I-ran để ngỏ khả năng tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 3-7, Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni cho biết, I-ran sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã ký với Nhóm P5+1 năm 2015, nếu các bên còn lại tiếp tục tuân thủ, đồng thời kêu gọi Mỹ và châu Âu trở lại bàn đàm phán. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 3-7, Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni cho biết, I-ran sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã ký với Nhóm P5+1 năm 2015, nếu các bên còn lại tiếp tục tuân thủ, đồng thời kêu gọi Mỹ và châu Âu trở lại bàn đàm phán. Theo nhà lãnh đạo I-ran, nếu các bên trở lại tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận, Tê-hê-ran sẽ giảm lượng u-ra-ni làm giàu xuống dưới ngưỡng 300 kg ghi trong thỏa thuận. Trong trường hợp ngược lại, I-ran sẽ cho lò phản ứng hạt nhân A-rắc hoạt động trở lại ngày 7-7 tới.
* Liên quan việc I-ran vi phạm hạn mức dự trữ u-ra-ni làm giàu mà JCPOA cho phép, ngày 2-7, Liên hiệp châu Âu (EU) kêu gọi Tê-hê-ran thay đổi quyết định về dự trữ u-ra-ni. Trong tuyên bố chung với Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Anh, Pháp và Đức đề nghị I-ran kiềm chế, không đưa ra thêm các biện pháp làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân. Cùng ngày, Tổng thống Pháp E.Ma-crông kêu gọi I-ran ngay lập tức giảm bớt kho dự trữ u-ra-ni. Tổng thống Ma-crông nêu rõ, những ngày tới, Pháp sẽ có những bước đi nhằm bảo đảm I-ran đáp ứng các nghĩa vụ, cũng như nhận được các lợi ích kinh tế từ thỏa thuận hạt nhân.
* Ngày 2-7, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp kêu gọi I-ran “không để cảm xúc lấn át” và tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của I-ran vượt quá giới hạn dự trữ u-ra-ni làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân 2015.
* Về Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) mà EU đang thúc đẩy để giúp duy trì trao đổi thương mại với I-ran, ngày 2-7, Bộ trưởng Dầu mỏ I-ran B.Dan-ga-nê cho biết, INSTEX sẽ thiếu hiệu quả, nếu cơ chế này không cho phép Tê-hê-ran bán dầu mỏ. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao I-ran A.A-ra-chi cũng khẳng định, để INSTEX mang lại lợi ích thật sự cho I-ran, các nước châu Âu cần mua dầu của I-ran.