Ði mong trên biển bãi bồi
Chỉ bằng những mảnh gỗ ghép vào nhau, những ngư dân ở cửa sông Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng có thể di chuyển trên những bãi biển có bùn lún sâu đến nửa thân người một cách dễ dàng, điệu nghệ. Tỳ một chân trên chiếc mong, họ thả lưới cá đối, tìm săn cua, cá ngát và nhiều loại hải sản khác. Ðó là đi mong - nghề mưu sinh độc đáo trên biển bãi bồi ở miền Tây Nam Bộ.
Chiếc mong được làm rất đơn giản, cũng không tốn nhiều tiền cho nên nhiều ngư dân nghèo chọn làm phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ để mưu sinh. Chỉ cần một tấm gỗ dày cỡ 3cm, dài hơn 1m, rộng chừng 50cm là đóng được chiếc mong. Tấm gỗ được bào cho láng để có độ trơn, lướt trên bùn nước. Sau khi xẻ gỗ, người ta dùng lửa để đốt nóng một đầu tấm gỗ, ép cong lên tạo cho mũi chiếc mong nhếch lên khỏi mặt bùn. Gần giữa có một thanh gỗ đứng làm nơi để ngư dân tỳ tay, cầm lái chiếc mong di chuyển theo ý muốn.
Tờ mờ sáng, tôi theo cha con anh Tăng Hiền ra bãi biển Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Ðề. Một chiếc ghe nhỏ chở những chiếc mong, mang theo cả cơm, nước uống hướng về phía biển. Vàm Mỏ Ó hiện ra trước mắt. Bình minh cũng vừa ló rạng. Chiếc ghe nhỏ cứ chồm lên theo những con sóng nhấp nhô. Anh Hiền cầm chắc tay lái, mặt có vẻ căng thẳng hơn mọi lần. Tôi đùa rằng, chúng ta cứ đi về phía mặt trời thì ánh sáng sẽ rọi xuống cuộc đời. Chiếc ghe nhỏ lao đi. Gió táp thẳng vào mặt từng người. Ðến vùng nước đụt, con trai anh Hiền quăng neo. Ðó chính là nơi chúng tôi dừng ghe chờ nước rút. Nhìn lại sau lưng, hàng cây mắm ven bờ cách chúng tôi độ vài ba cây số.
Sau khi neo ghe lại, anh Hiền bắt đầu xuống biển bủa lưới cá đối. Nhìn mênh mông là nước nhưng chỉ cạn qua đầu gối. Một đường lưới dài hơn 200m đón đường đi của những bầy cá đối dạt vào bờ để ăn rong biển, đang theo nước rút trở ra khơi. Ðộ nửa giờ sau, nước rút cạn, trơ ra những bãi bùn rộng lớn, chiếc ghe nằm yên một chỗ. Chí Thiện, con trai anh Hiền bắt đầu mang theo ngư cụ để đi gỡ cá vừa dính lưới. Anh đứng trên ghe, vừa ra hiệu lệnh vừa chỉ huy, hướng dẫn và thả chiếc mong gỗ xuống. Ðầu gối của Thiện tỳ lên phần sau chiếc mong, tay đặt trên trụ gỗ, chân còn lại đạp xuống bùn đẩy nó lướt đi một cách nhẹ nhàng và điệu nghệ. "Trên bãi biển bùn lún sâu nửa người như vầy thì cho dù là mình đi bủa lưới cá đối, bắt cua hay giăng lưới cá bóng sao thì cũng đều sử dụng cái mong để di chuyển. Không có chiếc mong thì không nhấc chân lên bước đi nổi. Mình đi bộ còn không nổi, thì sức đâu thu lưới hay bắt cá. Nghề biển đi trên bùn nhờ có cái mong này, không có là không bao giờ đi được", anh Tăng Hiền quả quyết.
Mặt trời càng lên cao, nước rút càng nhanh, chỉ còn trơ lại những bãi bùn trải rộng, lún sâu qua khỏi gối. Bãi biển bây giờ như một "sân chơi" của ngư dân, bắt đầu trình diễn những vũ điệu lả lướt với chiếc mong gỗ điêu luyện và đẹp mắt. Từ trong những rặng mắm ven bờ, cánh ngư dân đạp mong lướt ra mép nước bắt đầu cuộc mưu sinh. Họ nhặt tất cả những gì còn sót lại trên mặt bùn sau khi con nước rút như: cá, cua, tôm, ốc... Theo các ngư dân, đi mong tuy nhìn dễ vậy nhưng phải có kỹ thuật đúng thì đi mới nhanh và giữ được sức bền. "Một chân người ta tỳ gối lên chiếc mong, chân còn lại thì đạp xuống bùn để đẩy chiếc mong lao tới phía trước. Hai tay thì vịn ở phía tay cầm để lái, điều khiển hướng đi theo ý muốn. Với những người đi biển thuần thục có sức khỏe tốt thì mỗi cú đạp, chiếc mong có thể lao đi xa đến 3m. Suốt bốn giờ đồng hồ, chỉ với chiếc mong đơn giản nhưng mỗi người có thể di chuyển từ 70 đến 100km trên bãi bùn rộng lớn", ngư dân trẻ Tăng Chí Thiện, con trai anh Tăng Hiền giải thích.
Hôm nay, cha con anh Hiền và cánh ngư dân Mỏ Ó trúng luồng cá đối. Những chiếc mong lướt theo viền lưới để gỡ cá, cho vào thùng. Anh Hiền quả quyết rằng, chiếc mong nhỏ nhắn như thế này có thể chở nặng đến 150kg mà vẫn lướt đi trên bùn cạn. Theo ngư dân Nguyễn Quốc Kha, nghề này lạ lắm, chân tay lấm bùn thì có tiền, chứ quần áo khô ráo là coi như túi cũng trống không. "Ngày nào đi mong bắt cá, cua thì cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Dư thì làm không dư, chỉ đủ ăn qua ngày vậy đó. Ði mong phải theo con nước rút, cho nên mỗi tháng chỉ đi đánh bắt được từ tám đến mười ngày", anh Nguyễn Quốc Kha bộc bạch.