I-ran thể hiện thiện chí đàm phán hạt nhân

Theo Roi-tơ và TTXVN, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của I-ran, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Da-ríp cho biết, Tê-hê-ran sẽ sớm đưa ra bản kế hoạch hành động

Theo Roi-tơ và TTXVN, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của I-ran, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Da-ríp cho biết, Tê-hê-ran sẽ sớm đưa ra bản kế hoạch hành động “mang tính xây dựng” liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran thông qua các kênh ngoại giao phù hợp. Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao M.Da-ríp được đưa ra sau khi I-ran trong những ngày gần đây đã phát đi những tín hiệu tích cực đối với đề nghị tổ chức những cuộc đàm phán không chính thức về chương trình hạt nhân.

OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng

Theo CNBC, phát biểu sau cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman thông báo, phần lớn các nước thành viên OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng trong tháng 4, trừ Nga được phép tăng 130 nghìn thùng/ngày và Kazakhstan được tăng 20 nghìn thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu nội địa. Theo ông bin Salman, đây là lộ trình cần thiết để đối phó với tình trạng nhu cầu dầu mỏ tiếp tục lao dốc, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Như vậy, OPEC+ sẽ cắt giảm tổng cộng khoảng 7 triệu thùng/ngày trong tháng tới, thấp hơn không đáng kể so với mức cắt giảm 7,05 triệu thùng/ngày của tháng 3 và 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2. Sau khi thông tin trên được công bố, giá dầu Brent tăng hơn 5%, lên 67 USD/thùng, mức cao kỷ lục kể từ tháng 1-2020.

Đức: Phản đối ngừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Phát biểu với hãng tin Sputnik, Điều phối viên về hợp tác liên xã hội với Nga, Trung Á và các nước đối tác phương Đông của Đức G.Xa-át-hốp cho rằng, việc bỏ dở dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn tất 97% khối lượng công việc là vô trách nhiệm và gây thiệt hại kinh tế. Ông khẳng định dự án có vai trò quan trọng đối với an ninh khí đốt của Đức và EU, giúp đa dạng hóa nguồn cung và kết nối EU với mạng khí đốt của Nga. Mỹ từ lâu đã chỉ trích dự án này, đồng thời đe dọa trừng phạt các công ty tham gia xây dựng đường ống. Cho đến nay, Đức vẫn phản đối việc ngừng hoàn tất dự án.

Nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Myanmar

Ngày 7-3, Ngoại trưởng Australia Marise Payne thông báo nước này đã đình chỉ chương trình viện trợ quân sự cho Myanmar và chuyển hướng viện trợ phát triển sang các nhu cầu nhân đạo. Bà Payne cho biết Australia đang cùng các nước ASEAN, Nhật Bản và Ấn Độ nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Trong diễn biến liên quan, ngày 7-3 theo Kyodo, những công dân Myanmar đang sống ở Nhật Bản đã đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi gây sức ép với quân đội Myanmar trong việc trả tự do cho nhà lãnh đạo đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NDL), bà Aung San Suu Kyi và những người đã bị bắt giữ kể từ cuộc đảo chính 1-2. Theo Liên hiệp quốc, hơn 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ khi quân đội bắt giữ bà Suu Kyi./.

Theo nhandan.com.vn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202103/i-ran-the-hien-thien-chi-dam-phan-hat-nhan-2542841/