào để tăng hiệu quả thông tin, nên vừa dứt lời, bà con đã vỗ tràng pháo tay tán thưởng.

Vừa phụ trách địa bàn, vừa tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn, anh Phương nắm chắc tình hình, tham mưu cho chi bộ nhiều giải pháp để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, đề ra hướng lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.Nổi bật là anh đề xuất đơn vị giúp đỡ người dân xây dựng 37 nhà vệ sinh và hố rác tập trung. Khi được chi bộ phân công, anh đã giúp đỡ Vừ A Ca, công an viên phấn đấu trở thành đảng viên. Anh chia sẻ: Vừ A Ca đáng tuổi em nên tôi coi như người thân trong gia đình, thường xuyên tâm sự, chia sẻ và động viên, vì thế em dễ tiếp thu hơn và có ý thức rèn luyện, phấn đấu.

Không chỉ được trở thành đảng viên, nhờ sự động viên của anh Phương, Vừ A Ca còn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Hay tin em của Vừ A Ca là Vừ Seo Say tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng gia đình không đủ điều kiện cho về Hà Nội học đại học, anh Phương động viên gia đình cho Say học ở Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai. Giờ đây, Say đã trở thành sinh viên học đại học hệ chính quy đầu tiên của thôn Tả Cồ Thàng.

Trước ngày Say lên tỉnh nhập học, gia đình làm mâm cơm mời bộ đội Phương tới chung vui. Trong không khí thân tình và trước sự chứng kiến của nhiều người thân, Vừ A Ca đã xin nhận anh Phương là anh kết nghĩa.

“Mỗi người là một người thân”

“A lô, bố Chung à, ngày mai con sẽ xuống thôn trao đổi, thống nhất trước một số nội dung tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới và phòng, chống dịch Covid-19. Bố mời thêm cán bộ thôn đến cùng tham dự nhé”... Đó là cuộc hội thoại giữa Thượng úy Nguyễn Huy Tiến, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bát Xát với ông Tẩn A Chung, Bí thư Chi bộ thôn Mường Đơ, xã Bản Vược, huyện Bát Xát. Công tác tại Đồn Biên phòng Bát Xát hơn 3 năm, anh Tiến thuộc hết từng ngõ, cụm dân cư trên địa bàn các xã biên giới mà đơn vị được giao quản lý.

Theo anh, cán bộ vận động quần chúng muốn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền thì phải gần dân. Muốn gần dân, dân tin tưởng phải xây dựng mối quan hệ bằng tình cảm chân thành và có trách nhiệm cao nhất với công việc được giao. Mỗi khi xuống địa bàn, nắm tình hình, bộ đội “thấy có việc thì làm, có cơm thì ăn, có gì khó khăn, vướng mắc thì cùng trao đổi, chia sẻ”, anh Tiến nói.

Địa bàn biên giới đa phần là dân tộc thiểu số sinh sống, cán bộ biên phòng phải chủ động học tiếng đồng bào để có thể giao tiếp, hiểu những điều mà bà con chia sẻ.

Sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, anh và đồng đội đã biên tập lại nội dung, tự đọc, thu âm để tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của thôn hoặc tổ chức tuyên truyền lưu động. Điển hình như trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, anh Tiến đã tham mưu cho đơn vị, phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền lưu động, mang lại hiệu quả thiết thực.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Khương phối hợp với Nhân dân tuần tra biên giới.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Khương phối hợp với Nhân dân tuần tra biên giới.

Cán bộ vận động quần chúng, cán bộ đoàn thể các xã rong ruổi trên những chiếc xe máy có gắn loa di động, phát đi những nội dung về bầu cử đã được thu âm sẵn bằng tiếng Giáy, Mông, Dao... để Nhân dân khắp các thôn, làng vùng cao nắm được. Hay như gần đây nhất, cán bộ biên phòng đã cùng nhân viên y tế thôn, bản trực tiếp đến từng gia đình động viên người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Các anh cũng mang theo cả Giấy chứng nhận tiêm vắc-xin của bản thân để tăng tính thuyết phục cho lời nói. Từ đó, Nhân dân tin tưởng, thực hiện đúng tinh thần “Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”.

Việc tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm không thể làm trong “một sớm, một chiều”, đòi hỏi mỗi cán bộ vận động quần chúng phải kiên trì, có phương pháp phù hợp và phải có sự chân thành, nhiệt huyết, coi “mỗi người dân là một người thân”. Nhiều năm làm công tác này, anh Tiến vẫn luôn tâm niệm và chia sẻ với đồng đội như vậy.

Trong ký ức, anh Tiến vẫn còn nhớ trường hợp một phụ nữ nghèo tại thị trấn Bát Xát có một người con bị bệnh tâm thần, một người con vi phạm pháp luật vướng vòng lao lý. Cuộc sống thêm bế tắc khi người phụ nữ này không có việc làm, bi quan nên đôi lúc có ý định buông bỏ số phận. Qua công tác nắm địa bàn, anh Tiến mời thêm người có uy tín trong tổ dân phố nhiều lần đến thăm, động viên gia đình. Anh còn đề xuất với chính quyền địa phương tạo điều kiện, bố trí gian hàng tại chợ để người phụ nữ mở một cửa hàng nhỏ làm kế sinh nhai. Được động viên và được bộ đội biên phòng giúp có việc làm, người phụ nữ nghèo đã dần lấy lại bình tĩnh, tiếp tục vươn lên, vượt qua nghịch cảnh.

Hoặc trường hợp một gia đình tại xã Quang Kim đã phát thiệp báo hỷ, chuẩn bị tổ chức lễ vu quy cho con gái mới 17 tuổi. Biết chuyện, anh Tiến bàn bạc với cán bộ thôn, cùng đến gia đình trò chuyện, tìm hiểu sự việc. Câu chuyện kéo dài từ đầu giờ chiều cho tới nửa đêm. Khi cán bộ mới đến, gia đình tỏ ý cương quyết nhưng với tinh thần kiên trì, nhẫn nại, anh Tiến nói về tác hại của tảo hôn và các quy định của pháp luật, cuối cùng đã thành công, gia đình chấp nhận hoãn tổ chức đám cưới…

Còn nhiều câu chuyện mà những cán bộ biên phòng làm công tác vận động quần chúng vẫn từng ngày kiên trì, thầm lặng tìm sự đồng thuận, “đả thông tư tưởng” cho đồng bào vùng biên giới, góp phần tạo nên những mùa xuân đẹp, mùa xuân yên vui.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352585-i-dan-nho-o-dan-thuong