Ia Grai siết chặt quản lý khoáng sản

Thời gian qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, góp phần hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho biết: Trên địa bàn huyện có 3 mỏ khoáng sản đang khai thác; 1 mỏ đá bazan xây dựng đã được cấp phép đang làm hồ sơ bồi thường đất, cây cối hoa màu trước khi khai thác; 3 mỏ khoáng sản đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác, đang làm hồ sơ thủ tục xin cấp phép khai thác.

Để siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị khai thác, tận thu khoáng sản thực hiện đúng các quy định về khoáng sản, bảo vệ môi trường, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác đúng theo quy định.

Ngoài ra, huyện thành lập các đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất và định kỳ tại các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản từng bước đi vào nền nếp, quy củ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrung Ksor Hiếu, người dân trên địa bàn đã chấp hành theo đúng cam kết, để lại đá sau khi cải tạo ruộng vườn. Ảnh: L.N

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrung Ksor Hiếu, người dân trên địa bàn đã chấp hành theo đúng cam kết, để lại đá sau khi cải tạo ruộng vườn. Ảnh: L.N

Xã Ia Hrung từng là “điểm nóng” về việc lợi dụng cải tạo ruộng vườn để khai thác đá trái phép. Để hạn chế tình trạng này, trong các buổi giao ban hàng tháng, UBND xã đã chỉ đạo ban nhân dân các thôn, làng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kết hợp tuyên truyền Luật Khoáng sản, nhất là hướng dẫn người dân cải tạo đất nông nghiệp đúng theo quy định.

Cùng với đó, yêu cầu các hộ dân khi cải tạo ruộng vườn phải ký cam kết bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tránh trường hợp lợi dụng cải tạo đất để khai thác khoáng sản trái phép.

Ông Ksor Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrung-cho hay: “Thời gian qua, UBND xã thường xuyên chỉ đạo ban nhân dân các thôn, làng tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu quy định của pháp luật để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản; vận động bà con cung cấp tin báo cho chính quyền khi có sự việc xảy ra.

Đồng thời, yêu cầu các hộ dân khi cải tạo ruộng vườn phải ký cam kết thực hiện các quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Quan điểm của xã sẽ xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng cải tạo đất để khai thác khoáng sản”.

Còn ông Nguyễn Xuân Bổn-Chủ tịch UBND xã Ia Bă thì thông tin: “Chúng tôi chỉ đạo các thôn, làng tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu quy định của pháp luật để bảo vệ nguồn tài nguyên, nhất là những hộ có kinh doanh máy múc không đi làm thuê cho các đối tượng khai thác đá trái phép. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn không có trường hợp nào khai thác khoáng sản trái phép”.

Ông Ksor Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrung chỉ khu vực làng Maih được quy hoạch mỏ đất san lấp trên địa bàn xã Ia Hrung. Ảnh: L.N

Ông Ksor Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrung chỉ khu vực làng Maih được quy hoạch mỏ đất san lấp trên địa bàn xã Ia Hrung. Ảnh: L.N

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, cơ quan chức năng đã xử phạt 4 cá nhân vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền 54 triệu đồng, tịch thu 500 viên đá chẻ, hơn 10 m3 cát, 1 máy hút cát, 1 tàu sắt dùng để hút cát và nhiều tang vật vi phạm khác.

Trong 8 tháng năm 2024, UBND xã Ia Hrung đình chỉ và lập hồ sơ xử lý 2 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt 4 triệu đồng, tịch thu 400 viên đá chẻ xây dựng.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết thêm: Trên địa bàn huyện có khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm phân tán trong đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, một số đối tượng lợi dụng cải tạo nương rẫy để khai thác đá xây dựng và khai thác cát bồi lắng tại các suối nhỏ.

“Ngoài việc siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản, huyện tổ chức rà soát các vị trí có trữ lượng khoáng sản lớn để đề xuất UBND tỉnh cập nhật đưa vào quy hoạch nhằm phục vụ khai thác.

Đến nay, UBND huyện đã xác định 32 vị trí quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đối với khoáng sản chưa khai thác, UBND huyện phân rõ trách nhiệm cho chính quyền cấp xã quản lý, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn”-ông Tuấn nhấn mạnh.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ia-grai-siet-chat-quan-ly-khoang-san-post291566.html