Ði tìm cột đá 'đội mũ'

Trên đỉnh đồi là khu đất bằng, chính giữa mọc lên cột đá sừng sững, cao hàng chục mét, thách thức trí tưởng tượng của mỗi người khi đến đây chiêm ngưỡng. Nhiều người đã đi tìm huyền tích về cột đá này và tôi cũng vậy.

Cột đá đội mũ ở thôn Sín Chải A.

Cột đá đội mũ ở thôn Sín Chải A.

Đầu tháng 12, ở La Pan Tẩn (Mường Khương), trời xanh ngắt, nắng vàng trải đều nơi “miền cao núi nhọn”, nhưng người nào đặt chân đến đây cũng co ro, xuýt xoa vì nhiệt độ ngoài trời chỉ 10 - 12oC. Cũng phải thôi, giờ đã là mùa đông, hơn nữa, La Pan Tẩn ở độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển, tương đương độ cao của Sa Pa. Rong ruổi xe máy từ thôn La Pan Tẩn vào thôn Sín Chải A trên tuyến đường giao thông nông thôn như dải lụa vắt qua sườn núi, anh Lù Văn Phong, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm cụm xã Cao Sơn hào hứng kể cho tôi về “báu vật” của người Mông ở thôn Sín Chải A. Câu chuyện cuốn hút khiến tôi chỉ mong được ngược núi ngay lúc này để được tận mắt nhìn thấy, tận tay chạm vào cột đá huyền bí này. Dường như cảm nhận được sự sốt ruột của tôi, anh Phong tăng ga, chẳng mấy chốc xe đã đến đầu thôn Sín Chải A.

Đón chúng tôi là anh Ly Lai, chàng trai người Mông rắn rỏi, nước da bánh mật bởi nắng gió, dù lần đầu tiên gặp nhưng rất thân thiện, đúng “chất” trai vùng cao không lẫn vào đâu. “Cưỡi” lên chiếc xe Wave, anh Lai đi trước dẫn đường, chúng tôi theo sau với sự háo hức vô cùng. Đi khoảng 20 phút, đến đoạn đường bằng, anh Lai và anh Phong dừng xe, để sát ven đường. Chỉ tay về đỉnh đồi phía xa, anh Lai thông báo ngắn gọn: Cột đá đội mũ ở trên đó! Căng mắt hết cỡ, tôi cũng chỉ nhìn thấy chấm xanh, nhưng với một người sinh ra và lớn lên ở Sín Chải, đã không biết bao nhiêu lần đưa người lên chiêm ngưỡng cột đá như anh Lai, thì việc nhìn vị trí chính xác hơn cả la bàn.

Đoạn đường mỗi lúc một dốc, thở không ra hơi. Con đường mòn nhỏ dẫn chúng tôi đi qua những nương chè, những bụi cây. Vượt qua vài con dốc, chui qua những bụi rậm, trước mắt chúng tôi là “thảo nguyên” bao la. Thật bất ngờ, giữa núi đồi trùng điệp lại có một nơi bằng phẳng, được phủ bởi thảm cỏ xanh rì. Ly Lai cho biết: Hầu hết trước khi lên đỉnh đồi chiêm ngưỡng cột đá, mọi người thường chọn “thảo nguyên” này để dừng chân cho lại sức sau quãng đường leo dốc mệt mỏi.

Giữa “thảo nguyên” bao la, nghe chim rừng hót với đủ âm sắc, thi thoảng gió đại ngàn lướt qua, mọi mệt mỏi dường như tan biến. May mắn cho tôi là tuần trước sương mù, dày đặc, tiết trời ẩm ướt, nhưng mấy hôm nay nắng vàng, trời xanh ngắt không gợn chút mây. Vì sự may mắn ấy mà đứng ở đây, ngước mắt lên, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy cột đá đội mũ. Không chỉ người Mông ở Sín Chải A, mà cả xã La Pan Tẩn đều coi đây là báu vật linh thiêng.

Chàng trai người Mông Ly Lai vẫn với nụ cười “tỏa nắng”, giục chúng tôi: Mình đi tiếp thôi, lên trên đó mới có nhiều điều thú vị!

Nói rồi, Lai vạch cây, tìm đường dẫn chúng tôi đi. Điều rất lạ, trên đường từ “thảo nguyên” lên đây, dốc bao nhiêu, cây cối um tùm bấy nhiêu, thì ở đỉnh đồi lại rất bằng và chỉ có vài cây cổ thụ. Ở giữa đỉnh đồi “mọc” lên một cột đá cao hàng chục mét, hơn chục người ôm mới hết. Thân cột không nhẵn mà chằng chịt những vết dọc ngang như dấu thời gian, rễ cây si đá bám chằng chịt quanh thân. Một số vị trí thân cột, hoàn toàn không phải là khối đá liên kết, mà là những viên đá xếp lên nhau mà không có một thứ chất kết dính nào, nhưng lại rất chắc chắn, ở một số cạnh, có những nét “khắc” độc đáo. Điều đặc biệt, phía trên đỉnh cột đá “xòe” ra giống chiếc mũ, do vậy người Mông ở Sín Chải A gọi là cột đá đội mũ. Đó là lời giải cho câu hỏi mà tôi đặt ra với Ly Lai trước khi lên đây.

Những viên đá xếp lên nhau không có chất kết dính.

Những viên đá xếp lên nhau không có chất kết dính.

Theo Ly Lai, với người Mông ở đây, không chỉ là cột đá đội mũ, mà đây là nơi rất linh thiêng. Lai đã từng nghe bố kể và nhiều lần tận mắt nhìn thấy người Mông trong xã và một số xã lân cận, thậm chí có cả người Mông ở Si Ma Cai, Hà Giang đến cột đá thắp hương, dâng lễ cầu xin sức khỏe, sinh con đẻ cái. Khi chúng tôi đến “mục sở thị”, dưới chân cột đá vẫn nghi ngút khói hương, xôi nếp, hoa quả và tiền lẻ mà ai đó mới cúng dâng. “Với người Mông, đã thắp hương và cúng thì nơi đó sẽ rất linh thiêng, không ai được xâm phạm, làm tổn hại đến cột đá”, Ly Lai khẳng định.

Cách cột đá đội mũ không xa là phiến đá lớn, đứng ở đó nhìn xuống vào ngày trời nắng, dễ dàng quan sát “thảo nguyên” bao la, những cánh rừng xanh ngắt trải dài vô tận bao bọc lấy bản làng người Mông ở La Pan Tẩn. Mỗi người khi đến cột đá đội mũ dâng lễ đều đến phiến đá lớn, trầm nghiệm, thả lòng mình với đất trời để quên đi những vất vả, phiền muộn, tìm thấy thư thái, an yên.

Tận mắt nhìn, tận tay chạm vào cột đá, mang theo sự mãn nguyện, chúng tôi xuống núi để tìm huyền tích về “báu vật” này. Người mà Ly Lai đưa chúng tôi đến gặp là ông Giàng Lử, cũng ở thôn Sín Chải A. Tranh thủ trời nắng, ông Giàng Lử ngồi sưởi ngoài sân. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Lử biết nhiều về cột đá đội mũ. Nhìn về phía đỉnh đồi có “báu vật” của người Mông thôn Sín Chải A, ông Lử chậm rãi nói: Từ khi còn bé, tôi đã được bố mẹ kể về cột đá này, bây giờ tôi 80 tuổi, cột đá vẫn vậy. Khi lớn lên, biết tự đi rừng, tôi được bố mẹ cho theo lên đó làm lễ. Qua nghe bố mẹ và những người già trong thôn kể lại, cột đá có từ bao giờ cũng không ai biết rõ, chỉ biết rằng, có một người trong thôn đi rừng lấy củi, phát hiện ra cột đá với hình dáng đặc biệt đã thông báo lại cho mọi người. Từ đó, một người, hai người, rồi nhiều người trong và ngoài thôn lên cột đá thắp hương, dâng lễ cầu xin sức khỏe, con cái.

Chính ông Giàng Lử cũng đã dành thời gian, công sức tìm hiểu sự tích của cột đá này, nhưng tất cả chỉ có câu trả lời đó là cột đá có rất lâu rồi. Người Mông ở Sín Chải A từ đời này qua đời khác vẫn chỉ gọi một cái tên “cột đá đội mũ”. Dù không tìm được huyền tích về cột đá, nhưng chúng tôi bị cuốn hút bởi thông tin mà ông Lử đưa ra, đó là cách cột đá đội mũ khoảng 1 giờ đi bộ, ở khu vực giáp ranh giữa thôn Sín Chải A và thôn Cu Ty Chải, xã La Pan Tẩn cũng có một cột đá, nhưng thấp hơn và không có mũ. Ly Lai cũng xác nhận điều này, bởi anh đã từng đến cột đá đó, thậm chí anh Lai còn “bật mí”: Nếu cột đá đội mũ giống người đàn ông, thì cột đá còn lại giống người đàn bà. Liệu có mối liên hệ giữa hai cột đá này?

Được biết, huyện Mường Khương đang ấp ủ ý tưởng biến La Pan Tẩn thành Sa Pa thứ hai. Ngoài lợi thế về độ cao, khí hậu, thiên nhiên hùng vĩ, bản làng đơn sơ, còn nguyên bản sắc của người Mông, thì những địa danh như hang Dềnh, dấu tích móng ngựa, đặc biệt là hai cột đá ở thôn Sín Chải sẽ là điểm khám phá, trải nghiệm cho du khách.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352553-i-tim-cot-da-doi-mu