IAEA công bố báo cáo về nhà máy Zaporizhzhia, Ukraine và Nga nói gì?
Sau khi IAEA công bố báo cáo về Zaporizhzhia và nêu đề xuất thiết lập 'vùng an toàn', Nga và Ukraine đã lập tức lên tiếng.
Theo đó, trong báo cáo công bố ngày 6/9 về kết quả chuyến thị sát tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khuyến nghị ngừng pháo kích ngay lập tức vào nhà máy và khu vực lân cận.
Đồng thời, IAEA cũng kêu gọi thiết lập ngay “vùng an toàn” xung quanh nhà máy Zaporizhzhia nhằm ngăn ngừa một số “sự cố hạt nhân” có thể xảy ra do các hành động quân sự.
Khẳng định các sự cố tại nhà máy này đã vi phạm các nguyên tắc an toàn hạt nhân, song IAEA cũng cho biết, ngoài nhà máy Zaporizhzhia, 3 nhà máy điện hạt nhân khác của Ukraine vẫn hoạt động an toàn.
Ngay sau đó, các bên đã lập tức bày tỏ thái độ về báo cáo này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh báo cáo nhắc đến sự hiện diện của khí tài quân sự Nga tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Trong phát biểu hằng ngày, ông bình luận: “Báo cáo ghi nhận sự hiện diện của khí tài quân sự Nga trong khu vực nhà máy điện hạt nhân này, gây sức ép đối với các nhân viên của chúng tôi ở đó, và đề cập rõ ràng đến sự hiện diện quân sự của Nga. Thật tốt”.
Về đề xuất của báo cáo thiết lập “vùng an toàn”, ông Zelensky cho rằng, nếu đề xuất đó nhằm phi quân sự hóa “khu vực nhà máy điện hạt nhân... chúng tôi có thể hỗ trợ”.
Trong khi đó, Trưởng Phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cho biết, nước này lấy làm tiếc khi báo cáo trên của IAEA, vốn cảnh báo về những rủi ro tại nhà máy Zaporizhzhia của Ukraine, đã không quy trách nhiệm cho Kiev về các vụ pháo kích vào địa điểm này.
Thành viên của hội đồng chính quyền quân sự-dân sự thành phố Zaporizhzhia của Ukraine Vladimir Rogov khẳng định, phi quân sự hóa khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đồng nghĩa rằng Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ chiếm đóng nhà máy này.
Ông Rogov nêu: “Nếu nói về phi quân sự hóa, về một khu vực phi quân sự, thì tức là Lực lượng đặc nhiệm của (Tổng thống) Zelensky có thể tự do vào nhà máy điện (hạt nhân Zaporizhzhia) và tiếp tục pháo kích nhiều vùng lãnh thổ từ các vị trí mới. Có nghĩa là họ sẽ đi vào nhà máy điện hạt nhân và nã pháo vào các thành phố chính từ nhà máy này”.
Ông Rogov, người cũng là Chủ tịch tổ chức xã hội “Chúng tôi cùng với Nga”, nhấn mạnh, cần áp dụng cơ chế ngừng bắn và trừng phạt đối với các vụ pháo kích để duy trì tính toàn vẹn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, thay vì thiết lập một “vùng an toàn”.